Ai sẽ kiểm tra thân thể phạm nhân là người đồng tính, người chuyển giới?

Ai sẽ khám thân thể người chuyển giới? Người 'chưa xác định giới tính' ghi thế nào trong hồ sơ thi hành án... là những băn khoăn của Đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) ngày 19.11.

 ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình)

ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình)

Ai kiểm tra thân thể người chuyển giới?

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) bày tỏ băn khoăn vì tại điểm d khoản 2 Điều 28 về việc kiểm tra thân thể người chấp hành án phạt tù, nếu là nam giới thì do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện. Nhưng tại d khoản 2 Điều 30 về việc quy định giam giữ phạm nhân có quy định: Phạm nhân là người đồng tính, người chuyển giới tính, người chưa xác định được giới tính.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình): Người chuyển giới thì ai kiểm tra?

Từ sự mâu thuẫn trên, ĐB đặt câu hỏi: Vậy ai sẽ kiểm tra những đối tượng này? ĐB đề nghị được quy định rõ trong dự thảo luật.

Là người làm trong ngành pháp luật, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) có phân tích khá sâu sắc về vấn đề này (ĐB Phan Thị Mỹ Dung hiện là Phó Giám đốc Sở Tư pháp Long An, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội).

Theo ĐB Dung, thống nhất cao việc sửa đổi bổ sung một số đối tượng để bố trí giam giữ riêng là người đồng tính, người chuyển giới tính, người chưa xác định được giới tính.

Bởi lẽ, thực tế, việc giam giữ đối với phạm nhân là người đã can thiệp của y khoa để chuyển đổi giới tính, nam thành nữ, nữ thành nam đã phát sinh những vấn đề phức tạp, khó khăn cho ngành công an. Cụ thể, do pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể nên về nguyên tắc dù nam đã chuyển thành nữ nhưng hồ sơ ghi là nam thì phải giam chung buồng với phạm nhân nam. Vì vậy, đã phát sinh những phức tạp tại buồng giam.

Chưa ai tuyên án giới tính phạm nhân là.... chưa rõ

Theo ĐB Dung, cần phải cân nhắc về cơ sở pháp lý của những quy định này vì, đối với người đồng tính, người chưa chuyển đổi giới tính thì Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình không có quy định và xác lập với hai thực thể nêu trên.

Cụ thể, tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định: "Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính". Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật" và hiện hành cũng không có quy định nào khác để quy định về một người được thực hiện chuyển đổi giới tính.

Vậy, việc định danh hai đối tượng này vào dự luật, trên cơ sở pháp lý nào, cơ quan nào, cá nhân nào có thẩm quyền xác định cũng như xác định bằng văn bản pháp lý nào để xác định một người A, người B là đồng tính hay là người chuyển đổi giới tính để cơ quan tư pháp căn cứ vào đó mà tổ chức thực hiện thi hành một bản án hình sự.

Tương tự, đối với quy định về việc bố trí giam giữ riêng đối với người chưa xác định giới tính. Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định về người chưa xác định được giới tính mà chỉ có tại Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: "Xác định lại giới tính là một trong những thủ tục về đăng ký hộ tịch".

ĐB Phan Thị Mỹ Dung cho rằng trong hồ sơ phạm nhân, phần giới tính chưa có mục người chưa xác định giới tính.

Theo quy định của pháp luật hộ tịch, giới tính của một người hoặc một công dân luôn được nêu là nam, là nữ khi đăng ký hộ tịch, cá nhân có quyền yêu cầu xác định lại giới tính đã được đăng ký trong khai sinh do giới tính chưa được hình thành chính xác do lúc đăng ký khai sinh có sai sót, nhầm lẫn ghi nhận trong giới tính ở trong giấy khai sinh ..

Mặt khác, chúng ta cũng biết rằng trong một bản án hình sự tuyên cho một người đều xác định là giới tính nam hoặc giới tính nữ, không có trường hợp chưa xác định giới tính.

Từ những bất cập trên, ĐB Dung đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu quy định với quy tắc tối thiểu về ứng xử tù nhân của Liên hợp quốc rà soát với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan để phân loại việc giam giữ riêng, vừa đáp ứng được thực tiễn nhưng vừa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành.

Xuân Hùng - Thành Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/ai-se-kiem-tra-than-the-pham-nhan-la-nguoi-dong-tinh-nguoi-chuyen-gioi-642181.ldo