AI phát triển, ảnh giả tràn lan, cử tri hoang mang mùa bầu cử năm 2024

Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra mối quan ngại không nhỏ về việc những thông tin sai sự thật có thể xuất hiện trong cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ 2024.

Ảnh giả về vụ bắt giữ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, video mô phỏng về một tương lai đen tối trong trường hợp Tổng thống Joe Biden tái đắc cử, bản ghi âm giả về cuộc hội thoại của các ứng viên đã lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Các nhà quan sát cho rằng với sự phát triển như hiện nay, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thúc đẩy việc lan truyền thông tin sai lệch về các chiến dịch tranh cử ở Mỹ, theo hãng tin AFP.

Cuộc đua tổng thống năm 2024 dự kiến là cuộc bầu cử đầu tiên của Mỹ chứng kiến việc sử dụng rộng rãi các công cụ AI. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng công nghệ này lại đang làm mờ ranh giới giữa thực và ảo.

Người dân Mỹ trong một buổi phát biểu của cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 9-2022. Ảnh: AFP

Người dân Mỹ trong một buổi phát biểu của cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 9-2022. Ảnh: AFP

Quan ngại

Là một dạng công nghệ rẻ tiền, dễ tiếp cận và chưa có nhiều quy định kiềm chế, AI được dự đoán sẽ được cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa khai thác trong quá trình vận động tranh cử. Với công nghệ này, đội ngũ các ứng viên có thể tạo ra các bản tin gây quỹ chỉ trong vài giây.

Tuy nhiên, trong bối cảnh không khí chính trị ở Mỹ có phần cực đoan hơn trước đây, các chuyên gia công nghệ đã đưa ra cảnh báo về khả năng kẻ xấu có thể lợi dụng AI để gieo rắc hỗn loạn, tung tin giả

Cuộc đua tranh cử giữa các đảng chưa chính thức bắt đầu nhưng trên thực tế, những hình ảnh giả, tạo ra bằng công nghệ AI nhằm vào các ứng viên tổng thống đã được lan truyền rộng rãi.

Hồi tháng 3, công nghệ AI đã tạo ra bức ảnh giả về việc ông Trump bị các sĩ quan cảnh sát New York bắt giữ. Một tháng sau đó, sau khi ông Biden tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng đã phát hành một video được tạo ra bằng công nghệ AI, mô tả về một tương lai đen tối nếu ông Biden thắng cử.

Không những vậy, AI còn tạo ra những hình ảnh giả về sự hỗn loạn tại Phố Wall, lượng lớn người nhập cư vượt qua tường rào biên giới và tiến vào lãnh thổ Mỹ.

Một bức ảnh giả do AI tạo ra, mô tả cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cảnh sát truy đuổi. Ảnh: THE TIMES

"Tác động của AI sẽ phản ánh giá trị của những người sử dụng nó, đặc biệt là những kẻ xấu. Chúng sẽ có các công cụ mới để kích động sự căm ghét, nghi ngờ, hoặc làm sai lệch hình ảnh, âm thanh, video nhằm lừa bịp báo chí và công chúng” - ông Joe Rospars, người sáng lập công ty tư vấn chính trị Blue State, nói.

Ông cũng cho rằng: “Việc ngăn chặn điều này đòi hỏi sự cảnh giác của các công ty truyền thông và công nghệ, cũng như sự cảnh giác của chính các cử tri”.

"AI nói dối"

Theo AFP, hiệu quả của AI là không thể phủ nhận, dù người dùng nó có ý định tốt hay xấu.

Các phóng viên (PV) AFP đã làm thử một thí nghiệm nhỏ. Họ nhờ phần mềm ChatGPT tạo ra một bản tin chiến dịch ủng hộ ông Trump. Trong đó, các PV đưa cho ChatGPT dữ liệu về những tuyên bố sai sự thật của cựu tổng thống.

Chỉ trong vài giây, dựa trên những thông tin sai lệch, ChatGPT đã tạo nên một tài liệu chiến dịch với những câu từ đầy sức hút.

Khi các PV tiếp tục yêu cầu phần mềm làm cho bản tin gây "tức giận hơn", nó đã lặp lại những thông tin sai lệch đó bằng một giọng điệu “xấu xa” hơn.

Ông Dan Woods, cựu giám đốc công nghệ cho chiến dịch tranh cử của ông Biden vào năm 2020, cho rằng: “AI hiện tại nói dối rất nhiều”.

"Nếu các đối thủ của chúng ta yêu cầu một robot lan truyền thông tin sai lệch, thì chúng ta nên chuẩn bị, vì sẽ có lượng thông tin sai lệch lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta đã thấy vào năm 2016" - ông Woods cảnh báo.

Ông Vance Reavie - giám đốc điều hành của công ty Junction AI - cho rằng AI có thể trở thành công cụ hữu hiệu giúp các đảng hiểu cử tri của mình.

“Có một phần lớn dân số không bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu một cách bất thường. Bằng AI, chúng ta có thể tìm hiểu về những điều mà những cử tri tiềm năng này quan tâm và lý do họ quan tâm, ở mức độ rất chi tiết. Từ đó, chúng ta có thể hiểu cách thu hút họ và những chính sách nào sẽ thúc đẩy bỏ phiếu” - ông Reavie cho hay.

Kẻ xấu có thể sử dụng các phần mềm AI như ChatGPT để lan truyền thông tin sai lệch. Ảnh: REUTERS

Sự thật không được công nhận

Các nhân viên chiến dịch trước đây phải dành hàng giờ để viết bài phát biểu, chuẩn bị trước các quan điểm thảo luận, bài đăng twitter và bảng khảo sát, nhưng AI có thể thực hiện được công việc tương tự trong một khoảng thời gian ngắn.

Ông Reavie cho biết: “Việc tạo nội dung tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Giờ đây, bạn có thể làm được gấp 10 lần mà không cần thêm nhân viên. Tuy nhiên, cũng có nhiều nội dung trong số này là sai và chúng dễ dàng lan truyền trên các phương tiện. Người bình thường khó có thể phân biệt được thật, giả”.

Theo AFP, một bộ phận lớn dân số Mỹ hết sức tin tưởng vào các phương tiện truyền thông có uy tín. Do đó, nếu có thông tin giả lan truyền trên các phương tiện này, rất khó để họ nhận ra.

Ông Hany Farid - giáo sư tại Trường Thông tin UC Berkeley - nói: “Mối lo ngại là khi việc thao túng truyền thông trở nên dễ dàng hơn, thì việc công nhận sự thật sẽ trở nên khó khăn hơn”.

"Ví dụ, nếu một ứng cử viên tổng thống nói điều gì đó không phù hợp hoặc bất hợp pháp, người đó có thể khẳng định đoạn ghi âm là giả mạo. Điều này đặc biệt nguy hiểm" - ông cảnh báo.

Ông Hoover - cựu giám đốc kỹ thuật trong chiến dịch tranh cử năm 2012 của cựu Tổng thống Barack Obama - cho rằng: "Những kẻ xấu sẽ sử dụng bất kỳ công cụ nào để đạt được mục tiêu của chúng. Và AI cũng không ngoại lệ. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên để nỗi sợ này ngăn cản chúng ta sử dụng AI để tạo lợi ích cho mình”.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/ai-phat-trien-anh-gia-tran-lan-cu-tri-hoang-mang-mua-bau-cu-nam-2024-post735548.html