Ai thắng ai trong cuộc đấu Trung – Mỹ?

Trung Quốc đang trỗi dậy đe dọa bá quyền Mỹ thì Mỹ kìm hãm Trung Quốc là logic của cạnh tranh toàn cầu trong thế giới đơn cực...

Trước mắt, đây là một cuộc chiến thương mại, nhưng theo quy luật đấu tranh giải quyết các mâu thuẫn của các đế quốc với nhau (khi chưa có vũ khí hạt nhân), thì chiến tranh nóng là cuộc chiến cuối cùng…Thế chiến 1, thế chiến 2 đã chứng minh quy luật đó.

Tuy nhiên, do các cường quốc hiện nay khác với các cường quốc đế quốc trước kia là các bên đều có vũ khí hạt nhân, cho nên, chiến tranh nóng là khó xảy ra, bởi kẻ nào chiến thắng thì chiến thắng đó cũng là “chiến thắng Pyrrhic”, có nghĩa là kẻ chiến thắng sẽ trả một cái giá cực đắt không thể chịu đựng nổi.

Do vậy, cuộc chiến Trung – Mỹ sẽ không dừng lại ở cuộc chiến thương mại mà nó sẽ di cư sang các lĩnh vực khác như cuộc chiến công nghệ (cả 2 đã xảy ra), chiến tranh tiền tệ, chiến tranh mạng, chiến tranh trong không gian…Đó là một cuộc chiến toàn diện và nếu chẳng may ai trong các bên tham gia thất bại trong các cuộc chiến này thì coi như bại trận.

Tại sao Mỹ ra tay với Trung Quốc

Như đã nói nhiều lần, Trung Quốc cải cách mở cửa và trỗi dậy đến như hôm nay là nhờ Mỹ, Nhật Bản và Phương Tây. Trung Quốc học được cách quản lý của Mỹ, nhận đầu tư của Mỹ, công nghệ Mỹ, thị trường Mỹ…để cất cánh. Ngoài ra Trung Quốc cũng buộc phải mua rất lớn trái phiếu Mỹ (Chẳng sung sướng gì khi chủ nợ của Mỹ hơn nghìn tỷ USD).

Do vậy khẳng định 100% là nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ…rất khó để thoát ra, hay nói cách khác Mỹ đã “bắt cóc” nền kinh tế Trung Quốc như Thiếu tướng GS Chu Thành Hồ (Cháu của Cố Nguyên soái Chu Đức – Trung Quốc) đánh giá.

Quả thật, một nền kinh tế bị “bắt cóc” là từ dùng ám chỉ không thể có từ nghĩa nào hay hơn. Khi bị bắt cóc, kẻ bị bắt cóc bằng cách này cách kia có ý đồ thoát ra thì không được phép và lập tức kẻ bắt cóc ra tay xác lập lại vị thế.

Với Mỹ, vấn đề mô hình kinh tế tự do toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh…chỉ tồn tại theo quan điểm của Mỹ. Nếu các quốc gia có thị trường mới nổi, có sức nặng trong nền kinh tế không ngừng tăng trưởng, có quan điểm riêng về quá trình toàn cầu hóa và hội nhập…mà không tương quan với các mô hình do Mỹ- bá chủ Thế giới, đặt ra là nhận được ngôn ngữ chiến tranh: cấm vận, trừng phạt...

Cụ thể, mặc dù hợp tác kinh tế với Trung Quốc nhưng về mặt quân sự Mỹ vẫn cấm vận Trung Quốc, chúng tỏ Mỹ vẫn luôn canh chừng Trung Quốc và khi Trung Quốc đã đang có hiện tượng thoát ra, phát triển độc lập, cạnh tranh với Mỹ, thách thức địa vị thống trị của Mỹ thì Mỹ ra tay trừng phạt, kìm hãm…

Cuộc chiến của Mỹ với Trung Quốc không phải là cuộc chiến về ý thức hệ mà là cuộc chiến của kẻ bá chủ với kẻ nô lệ muốn và đã trỗi dậy thách thức, đe dọa quyền bá chủ. Cuộc chiến đó sẽ xảy ra với bất kỳ kẻ nào dù là Nhật Bản hay cả EU trong đó Trung Quốc được xác định là kẻ đầu tiên, nguy hiểm nhất với Mỹ.

Ưu thế của Mỹ - Trung Quốc trong cuộc chiến toàn diện…

Trước hết là ưu thế của Mỹ:

1, Do Mỹ đã “bắt cóc” nền kinh tế Trung Quốc nên trong chuỗi liên kết kinh tế hóa toàn cầu, Mỹ nắm rất nhiều “tử huyệt” của Trung Quốc.

2, Mỹ có nhiều đồng minh mà vì lợi ích quốc gia vốn là chư hầu thường xuyên, lâu dài của Mỹ, họ sẵn sàng hỗ trợ, nghe lệnh Mỹ khoét sâu vào tử huyệt Trung Quốc.

3, Hệ thống tiền tệ tài chính thế giới đang trong tay Mỹ, đang phục vụ cho nước Mỹ mà cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có hiện tượng “giảm sút” như đánh giá của Tổng thống Nga tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg 2019 nhưng vẫn thừa sức gây áp lực mạnh, hiệu quả đến bất cứ quốc gia nào.

4, Sức mạnh tổng hợp của Mỹ là rất lớn, Mỹ nắm chắc các khâu then chốt của kỹ thuật công nghệ thế giới, có thị trường lớn ổn định, nên có đủ tiềm lực, sự hậu thuẫn để đối đầu với Trung Quốc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ai-thang-ai-trong-cuoc-dau-trung-my-3381786/