Ai sẽ giành giải Nobel Y học 2014 ?

(Tin Nóng) Giải Nobel Y học năm nay phải chờ đến 16 giờ 30 ngày 6.10 (giờ VN) mới bắt đầu công bố kết quả, nhưng nếu bạn muốn đặt cược trước xem ai sẽ thắng cuộc, sau đây là một số thông tin đáng chú ý về những ứng viên tiềm năng nhất.

David Julius liệu có ẵm Nobel Y học năm nay nhờ nghiên cứu cái cay nóng của ớt với sự đau đớn ?- Ảnh: Reuters

Kể từ năm 2002, hãng Thomson Reuters đã dự đoán trúng 35 người đoạt giải Nobel bằng cách áp dụng các thuật toán đặc biệt. Danh sách những người lọt vào vòng may mắn năm nay bao gồm 7 tên tuổi đã đóng góp vào công cuộc cách mạng hóa sự hiểu biết của nhân loại về sự đau đớn và bệnh tật. Có vẻ phần thắng đang nghiêng về người Mỹ.

Giảm đau đớn từ nghiên cứu "ớt nào mà ớt chẳng cay"

Khi cắn một trái ớt hiểm, khoang miệng của bạn lập tức bị cái nóng khủng khiếp và cay xè tấn công. Lý do khiến chúng ta có cảm giác vừa đau vừa nóng khi ăn thức ăn cay hóa ra lại hết sức đơn giản: Các tế bào phản ứng với một dạng hợp chất trong ớt đã thể hiện cái cay nồng cũng tương tự như cách chúng thể hiện... cái nóng.

Nhà sinh lý học David Julius, người đã khám phá hiện tượng trên trong phòng thí nghiệm tại Đại học California, San Francisco (Mỹ) đang sử dụng dữ liệu thu được để tìm ra các phương pháp mới điều trị những cơn đau đớn. Ông xác định một nhóm gien cụ thể đồng thời được kích hoạt khi tiếp nhận hợp chất trong ớt lẫn nhiệt độ cao. Nghiên cứu của chuyên gia Julius dự đoán những dòng thuốc mới có thể khóa được những gien này và từ đó làm giảm cảm giác đau.

Mở cuộn xoắn của ADN

Toàn bộ các tế bào của chúng ta chứa những chỉ thị cụ thể để đảm bảo chúng thực hiện đúng chức năng đã định sẵn, nhưng khi nào những chỉ thị này được đọc cũng như cách thức diễn ra vẫn là một điều bí ẩn.

Từ trái sang phải: Robert G. Roeder; Robert Tjian; James E. Darnell - Ảnh: Reuters

Nhà hóa sinh Robert G. Roeder của Đại học Rockefeller và nhà sinh học Robert Tjian của Đại học California tại Berkeley (California, Mỹ) đã phát hiện một loại protein mới giúp kiểm soát thời điểm cũng như những gien này đã được bật như thế nào. Các protein trên hoạt động bằng cách hỗ trợ việc mở những cuộn dây xoắn chặt của ADN bên trong tế bào, tạo điều kiện cho các tế bào tiếp cận dễ dàng những mệnh lệnh này.

Nhà sinh học James E. Darnell của Đại học Rockefeller đã phát hiện thêm một dạng phân tử mới có công dụng kết hợp các ADN lại với nhau và thông báo cho tế bào khi nào bắt đầu sao chép các mệnh lệnh để chúng chính thức hoạt động được. Những cuộc nghiên cứu trên sẽ giúp giới y học hiểu được cách thức có thể kiểm soát những nguy cơ di truyền có thể dẫn đến nhiều căn bệnh khác nhau.

Tại sao cơ thể chống lại chúng ta?

Còn nhớ khi các nhà khoa học cho rằng họ đã phát hiện toàn bộ nhân loại đều giống nhau đến 99% (về mặt gien di truyền)? Có ba nhà khoa học đồng lòng bác bỏ luận điểm trên.

Từ trái sang: Michael H. Wigler, Charles Lee, và Stephen W. Scherer - Ảnh: Reuters

Michael H. Wigler, Charles Lee, và Stephen W. Scherer thuộc phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor ở New York đang xác định cách thức cho thấy những sự khác biệt về gien có thể khiến con người mắc bệnh, hoặc sống khỏe mạnh suốt đời. Khám phá của họ nhiều khả năng sẽ thay đổi cách thức con người phát hiện và điều trị bệnh tiểu đường và những căn bệnh nguy hiểm khác.

Khác xa với luận điểm cho rằng con người giống nhau đến 99% về mặt gien di truyền, bộ gien của chúng ta có sự khác biệt vô cùng lớn. Trên thực tế, những dải lớn trong cơ thể gien di truyền có thể thiếu hụt hoặc trùng lập. Kết quả là có đến 1/10 của tất cả gien của chúng ta hoàn toàn khác biệt. Do đó, thay vì giống nhau đến 99%, có thể nói con người chia sẻ gần 90% trong toàn bộ gien.

Một vài tình trạng thiếu hụt trên bộ gien cũng là cơ sở của bệnh tật. Các chuyên gia Scherer và Wigler lần lượt phát hiện mối liên hệ giữa sự khác biệt trên ADN với chứng rối loạn tự kỷ. Nói tóm lại, nghiên cứu của các chuyên gia trên đang làm rõ cách thức những thay đổi trong gien di truyền có thể dẫn đến một dạng bệnh tật cụ thể.

Phi Yến

Nguồn Tin Nóng: http://tinnong.vn/pages/20141006/ai-se-gianh-giai-nobel-y-hoc-2014.aspx