Ai từng dành cả thanh xuân để thầm yêu một người?

Đọc 'Mắt biếc', nhiều độc giả muốn 'trách' Nguyễn Nhật Ánh, bởi ông khiến người ta buồn đến nao lòng. Nỗi niềm của kẻ yêu đơn phương chân thành và thật cảm động.

Giọng văn uyển chuyển, mộc mạc nhưng lúc nào cũng đẹp đến lạ kỳ của Nguyễn Nhật Ánh, đã dẫn dắt người đọc bước vào không gian thơ mộng và đầy tiếc nuối trong Mắt biếc. Đó là một mối tình đơn phương dù đọc biết bao nhiêu lần vẫn khiến người ta nghẹn ngào. Nỗi buồn dai dẳng, cứ thấm dần vào từng tế bào, rồi ở yên đó mãi không chịu tan ra. Ai từng dành cả thanh xuân để âm thầm yêu một người thì chẳng thể bỏ lỡ những dòng tự tình này.

Vùng quê bình dị Đo Đo ấy đã chứng kiến những ngày tháng ấu thơ tươi đẹp của Ngạn và Hà Lan. Hai đứa trẻ cùng lớn lên bên sách vở, tiếng trống trường, những buổi đi chơi bên đồi sim, những chiều hoàng hôn trên đồng cỏ xanh bát ngát. Giàn thiên lý thơm ngát và ánh trăng vàng như ươm ước mơ của tất cả các cô bé cậu bé hồn nhiên, vô tư lự.

Ngạn và Hà Lan cứ thế lớn lên bên nhau. Ngạn đã yêu Hà Lan vì đôi mắt biếc, đẹp đến lạ lùng của cô, từ lúc nào không hay. Vì Hà Lan, Ngạn thành thi sĩ, thành ca sĩ, thành vệ sĩ, luôn sẵn sàng ở bên những lúc cô cần.

Truyện dài Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm này đã được đạo diễn Victor Vũ chuyển thể thành phim.

“Hà Lan thường đưa tay vén tóc một cách đặc biệt… Nhưng sức mạnh chủ yếu của Hà Lan nằm ở đôi mắt. Đôi mắt có hàng mi dài, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác… Lớn lên đôi mắt của Hà Lan lại gợi tôi nghĩ đến bầu trời và dòng sông, đến những ước mơ dịu dàng của tình yêu và khi đó tôi không còn đủ can đảm để nhìn lâu vào đôi mắt nó như ngày xưa thơ dại”.

Đến khi lớn hơn một chút, cả hai cùng lên thành phố đi học. Trong khi Ngạn vẫn một lòng hướng về Hà Lan, mong một ngày cùng nắm tay cô về làng, vun vén hạnh phúc cho mái ấm gia đình. Nhưng cậu đâu có ngờ, người mình “thầm yêu trộm nhớ” ấy lại mơ về cuộc sống cao sang ở chốn phồn hoa đô thị.

"Tôi đủ lớn để hiểu rằng, mỗi năm thế giới mỗi đổi thay và lòng người cũng khác. Tuổi ấu thơ chỉ có một con đường để cùng nhau chung bước. Khi lớn lên, trước mắt ta có lắm nẻo đường đời, bao nhiêu số phận là bấy nhiêu ngã rẽ, làm sao người chẳng quên người".

Suốt bao nhiêu năm ấy, lòng Ngạn chỉ hướng về Hà Lan. Mỗi lần Hà Lan bế tắc, thất vọng, buồn chán, cô đều tìm tới Ngạn để trút bầu tâm sự. Ngạn luôn ở đó, luôn dang rộng vòng tay ấp ôm cô, như muốn gánh chịu hết những nỗi buồn mà người con gái anh thương đang cất giữ trong lòng.

Hai diễn viên Trần Nghĩa và Trúc Anh thủ vai Ngạn và Hà Lan.

"Điều đáng ngán nhất trong tình yêu là khi mình yêu ai, mình không biết họ có biết điều đó hay không. Điều đáng chán thứ nhì là khi mình biết họ biết điều đó rồi, thì mình lại không biết họ có yêu lại mình hay không. Cả hai điều nhất nhì đó, tôi đều gom đủ. Vì vậy, tôi càng chán tợn. Tôi chẳng biết làm sao thoát ra khỏi nỗi buồn. Tôi đành tìm đến âm nhạc để giải khuây".

Khi biết Hà Lan ngã vào vòng tay của Dũng - một gã thanh niên nhà giàu, sành điệu, giỏi võ nhưng lại thiếu đứng đắn, một kẻ chuộng tự do, luôn nuông chiều bản thân, Ngạn đã vô cùng đau khổ. Khi Hà Lan mang thai với Dũng, nhưng lại bị anh ta ruồng bỏ, thì nỗi đau của kẻ yêu đơn phương lên đến đỉnh điểm.

Hà Lan vẫn quyết định sinh đứa bé, sau đó gửi về quê cho mẹ cô nuôi dưỡng. Người mẹ trẻ đặt tên cho con gái là Trà Long. Trà Long có đôi mắt biếc giống hệt Hà Lan khi còn trẻ. Cô bé một lòng hướng về làng Đo Đo, tâm hồn cô sinh ra cũng dành cho làng Đo Đo, yêu những thứ bình dị nơi đây. Trà Long đến, phải chăng để bù đắp những gì Hà Lan đã không dành cho Ngạn và quê hương?

“Con không thể cưới Ngạn, vì anh ấy quá tốt”. Mọi hy vọng của Ngạn bị dập tắt bởi câu nói đó của Hà Lan. Ngạn lại lặng lẽ gác lại tấm chân tình của mình và bắt đầu những trang đời mới.

Bị Hà Lan từ chối nhưng Ngạn vẫn dành hết tình yêu của mình cho bé Trà Long. Ngạn chăm sóc cô bé ân cần như con ruột. Trà Long yêu Ngạn, còn anh thì sao? Những tưởng nụ hôn của Ngạn và Trà Long trong rừng sim sẽ là một kết thúc đẹp của tình yêu. Nhưng chính tại thời điểm đó, Ngạn nhận ra rằng: anh chưa bao giờ quên được Hà Lan và đôi mắt biếc hồn nhiên ấy. Phải chăng, Trà Long chỉ là “thế thân” của mẹ cô?

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Victor Vũ cùng 2 diễn viên chính. Ảnh: tienphong.vn

Suốt bao nhiêu năm, chưa một lần Ngạn hết thương Hà Lan. Cuối cùng anh chọn cách ra đi, bỏ lại Trà Long và làng quê, bỏ lại cả Hà Lan và đôi mắt biếc. Cả quãng đời đã qua của mình, Ngạn luôn đau đáu đi tìm câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi. Buồn thay, đáp án không như những gì mà anh mong đợi.

“Ngày mai khi cháu nghe thấy tiếng còi tàu thì chú đã ở xa ngoài năm trăm dặm. Có một bài hát đã hát như thế. Chú đã nghe bài hát buồn bã này nhiều lần, nhưng không bao giờ chú nghĩ bài hát đó lại hát cho chú và người chú yêu dấu".

Ngày mai, khi cháu đến tìm chú, hẳn lúc ấy mặt trời đã lên và những cánh phượng cuối cùng của mùa hè đang bắt đầu ứa máu. Nhưng Trà Long yêu thương của chú, chú vẫn tin rằng, dù sao lúc ấy cháu cũng sẽ không khóc, cháu sẽ không khóc, có phải thế không?”.

Tú Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ai-tung-danh-ca-thanh-xuan-de-tham-yeu-mot-nguoi-post952230.html