AI liệu có thay thế con người trong sáng tạo nghệ thuật?

Tại thời điểm hiện tại AI không thể thay thế con người trong sáng tạo nghệ thuật bởi những khiếm khuyết về cảm xúc, rung cảm. Thế nhưng trí tuệ nhân tạo ra đời cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm nghệ thuật.

AI có phải là cỗ máy “ăn cắp” khổng lồ?

Chatbot ChatGPT của công ty OpenAI được ra mắt vào ngày 31/12/2022 và được ca ngợi là bước phát triển lớn nhất của trí tuệ nhân tạo. Nhận thấy tiềm năng béo bở của chiếc bánh này, những ông lớn đầu ngành công nghệ nhanh chóng bước chân vào cuộc đua phát triển AI. Chỉ một thời gian ngắn sau đó hàng loạt chatbot ra đời với những tính năng càng ngày càng ưu việt. Sự phát triển mạnh mẽ của AI thu hút sự quan tâm lớn của công chúng.

Từ nhiếp ảnh, hội họa đến âm nhạc, văn chương, AI đều có thể thực hiện được chỉ với những câu lệnh đơn giản trong khoảng thời gian đáng kinh ngạc. Liệu rằng những tác phẩm do AI tạo ra có thể thay thế được con người trong sáng tạo nghệ thuật hay không lại là một vấn đề lớn mang tính đạo đức, được đặt ra trước sự phát triển công nghệ vũ bão của nhân loại?

Trí tuệ nhân tạo gây sửng sốt bởi độ thông minh của nó khi có thể dễ dàng vượt qua những kỳ thi sát hạch với độ khó cao như kỳ thi chứng chỉ hành nghề Y khoa tại Mỹ - USMLE, kỳ thi MBA của Đại học Pennsylvania - một khóa học về quản lý và điều hành do Giáo sư Christian Terwiesch. Đối với nghệ thuật những tác phẩm AI tạo ra thậm chí đã đạt được những giải thưởng trong các cuộc thi uy tín liên quan đến nhiếp ảnh, hội họa. Có thể kể đến như, tác phẩm ảnh “The Electrician" của tác giả Boris Eldagsen đã đoạt giải thưởng Sáng tạo tại cuộc thi SWPA 2023, bức tranh Theấtre D'opéra Spatial được Jason Allen đem đến triển lãm bang Colorado (Hoa Kỳ) và vinh dự đoạt giải Nhất tại lĩnh vực thiết kế đồ họa. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc con người sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Thế nhưng điều đó có xảy ra không hay chỉ là những đánh giá phiến diện sai lầm của số ít người.

Trước hết chúng ta cần phải hiểu AI phát triển dựa vào nguồn dữ liệu khổng lồ đầu vào mà con người cung cấp để cho nó học tập với tham vọng mô phỏng các quá trình trí tuệ của con người bằng máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Về bản chất AI chỉ là một cỗ máy tổng hợp, xáo trộn các nguồn dữ liệu mà nó thu thập được để thực hiện các yêu cầu của con người. Như vậy có thể thấy AI hoàn toàn là cỗ máy đạo văn, đạo nghệ thuật, đạo ý tưởng khổng lồ, ăn cắp ý tưởng từ nhiều nguồn chứ hoàn toàn không có sự sáng tạo để làm ra những tác phẩm nghệ thuật của riêng nó. Một bức tranh tổng thể có thể trông mới lạ nhưng bản chất bên trong từng chi tiết đều là những thứ được cóp nhặt, đánh cắp từ sự sáng tạo mồ hôi, xương máu của chính con người. Thực tế cho thấy ngay đến chính con người cũng chưa thể hiểu hết về giống loài của chính mình khi có những bí ẩn chẳng thể giải thích về cơ thể sinh học thì làm sao một máy móc do chính con người tạo ra có thể làm được điều đó để bắt chước, mô phỏng y hệt.

Những tác phẩm nghệ thuật do con người tạo ra không phải bằng cách áp dụng công thức, sáng tạo nghệ thuật không có một giới hạn hay công thức rập khuôn nào cả. Cũng như không có một con đường định sẵn nào để đi đến đích trong nghệ thuật. Có thể có tới hàng trăm con đường dẫn tới thành công trong lĩnh vực nghệ thuật, thế nhưng tìm thấy được con đường đó và bền bỉ theo đuổi nó đến cùng hay không lại là câu chuyện riêng của mỗi người. Nghệ thuật là cống hiến, hy sinh và đánh đổi chứ không chỉ đơn giản thực hiện bằng những câu lệnh trong phần khung chatbot là xong. Một tác phẩm nghệ thuật giá trị đôi khi nằm ở chính sự hy sinh, chính câu chuyện làm nên nó, chứ không hẳn nằm trong bề mặt nổi của tác phẩm đó. Đây là điều mà những tác phẩm ăn xổi do AI tạo ra không bao giờ có được.

AI có thể là bộ óc cực kỳ thông minh nhưng nó thiếu một trái tim thổn thức những nhịp đập của cảm xúc, thiếu cả lý tưởng và ký ức, thứ làm nên những tác phẩm nghệ thuật rung cảm triệu triệu con người. Con người qua hàng ngàn năm tiến hóa mới có khả năng phát triển trí tuệ, hành vi và cảm xúc như ngày hôm nay. Cảm xúc chính là món quà vô giá, là thứ làm nên sự khác biệt giữa con người với mọi loài và tất nhiên không một máy móc nào có thể so sánh. Những thứ AI tạo ra luôn vô hồn, vô cảm như bữa cơm của người bị nhiễm COVID mất vị giác, tất cả đều khô khốc, trệu trạo như nhai những cọng rơm.

Công nghệ phát triển với mục đích phục vụ cuộc sống của con người được tốt hơn. Những người làm nghệ thuật hoàn toàn có thể tận dụng AI để phát triển, học tập kỹ năng cho mục đích sáng tạo nghệ thuật. AI có thể xem như một chiếc nồi đa năng có thể nấu đủ thứ món với số lượng lớn thế nhưng chẳng thể nào thay thế được người đầu bếp, có thể bạn thích ăn đồ ăn được chế biến sẵn nhưng bạn thừa biết giữa món ăn do đầu bếp chế biến và món ăn đóng hộp thứ nào có giá trị và ngon hơn.

Tại thời điểm hiện tại AI không thể thay thế con người trong sáng tạo nghệ thuật bởi những khiếm khuyết về cảm xúc, rung cảm. Thế nhưng trí tuệ nhân tạo ra đời cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm nghệ thuật. Thời thế biến chuyển không ngừng, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, đã đến lúc những người làm nghệ thuật cần phải nghiêm túc với những tác phẩm mình làm ra. Những tác phẩm công nghiệp, rập khuôn đã có AI lo, nên hãy sáng tạo những tác phẩm bằng khối óc, trái tim và trải nghiệm với sự nghiêm túc, say mê. Nếu không một ngày nào đó khi con người không chịu tiến lên còn máy móc thì không ngừng phát triển thì chắc chắn AI sẽ thay thế hoàn toàn con người trong tương lai. (Lê Đình Trung)

Nhà văn trẻ nói gì về AI?

Người trẻ với lợi thế của mình luôn nhanh nhạy với sự phát triển của công nghệ, biết tận dụng, khai thác công nghệ để phục vụ cuộc sống. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật thu hút sự quan tâm lớn của công chúng đặc biệt những người làm nghệ thuật. Các nhà văn trẻ có quan điểm như thế nào trước câu hỏi liệu rằng AI có thể thay thế con người trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng không?

Tống Phước Bảo: Nếu dễ dàng viết văn làm thơ thì chúng ta đã là cường quốc Nobel văn chương.

Chúng ta thấy sự phát triển công nghệ và mạng xã hội rầm rộ dẫn đến tâm lý đám đông dễ bị dẫn dắt. Nên, khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ra đời phần nào đó được thổi phồng một cách quá đáng. Nhiều người đưa ra các bài thơ, truyện ngắn mà AI viết ra rồi khẳng định AI có thể viết được hết, cân tất cả mọi thứ. Tôi cũng thử và phát hiện ra những sự ngớ ngẩn từ thơ - văn mà AI viết ra. Văn chương đâu có công thức viết, khuôn mẫu nào để AI tích hợp và nhào nặn ra được. Nếu dễ dàng viết văn làm thơ thì chúng ta đã là cường quốc Nobel văn chương.

Trên một bình diện rộng phổ quát thì rất nhiều người viết văn làm thơ nhưng để có tác phẩm hay, để cái tên mình định danh, để có được độc giả thì người viết phải phấn đấu một hành trình dài với nhiều điều kèm theo. Hành trình đó có khi tính bằng năm, có khi tính bằng cả cuộc đời. Cá nhân tôi thấy nhà văn nên tận dụng sự phát triển của công nghệ trong việc sưu tầm tư liệu, và truyền thông cho tác phẩm. Chỉ cần một cú nhấp chuột, một tra cứu trên không gian mạng chúng ta tiếp cận nguồn tư liệu khổng lồ không biên giới. Cái khó là các nhà văn lớn tuổi thường không rành mảng công nghệ. Tuy nhiên, thế hệ nhà văn trẻ 9X, 2K đang làm điều này khá tốt. Tôi cho rằng trong nguy có cơ, trong sự phát triển công nghệ nhà văn cần nắm bắt và tận dụng sự tối ưu hóa này, còn cái khó là công nghệ mênh mông, học từng ngày, cần có sự kiên nhẫn với công nghệ từ những người viết vốn đã quen dùng chữ hơn dùng số.

Phan Đức Lộc: Chúng ta cùng chiến với AI thôi!

AI tất nhiên không thể thay thế được những văn nghệ sĩ tài năng thực lực, nhưng chắc chắn 100% có thể thay thế được những văn nghệ sĩ làng nhàng, nhạt nhẽo, thiếu sáng tạo! AI đã vẽ nên những bức tranh sắc nét, sáng tác nên những bài thơ xúc động và hát lên những lời ca tha thiết, tuyệt vời hơn rất nhiều so với một số họa sĩ, nhà thơ, ca sĩ... tự phong. Đây mới chỉ là bắt đầu, AI đang dần hoàn thiện và được nâng cấp. Lúc đó, các văn nghệ sĩ không chịu khó trau dồi năng lực cũng khá là... rén khi solo với AI đây. Ngày đó có lẽ không còn xa lắm đâu! Và tôi cũng không thể thả lỏng bản thân nhiều quá nữa rồi, cùng chiến với AI thôi!

Đào Thu Hà: AI không có trái tim và tâm hồn

Al có thể sáng tác những bài thơ, những truyện ngắn, vẽ được những bức tranh, tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh ấn tượng, những ca khúc có giai điệu cuốn hút, bắt tai... Nhưng Al không thể thay thế được con người, thay thế được các nghệ sĩ chân chính. Bởi con người có xúc cảm, có sự rung động trước cái đẹp, có sự phẫn nộ và đấu tranh với cái ác. Những nghệ sĩ sáng tác bằng rung cảm của trái tim, của tâm hồn, bằng mong muốn, khát khao được nhân lên những điều tốt đẹp và dẹp trừ những điều bất công, xấu xa, tàn bạo. Đó là điều mà Al không có và không thể thay thế được.

Đức Anh: Người làm nghệ thuật không thể không vô tư như trước

Việc AI có thể viết lách là một việc tốt. Nó giúp nhiều người nhận ra rằng cái gì là của kỹ thuật và cái gì là của tài năng cá nhân. Về sáng tạo văn học, AI có thể trở thành một trợ lý kỹ thuật, đặc biệt cho những ai viết truyện. Nó có thể giúp rà soát cốt truyện, nhân vật. Về hội họa, AI có thể giúp một số khâu trong vẽ digital, chẳng hạn lên bố cục. Điều quan trọng là ta biết dùng nó. Ta phải thật sự là một ông chủ của nó. Tôi không nghĩ ai có thể thay thế ai được. AI có thể làm nghệ thuật, nhưng con người không bao giờ mất đi nhu cầu nghệ thuật. Ngược lại, AI sẽ giúp con người ngày càng giỏi hơn, ngày càng bớt những thứ nghệ thuật sao chép mô phỏng để tiến đến cái đích thực. Điều duy nhất thay đổi ở hiện tại đó là người làm nghệ thuật không thể vô tư như trước. Chúng ta đang sống trong một thế giới phức tạp, giờ chúng ta phải làm nghệ thuật để giải đáp cho sự phức tạp đó. (Lê Trân)

Điêu khắc gia Lê Đình Nguyên: Nghệ thuật được tạo ra bởi máy móc liệu có mang lại giá trị?

AI giờ trở thành một trào lưu thời thượng như một thú chơi sang chảnh. Thật ra nó đã ra đời từ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, từ khi máy tính hiện đại ra đời, và từ đây các nhà khoa học đã thử nghiệm ý tưởng của họ về trí thông minh của máy móc. AI được hiểu là: MÁY MÓC BẮT CHƯỚC TRÍ TUÊå THÔNG MINH CỦA CON NGƯỜI

Công bằng mà nói, nhân loại không thể không đón nhận thành tựu khoa học tuyệt vời này. Bởi AI đã làm nên biết bao điều kỳ diệu, biến viễn tưởng thành sự thật hơn mơ của con người trong xã hội hiện đại: AI tạo ra robot thông minh thay thế con người đảm nhiệm ở những vị trí quan trọng đặc biệt trong chế tạo điện tử, khoa học kỹ thuật. AI còn thay thế người làm bảo vệ trong những cơ quan công ty bảo mật đặc biệt. AI dẫn người qua đường, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già cô đơn vì AI được lập trình hiểu và biết phân tích tiếng người. AI nằm trong hệ thống tín dụng ngân hàng. AI thay người lái xe đưa con người đến nơi cần đến chỉ qua mệnh lệnh = giọng nói... và AI nằm cả trong chiếc điện thoại thông minh hiện đại mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày.

Thông minh, siêu hạng - AI có thể viết văn thay nhà văn? Có thể viết nhạc thay nhạc sĩ? Vẽ tranh, nặn tượng thay họa sĩ? hay thổi kèn, chơi đàn thay nhạc công? Thậm chí là robot thay nhạc trưởng để chỉ huy dàn nhạc giao hưởng ... xin thưa: AI làm được tất!

Nhưng điều AI không bao giờ làm được là sự sáng tạo từ con tim, nhịp đập cảm xúc đến từ những rung động trái tim và tâm hồn, hay giây phút thăng hoa ngẫu hứng bất chợt vụt đến trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Bởi AI mãi chỉ là một sản phẩm đến từ trí tuệ con người, bắt chước trí tuệ con người mà thôi. Vì thế mà những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc do AI tạo ra có thể đánh lừa được con mắt nhưng không thể đánh lừa được trái tim vì nó là tác phẩm được tạo ra từ máy, nó chắc chắn sẽ không mang lại cho người thưởng thức nghệ thuật những giá trị của cảm xúc. Những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ MÁY thì nó cũng sẽ vô hồn như một cỗ máy mà thôi. (Trung Hiếu - ghi)

AI thúc đẩy hay “bóp chết” sự sáng tạo?

AI và khả năng vô hạn của mình đã tác động đến nhiều mặt cuộc sống, trong đó có âm nhạc và thời trang. Một nghiên cứu mới với 3.000 nhạc sĩ ở Anh cho thấy, 63% trong số họ đã kết hợp AI trong quá trình sáng tạo của mình. Nhiều thương hiệu thời trang thế giới cũng trình làng những bộ sưu tập kết hợp với AI thay vì sử dụng 100% sự sáng tạo của con người như trước. Trí tuệ nhân tạo phát triển như vũ bão đã mang đến cho các nhạc sĩ, nhà thiết kế vô vàn lợi ích nhưng đi kèm với đó là những thách thức buộc họ phải không ngừng học hỏi và chạy đua với công nghệ.

Nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh.

Nhạc sĩ, ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh chia sẻ: “Tôi là một nhạc sĩ vẫn đang sáng tác theo cách thức truyền thống: Ngâm nga giai điệu trên nền piano và đặt dần ca từ. Tôi cũng đã biết hiện tại có những phần mềm AI hỗ trợ việc này nhưng bản thân chưa thực sự muốn khai thác. Mặt tiêu cực của công nghệ là khiến âm nhạc thiếu đi 1 chút rung động giữa người sáng tạo đối với người nghe. Đối với người làm âm nhạc, đôi khi việc “mất thời gian” xử lý công đoạn nào đó trong tác phẩm lại cho họ “cơ hội” để sống lại cảm xúc lúc ý tưởng mới nhen nhóm, thay vì với AI thì việc đó có lẽ là “không cần thiết”. Tôi nghĩ ở góc độ người nghe, nếu như họ cảm nhận thấy bài hát do AI sáng tác hay, khiến họ yêu thích thì người nghe sẽ xem đó là tác phẩm, còn góc độ người làm nghề thì có lẽ cần xem xét đến việc nhạc sĩ chỉ nhờ AI can thiệp đôi chỗ, hay bị phụ thuộc tất cả”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, cha đẻ của ca khúc “Nhật kí của mẹ” cho rằng: “Trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc, mặt tích cực của AI là giúp nhạc sĩ hoàn thiện một bài hát trong thời gian sớm nhất mà không cần hiểu quá nhiều về nhạc lý, nền tảng từ ngữ sâu sắc, trải nghiệm cuộc sống, giảm thiểu thời gian, chi phí, đảm bảo tính “thức thời”. Còn mặt hại là cái gì không đến từ trái tim sẽ khó chạm được trái tim, đương nhiên sẽ không sâu sắc, khó tồn tại lâu dài.

AI chỉ có thể “cướp việc” của các nhạc sĩ khi những nhà sản xuất, đạo diễn mong muốn những sản phẩm “mì ăn liền”, rẻ, nhanh, gọn lẹ, hay khán giả mong muốn những nội dung giải trí vui vẻ đơn giản, theo xu hướng, không có nhu cầu thưởng thức sự tinh tế của nghệ thuật hay cảm thụ 1 bài hát được viết bằng chính cảm xúc, trải nghiệm và tâm huyết của một người nhạc sĩ”.

Còn đối với Tín Thái, một nhà thiết kế trẻ được biết đến với tên gọi "ông hoàng trang phục dân tộc" đã thực hiện nhiều bộ tác phẩm vừa hoành tráng về quy mô, vừa sâu sắc về ý nghĩa cũng có những quan điểm riêng về ảnh hưởng của AI với ngành thời trang: “Với cá nhân tôi, AI không những là một đối tác mà còn là một người đồng hành để giúp mình thuận tiện hơn trong kiểm soát tổ chức và sáng tạo. Thế nhưng việc lạm dụng AI sẽ tạo ra nhiều rủi ro, tranh chấp và vấn đề bản quyền. Vậy nên, AI chỉ nên là công cụ sáng tạo có kiểm soát và suy tính kỹ lưỡng bởi con người, không là chuẩn mực hay thước đo của một ai.

Sự kết hợp thời trang với AI mang giá trị truyền thông và quảng bá cao, tuy nhiên để xem đây là nghệ thuật thì chưa hẳn. Nghệ thuật cần hơn hết ngoài trái tim là lý trí để trực tiếp tạo ra nó. AI không thể tạo ra những giá trị sâu sắc hơn ngoài những lợi ích bề nổi dễ thấy, AI là nghệ thuật nhưng tác phẩm của AI không là nghệ thuật. Có thể thấy phần nào đó AI đang dần thay thể vai trò các nhà thiết kế, nhưng song song, điều này cũng thúc đẩy phát triển tư duy và kỹ năng của các nhà thiết kế để có thể kiểm soát và vận dụng AI một cách hiệu quả và tích cực nhất”.

Tóm lại, AI như một cuốn sách luôn luôn mở, những người sáng tạo và AI có thể huy động lẫn nhau và tạo ra tác động cộng hưởng. Phụ thuộc AI sẽ đánh mất màu sắc của chính mình, bài trừ AI sẽ bị thụt lùi, chi bằng tận dụng sự tinh vi của nó để đi tắt đón đầu. (Lê Thảo)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ai-lieu-co-thay-the-con-nguoi-trong-sang-tao-nghe-thuat--i708729/