AI và bản sắc con người

Trong một thời đại máy móc ngày càng có thể thực hiện những công việc mà trước đây chỉ con người mới làm được, điều gì sẽ tạo nên bản sắc của chúng ta với tư cách là con người?

Như chúng tôi đã trình bày ở các chương trước, AI sẽ mở rộng những gì chúng ta biết về thực tại. Nó sẽ thay đổi cách chúng ta truyền đạt, kết nối và chia sẻ thông tin. Nó sẽ biến đổi các học thuyết và chiến lược mà chúng ta phát triển và áp dụng. Khi chúng ta không còn tự mình khám phá và định hình thực tại - khi chúng ta sử dụng AI như một công cụ bổ trợ cho nhận thức và suy nghĩ của mình - thì chúng ta sẽ nhìn nhận bản thân và vai trò của mình trong thế giới như thế nào? Làm thế nào để dung hòa AI với các khái niệm như nhân phẩm và quyền tự chủ của con người?

Ảnh: ts2.space.

Trong các thời đại trước, con người đã đặt mình vào vị trí trung tâm của câu chuyện. Mặc dù hầu hết xã hội đều công nhận sự không hoàn hảo của con người, nhưng họ vẫn tin rằng các năng lực và trải nghiệm của con người sẽ cấu thành một đỉnh cao mà bất kỳ người phàm trần nào cũng ao ước được chạm đến trên thế giới.

Thật vậy, họ đã tôn vinh những cá nhân là hiện thân của những đỉnh cao của tinh thần con người, minh họa cho cách chúng ta muốn nhìn nhận bản thân. Những vị anh hùng này sống trong những xã hội và thời đại khác nhau - nhà lãnh đạo, nhà thám hiểm, nhà phát mình, liệt sĩ - nhưng họ đều là hiện thân của các khía cạnh của thành tựu con người và qua đó thể hiện sự khác biệt của con người.

Trong thời hiện đại, sự tôn kính dành cho các vị anh hùng của chúng ta đã và đang tập trung vào những người vận dụng lý trí mang tính tiên phong - phi hành gia, nhà phát minh, nhà khởi nghiệp, nhà lành đạo chính trị - những người đang khám phá và tổ chức thực tại của chúng ta.

Giờ đây, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mà AI - một phát minh của con người - ngày càng được giao phó những công việc mà trước đây chỉ tâm trí con người mới có thể thực hiện hoặc cố gắng thực hiện.

Khi AI thực hiện những công việc này, tạo ra những kết quả tiệm cận và đôi khi vượt trội hơn những kết quả mà trí tuệ con người tạo ra, nó sẽ thách thức một thuộc tính mang tính xác định của việc thế nào là làm người. Hơn nữa, AI có khả năng học hỏi, tiến hóa và trở nên “tốt hơn” (theo hàm mục tiêu mà nó đã được giao phó).

Quá trình học động này cho phép AI đạt được những kết quả phức tạp mà cho đến nay chỉ con người và các tổ chức của con người mới có thể đạt được.

Với sự trỗi dậy của AI, các định nghĩa về vai trò, khát vọng và sự thỏa mãn của con người sẽ thay đổi. Thời đại này sẽ tôn vinh những phẩm chất nào của con người? Những nguyên tắc hướng dẫn của nó sẽ là gì? Bên cạnh hai cách hiểu truyền thống là bằng niềm tin và lý trí, AI sẽ bổ sung thêm một cách thứ ba.

Sự thay đổi này sẽ kiểm tra - và, trong một số trường hợp, biến đổi - những giả định cốt lõi của chúng ta về thế giới và vị trí của chúng ta trong đó.

Lý trí không chỉ đã cách mạng hóa các ngành khoa học, mà nó còn thay đổi đời sống xã hội, nghệ thuật và niềm tin của chúng ta. Dưới sự giám sát của nó, hệ thống đẳng cấp của chế độ phong kiến đã sụp đổ, và chế độ dân chủ, ý tưởng rằng những người có lý trí nên tự chỉ đạo sự quản trị của mình, đã trỗi dậy.

Bây giờ AI sẽ thử thách các nguyên tắc nến tảng của sự tự hiểu biết về bản thân của chúng ta. Trong một thời đại mà thực tại có thể được dự đoán, ước tính và mô phỏng bởi một AI có khả năng đánh giá những gì có liên quan đến cuộc sống của chúng ta, dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo và quyết định phải làm gì, thì vai trò của lý trí con người sẽ thay đổi.

Cùng với nó, ý thức về các mục đích cá nhân và xã hội của chúng ta cũng sẽ thay đổi. Trong một số lĩnh vực, AI có thể bổ sung cho lý trí con người. Trong những lĩnh vực khác, AI có thể khiến con người có cảm giác xa rời quy trình chính điều khiển một tình huống.

Trải nghiệm có thể sẽ hiệu quả nhưng không phải lúc nào cũng tạo cảm giác thỏa mãn đối với một người lái xe mà phương tiện của anh ta chọn một làn đường hoặc tuyến đường khác dựa trên một tính toán không được giải thích - thực ra là không được nói ra, đối với một người được gia hạn hoặc từ chối cấp tín dụng dựa trên một đánh giá chạy bằng AI, đối với một người tìm việc mà việc cô ta có được mời phỏng vấn hay không dựa trên một quy trình tương tự và đối với một học giả được một mô hình AI cho biết câu trả lời khả thi nhất trước khi anh ta chính thức bắt đầu nghiên cứu.

Đối với loài người vốn đã quen với quyền tự quyết, vị thế trung tâm và sự độc quyền về trí tuệ phức tạp, AI sẽ thách thức sự tự nhận thức về bản thân của chúng ta.

Henry Kissinger, Eric Schmidt, Daniel Huttenlocher / NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-va-ban-sac-con-nguoi-post1447948.html