Ai tài trợ sân khấu học đường?

Khi năm học mới đi vào ổn định, thì chương trình Sân khấu Học đường lại được thực hiện. Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết mở đầu chương trình Sân Khấu Học đường cho niên khóa 2018-2019 bằng buổi diễn giải và giao lưu tại Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM.

Những đơn vị tiếp theo đón nhận chương trình Sân khấu Học đường là các trường trung học thuộc quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi.

Sân khấu học đường bao giờ đến với các trường ở nông thôn?

Dự án Sân khấu Học đường được triển khai 5 năm qua, nhằm quảng bá và giới thiệu nghệ thuật truyền thống dân tộc đến với đông đảo học sinh, sinh viên của TPHCM và các tỉnh, thành lân cận. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã góp mặt vào chương trình như Lệ Thủy, Minh Vương, Thoại Miêu, Thanh Vy, Kim Tử Long, Hồng Vân, Vũ Luân… giúp các bạn trẻ hiểu biết thêm về đờn ca tài tử, cải lương, hát bội và dân ca. Giá trị của chương trình Sân khấu Học đường thì không thể phủ nhận, nhưng khó khăn đang cần tháo gỡ là kinh phí. Ngoài khoản tài chính ít ỏi của ngành giáo dục, thì chương trình Sân khấu Học đường vẫn chưa có cách nào đánh động được giới doanh nghiệp tham gia.

Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi đang điều hành Sân khấu kịch TKC chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn đưa tác phẩm đến với học sinh vùng sâu, vùng xa nhưng không có mạnh thường quân nào chung tay. Với khả năng của cá nhân thì không thể nào làm ra tấm ra món. Tại sao những game show truyền hình nhảm nhí thì các nhà tài trợ chen chân, còn Sân khấu Học đường thì chẳng ai ngó ngàng!”.

Giáo dục về nghệ thuật truyền thống không chỉ lưu giữ tinh hoa văn hóa của dân tộc, mà còn chuẩn bị nền tảng thẩm mỹ cho thế hệ công chúng tương lai. Cần ý thức rằng, nếu khán giả không được trang bị những kiến thức nghệ thuật cơ bản, thì họ không thể nào tiếp nhận cái hay, cái đẹp trong từng tác phẩm nghệ thuật. Tình trạng nhiễu loạn danh xưng ngôi sao nọ ngôi sao kia mấy năm gần đây, chính là hệ lụy của một đời sống xã hội một thời gian dài không chú trọng xây dựng văn hóa cho lứa tuổi học đường. Chương trình Sân khấu Học đường nếu thành công tại TPHCM sẽ lan tỏa ra các địa phương khác, và góp phần nâng cao ý thức cảm thụ nghệ thuật cho giới trẻ hôm nay và ngày mai.

Tài trợ cho Sân khấu Học đường không tốn kém như chí phí quảng cáo vào các giải bóng đá hoặc các cuộc thi hoa hậu hoặc các sân chơi tương tác trên màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, hầu như những doanh nghiệp đều chỉ thấy cái lợi trước mắt, chứ không nhìn ra cái lợi lâu dài. Các đại gia luôn muốn thương hiệu tiếp cận nhanh nhất đến người tiêu dùng, mà không màng đến khách hàng tiềm năng cũng như kiến thiết hình ảnh một doanh nghiệp thân thiện đồng hành tiến bộ của cộng đồng. Nói đi thì phải nói lại, phải chăng đã đến lúc cần có những chính sách ưu tiên về thuế cho những doanh nghiệp tích cực tham gia vào hoạt động văn hóa chung, để những chương trình như Sân khấu Học đường có sức sống bền vững!

TUY HÒA

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ai-tai-tro-san-khau-hoc-duong-post228496.html