Alexis St. Martin: Người sống hơn nửa cuộc đời với một lỗ rò dạ dày

Đầu thế kỷ 19, các thầy thuốc đều đã có hiểu biết đầy đủ về giải phẫu học, nhưng kiến thức về chức năng và cơ chế hoạt động của các cơ quan nội tạng vẫn còn rất mơ hồ. Và tất nhiên, cũng chưa có ai từng quan sát được các bộ phận bên trong cơ thể sống, cho đến khi một trường hợp chưa từng có tiền lệ xuất hiện và cầu cứu bác sĩ William Beaumont.

Beaumont là một bác sĩ phẫu thuật phục vụ quân đội Hoa Kỳ đóng quân tại Đảo Makinac, Chicago. Một ngày mùa hè năm 1822, bác sĩ được triệu tập khẩn cấp để cứu một người với vết súng bắn chí mạng vào dạ dày. Người đó là Alexis St. Martin, lúc ấy 28 tuổi, là người chuyên chở hàng hóa cho Công ty Lông thú Hoa Kỳ. Anh ta bị thương ở dạ dày khi vô tình trúng viên đạn cướp cò từ súng của một nhà buôn. Họng súng chỉ cách nạn nhân chưa tới một mét và số đạn chì đã trúng ổ bụng, làm gãy hai xương sườn, tổn thương phổi trái và làm thủng một lỗ xuyên qua dạ dày.

Tranh sơn dầu mô tả William Beaumont và Alexis St. Martin của họa sĩ Dean Cornwell.

Tranh sơn dầu mô tả William Beaumont và Alexis St. Martin của họa sĩ Dean Cornwell.

Lúc ấy, Beaumont là bác sĩ phẫu thuật duy nhất trên đảo và đã cố gắng làm tất cả những gì có thể: rửa vết thương, gắp mảnh quần áo, xương vỡ và các vật thể lạ ra khỏi khoang ngực, cho bôi thuốc. Ban đầu, cả bác sĩ lẫn những người xung quanh không ai nghĩ St. Martin sẽ sống sót. Nhưng bất ngờ thay, chàng trai đã vượt qua cửa tử và bắt đầu quá trình hồi phục dù chậm nhưng vô cùng ngoạn mục.

Lỗ rò dạ dày của St. Martin.

Vì một nguyên nhân nào đó, cái lỗ trên dạ dày của anh không chịu lành, tất cả những gì St. Martin ăn đều trào ra ngoài qua lỗ đó. Trong thời gian này, bác sĩ Beaumont đã phải sử dụng ống thụt để đảm bảo dinh dưỡng duy trì sự sống cho anh.

Ban đầu, Beaumont cố gắng đóng miệng lỗ dạ dày bằng băng gạc và khâu vết thương lại, nhưng St. Martin không chịu được những mũi kim và từ chối thực hiện.

Sau gần một năm, lỗ dạ dày đã lành nhưng miệng vết thương vẫn không đóng mà nó hợp nhất với da bụng, tạo ra một lỗ vĩnh viễn bên dưới xương sườn dẫn thẳng vào dạ dày. Mười tám tháng sau vụ tai nạn, lỗ thủng ở dạ dày cũng phát triển một cơ thắt như một van tự nhiên ngăn không cho thức ăn thoát ra ngoài.

Qua thời gian, bác sĩ Beaumont nhận ra lỗ rò dạ dày này đã cho ông cơ hội hiếm có để quan sát những gì diễn ra bên trong cơ thể bệnh nhân. Nhận thấy tiềm năng khoa học to lớn này, Beaumont đã thuê St. Martin, đã thất nghiệp sau vụ tai nạn, làm việc tại nhà mình. Ban ngày, St. Martin sẽ thực hiện mọi công việc của một người hầu thông thường như bổ củi, chất hàng và khi có thời gian, anh sẽ để bác sĩ nghiên cứu dạ dày của mình.

Chân dung Alexis St. Martin.

Beaumont đã thử phản ứng của dịch dạ dày, ở cả môi trường trong và ngoài cơ quan nội tạng, với nhiều loại thức ăn khác nhau và quan sát hoạt động của mật trong quá trình tiêu hóa. Các lọ nhỏ đựng mẫu dịch dạ dày của St. Martin cũng được bác sĩ gửi tới các nhà hóa học hàng đầu châu Âu và Mỹ, chứng minh rằng quá trình tiêu hóa cần có axit clohydric. Ông cũng chứng minh được dịch dạ dày chỉ tiết ra khi phản ứng với thức ăn và không tích tụ qua nhiều bữa như nhiều người vẫn lầm tưởng. Beaumont cũng bác bỏ thành công ý kiến cho rằng cơn đói là do thành dạ dày rỗng cọ xát với nhau tạo ra.

Tuy nhiên, St. Martin lại cảm thấy tuyệt vọng và xấu hổ với những thí nghiệm của bác sĩ và mong muốn được quay lại công việc cũ, thậm chí nhiều lần đã bỏ trốn đến Canada. Dù đã có vợ con ở Canada, nhưng mỗi lần chạy trốn, cái nghèo đeo bám lại buộc ông quay về với Beaumont.

Trong khoảng thời gian hơn 10 năm, Beaumont đã thực hiện trên 200 thí nghiệm với St. Martin và tổng hợp kết quả cuốn "Thí nghiệm và Quan sát Dịch dạ dày và cơ chế Sinh lý học của quá trình Tiêu hóa" xuất bản năm 1833. Đây được coi là nền móng đầu tiên cho việc nghiên cứu dạ dày và dinh dưỡng hiện đại.

Beaumont đã rút ra không dưới 51 kết luận về tiêu hóa dựa theo những quan sát trên Alexis St. Martin, ông cho rằng tốc độ tiêu hóa rau sẽ chậm hơn thịt, sữa bị đông lại sớm trong quá trình tiêu hóa, và sự tiêu hóa được hỗ trợ bởi một chuyển động khuấy trong dạ dày. Đặc biệt, nghiên cứu của Beaumont về dịch dạ dày có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn, giúp xác nhận lý thuyết của William Prout rằng dịch dày có chứa axit hydrochloric được tiết ra từ niêm mạc dạ dày.

Chân dung bác sĩ Beaumont.

Alexis St. Martin qua đời vào năm 1880, thọ hơn Beaumont 28 năm. Một số nhà nghiên cứu đã bày tỏ nguyện vọng bảo tồn dạ dày của ông trong Bảo tàng Quân y, nhưng gia đình đã từ chối.

Đến nay, y đức của Beaumont trong quá trình thực hiện thí nghiệm trên St. Martin vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Người viết tiểu sử của ông, Reginald Horsman, giải thích rằng: "Thái độ của Beaumont với St. Martin luôn ở mức tốt nhất có thể. Ông (Beaumont) không hề quan tâm đến cảm nhận của đối tượng thí nghiệm và vấn đề đạo đức trong các thí nghiệm của mình, nhưng cũng chẳng ai khác quan tâm cả. Ông ấy không phải là một người nhẫn tâm và xứng đáng là một thầy thuốc của thời đại."

Theo Phạm Nhật/KH&PT

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/alexis-st-martin-nguoi-song-hon-nua-cuoc-doi-voi-mot-lo-ro-da-day/20200825100051944