Ai nuôi ai?

- Chúng ta cạnh tranh, đua nhau để thu hút đầu tư nên đã ưu đãi quá mức cần thiết. Rút cuộc, DN nuôi địa phương hay ngược lại? - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 18/11.

Ai nuôi ai?

Vừa rồi chúng ta có một loạt động thái kiểm tra, siết lại đầu tư nước ngoài FDI. Nguyên nhân của việc này là gì, thưa Bộ trưởng?

Vì FDI có 2 mặt, không thể phủ nhận vai trò của vốn đầu tư nước ngoài trong hơn 20 năm qua. Không có khu vực này thì thời gian qua tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng sẽ không có được. Hiện Bộ KH-ĐT đang được Thủ tướng chỉ đạo có tổng kết, chỉ đạo kết quả hơn 20 năm về khu vực này.

Nhưng mặt trái là trong giai đoạn trải thảm đỏ, thu hút đầu tư bằng mọi giá, ở TƯ có mức độ nhưng phân cấp cho địa phương, mỗi tỉnh thành đều mở ra rất nhiều khu công nghiệp. Các địa phương đều có chính sách hết sức cởi mở để thu hút FDI (xé rào chỉ là một mặt và đã chấn chỉnh rồi). Chúng ta cạnh tranh, đua nhau để thu hút đầu tư nên đã ưu đãi quá mức cần thiết.

Thí dụ, qua kiểm tra có những doanh nghiệp đầu tư, tiền thuế đất đã miễn giảm đến mức tối đa trong khi chúng ta phải thu hồi đất của người dân để dành cho doanh nghiệp. Miễn thuế cũng tối đa, 5 năm đầu không thu gì cả, mấy năm sau chỉ 5%, hơn 10 năm sau cũng chỉ thu 10% thuế thu nhập doanh nghiệp. Đó là những mức độ ưu đãi nhất hiện nay.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Cạnh tranh, đua nhau để thu hút đầu tư nên đã ưu đãi quá mức cần thiết. Ảnh: Minh Thăng

Rút cuộc, DN nuôi địa phương hay địa phương nuôi DN? Mấy chục năm hầu như địa phương không thu được gì nhiều. Đó là chưa kể hiện tượng chuyển giá xuất hiện ở nhiều DN. Lúc nào cũng báo lỗ, lỗ trầm trọng, quy mô sản xuất lại ngày càng mở rộng ra, đó là điều phản quy luật. Làm ăn không chính đáng, cần kiểm tra. DN nước ngoài đáng ra phải mang tiền vào VN đầu tư thì thực tế huy động vốn trong nước là chính.

Việc kiểm tra là để xem DN nước ngoài đã huy động vốn trong nước đến đâu, mang vốn vào được bao nhiêu, vay vốn trong nước thế nào? Từ đó ta có biện pháp xử lí, lập lại trật tự. Chưa nói đến chuyện vừa rồi FDI vào đây xả thải ra đất nước này nhiều ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong dân. Phải chấn chỉnh lại.

Không biến VN thành khu gia công, xả thải

Có người đặt câu hỏi, phải chăng vì kinh tế khó khăn nên chúng ta siết lại?

Không phải vì khó khăn mới siết, mà đến lúc nhận thấy bất cập nên phải chấn chỉnh FDI phải là tập đoàn có năng lực, đóng lâu dài ở nền kinh tế, tham gia vào việc phát triển nhanh, bền vững, chất lượng bền vững cao. Chứ không phải kiểu FDI vào nhiều mà VN không thu được gì.

Không thể để tình trạng DN vào đầu tư nhưng lại lợi dụng chính sách ưu đãi, chuyển giá, trốn thuế. Đó là việc phải làm. Ta phải định hướng lại thu hút đầu tư. DN vào, vốn vào gắn với đưa công nghệ tiên tiến, hàm lượng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thân thiện với môi trường.

Đã qua rồi thời kì trải thảm đỏ một cách bằng mọi giá, phải chọn lọc. Nếu không, sẽ biến VN thành khu vực gia công, lắp ráp. Chẳng qua thời gian này trùng với thời điểm kinh tế đất nước đang khó khăn nên ta nghĩ thế thôi. Nhưng việc chuyển giá thì đã nói từ lâu, hàng chục năm nay, ngay từ khi bắt đầu có đầu tư nước ngoài.

Sao đến thời điểm này mới đặt ra việc xử lý, thưa ông?

Tất nhiên việc đó có thể đã diễn ra từ đầu nhưng quy mô nhỏ thôi mà chúng ta lại đang cần thu hút đầu tư cho nên nhiều cái cũng chưa phân tích hết. Dần dần trong quá trình quản lý ta thấy việc này bộc lộ rất nhiều cái sai. DN luôn báo lỗ nhưng vẫn liên tục mở rộng quy mô sản xuất. Rõ ràng là có vấn đề.

Tất nhiên cái gì cũng cần có thời gian. Thời gian của chúng ta, đến bây giờ là cần phải rà soát xem xét lại thì cần có biện pháp quản lý của nhà nước. Đây là việc Việt Nam phải làm, dù khó mấy đi chăng nữa.

Phương Loan ghi

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/49012/ai-nuoi-ai-.html