Airbus và 'những bí mật' tại Thụy Sỹ

Trong nhiều năm, các phi vụ kinh doanh không rõ ràng của Airbus đã dựa vào các dịch vụ được cung cấp bởi các trung gian tại Thụy Sỹ.

No Title

Máy bay Airbus A321 của Hãng hàng không Pháp Air France tại sân bay Roissy. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus đã thiết lập một hệ thống các công ty đáng ngờ dùng để thực hiện các vụ hối lộ. Một cuộc điều tra do Đài Phát thanh và Truyền hình Thụy Sỹ (RTS), Tập đoàn truyền thông tư nhân Tamedia (Thụy Sỹ) và Tổ chức Hợp tác Điều tra châu Âu (EIC) thực hiện, cho thấy hệ thống các công ty này phần nào dựa vào các trung gian tại Thụy Sỹ.

Trong nhiều năm, các phi vụ kinh doanh không rõ ràng của Airbus đã dựa vào các dịch vụ được cung cấp bởi các trung gian tại Thụy Sỹ, trong đó có các luật sư ở Geneva, một công ty ủy thác tại Zurich chuyên về thành lập các công ty offshore, các tài khoản ngân hàng ở Thụy Sỹ.

Điều này được tiết lộ qua các thư điện tử email, hợp đồng và tài liệu ngân hàng chưa được công bố mà Tuần báo Der Spiegel (Đức) và báo mạng Mediapart (Pháp) thu thập được và chia sẻ với Tổ chức Hợp tác Điều tra châu Âu (EIC).

Airbus đang phải đối mặt với các cuộc điều tra tại châu Âu và Mỹ, cụ thể là tại Vương quốc Anh (năm 2016), Pháp (năm 2017) và Mỹ (năm 2018) về những nghi ngờ tham nhũng.

Các thương vụ bán vệ tinh và trực thăng cho Kazakhstan, một hợp đồng liên quan đến các máy bay vận tải hàng không cho Libya hay các vụ giao hàng cho Mali và Saudi Arabia bị nghi ngờ bởi không ít dấu hiệu bất thường và các khoản hoa hồng được thanh toán một cách bí mật.

Các cuộc điều tra quốc tế đang hướng đến Thụy Sỹ trong một số vấn đề. Liên quan đến thương vụ bán vệ tinh và trực thăng cho Kazakhstan, theo yêu cầu hỗ trợ tư pháp từ các nhà chức trách Pháp, tháng 1/2017, các nhà điều tra Thụy Sỹ đã thực hiện một vụ khám xét nhà riêng tại Geneva của người từng đứng đầu Bộ phận Tiếp thị và Dịch vụ (SMO) của Airbus.

Thông tin về vụ khám xét nhà của nhân vật này được kiểm chứng qua một phán quyết của Tòa án Liên bang Thụy Sỹ.

Nhà chức trách Pháp cũng nhắm đến một doanh nhân người Tunisia từng hợp tác với Bộ phận Tiếp thị và Dịch vụ (SMO) của Airbus trong cùng thương vụ nêu trên. Doanh nhân Tunisia này cũng từng có nhiều mối quan hệ tại Thụy Sỹ qua những chuyến thăm ở vùng nói tiếng Đức của Thụy Sỹ, hay mối quan hệ với một ngân hàng ở Geneva ...

Theo thông tin của các nhà báo điều tra của RTS, Tamedia và EIC, vụ khám xét tư gia được nhà chức trách Thụy Sỹ thực hiện theo yêu cầu từ phía Pháp nhắm đến một địa chỉ tại Geneva của người nắm vai trò trung gian này.

SMO đã tiến hành các hợp đồng và thương vụ phức tạp nhất. Vai trò của bộ phận SMO là trả tiền cho các trung gian được sử dụng để Airbus giành được hợp đồng. Do yêu cầu bảo mật, SMO đã thiết lập rất nhiều các công ty con đóng vai trò che chắn cho Airbus.

Trong số rất nhiều các công ty con nêu trên, các luật sư của công ty luật Merkt và cộng sự (Geneva) điều khiển các công ty được đăng ký tại Antilles (thuộc Hà Lan), Panama hay Luxembourg.

Những công ty che chắn thuộc nhóm đầu này cho phép Airbus che giấu sự kiểm soát của tập đoàn với hệ thống các công ty đáng ngờ còn lại, các công ty ở nhóm sau này cũng bao gồm một loạt các công ty offshore được tổ chức theo các thứ tự, tầng lớp.

Các tài liệu được EIC thu thập và được RTS phân tích cũng cho thấy vai trò nổi bật của công ty ủy thác tại Zurich mang tên Quadris AG trong việc quản lý các công ty, mà một vài trong số đó bị nghi ngờ đã được sử dụng để che giấu các khoản hối lộ.

Một trong những người sáng lập Quadris AG, Alexander Breuer, thậm chí đã trực tiếp tham gia ít nhất một cuộc họp với một lãnh đạo của Airbus để thảo luận về các thỏa thuận tài chính với SMO.

Ngoài việc nhiều công ty offshore được quản lý bởi các trung gian tại Thụy Sỹ, một số công ty này cũng có tài khoản tại các ngân hàng Thụy Sỹ. Một giao dịch đáng ngờ được phát hiện ở Thụy Sỹ cũng đã dẫn đến một cuộc điều tra tại Geneva.

Các nhà báo của RTS đã liên lạc với Quadris, song công ty ủy thác tại Zurich từ chối trả lời các câu hỏi từ phía nhà báo. Cyril Abecrame, đối tác của công ty luật Merkt, có tên và chữ ký xuất hiện thường xuyên trong các tài liệu, nói rằng ông không thể trả lời các câu hỏi của nhà báo và nêu lý do bí mật nghề nghiệp.

Ông Cyril Abecrame cũng nói rằng ông "chưa bao giờ can thiệp vào bất kỳ vụ việc nào có nguy cơ đặt bản thân và các cộng sự vào tình trạng vi phạm pháp luật và đặc biệt trong bất kỳ vụ việc tham nhũng nào". Trong vụ bê bối của Panama Papers, công ty luật Merkt cũng từng xuất hiện với tư cách là trung gian tích cực nhất tại Thụy Sĩ.

Viện Công tố Liên bang Thụy Sỹ khẳng định với RTS rằng cơ quan này không mở cuộc điều tra về Airbus. Cơ quan Công tố Pháp chuyên trách các vụ án về kinh tế, chịu trách nhiệm điều tra về vụ việc liên quan đến Airbus ở Pháp, cũng không muốn đưa ra bình luận về vụ điều tra.

Airbus cũng không có tuyên bố nào về vụ việc này. Từ năm 2015, tập đoàn này cố gắng thoát khỏi các vụ việc này bằng một hoạt động mang tên "bàn tay sạch" và hợp tác với nhà chức trách.

Bộ phận SMO với biệt danh “lâu đài nhảm nhí” do chính Chủ tịch Airbus, Tom Engers, người sắp kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo tại tập đoàn, từng không ngần ngại nói ra, đã bị giải thể vào năm 2015. Tuy nhiên, các nhà điều tra dường như vẫn quyết tâm vén tấm màn bí mật về các vụ việc đáng ngờ của Airbus.

Những tiết lộ mới nhất của EIC cho thấy Samit, một công ty trung gian của Liban, đã nhận gần 10 triệu euro của Airbus, với “lý do chính thức” rằng Samit là "nhà tư vấn" của thương vụ bán máy bay cho Hãng hàng không Ai Cập, Egyptair.

Tuy nhiên, một sự việc đáng ngờ, chính công ty Samit này sau đó lại phân phối lại khoản tiền tương tự như khoản tiền công ty này đã nhận từ Airbus cho một bên thứ 3 gồm 6 công ty offshore khác.

Một tài liệu kế toán từ công ty ủy thác tại Zurich mang tên Quadris cho thấy các giao dịch chuyển tiền này đã được thực hiện theo yêu cầu của một vị lãnh đạo của Airbus.

Hình thức thanh toán nêu trên có thể đã được sử dụng để phân phối các khoản tiền từ Airbus một cách kín đáo. Trên hết, hình thức thanh toán này làm phương hại đến lý lẽ biện minh của Airbus, tập đoàn vốn luôn tuyên bố không biết gì về việc sử dụng các khoản tiền này.

Công tố viên Geneva Yves Bertossa đang điều tra về các nguồn tài chính xung quanh việc bán trực thăng cho quân đội Mali. Trong số này, nổi lên một dự án mỏ vàng tại Mali, do một người thân cận với nhà cầm quyền tại nước này nắm giữ. Airbus đã đầu tư vào dự án mỏ vàng này 17 triệu franc.

Nhà chức trách đặt vấn đề liệu việc thanh toán khoản tiền 17 triệu franc này thực tế có thể được dùng để trả các khoản hoa hồng nhằm giành được hợp đồng bán trực thăng cho chính quyền Mali, với những giao dịch chuyển tiền được thực hiện nhờ các tài khoản ngân hàng tại Geneva. Vụ việc này khiến người lãnh đạo cũ của SMO từng được yêu cầu có giải trình với nhà chức trách vào tháng 12/2017.

Luật sư của người quản lý cũ này tại Airbus, Lionel Halpérin tuyên bố rằng thân chủ của ông "phủ nhận việc thực hiện bất kỳ hành vi sai trái nào"./.

Hoàng Hoa (P/v TTXVN tại Geneva)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/airbus-va-nhung-bi-mat-tai-thuy-sy/117552.html