Alibaba.com tìm cách thu hút nhiều thương nhân từ TikTok sau lệnh cấm ở Indonesia

Alibaba.com, chi nhánh bán buôn trực tuyến quốc tế của tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), đang cố gắng thu hút nhiều thương nhân từ TikTok từng bán hàng ở Đông Nam Á sau khi ứng dụng video ngắn này buộc phải tạm dừng các hoạt động thương mại điện tử ở Indonesia.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, vào cuối tháng 9 đã áp đặt lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử thông qua các ứng dụng mạng xã hội để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ của nước này. TikTok đã tuân thủ, ngừng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.

Alibaba.com, nền tảng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) do Alibaba tạo ra vào năm 1999, cho biết đã đưa ra S Plan, cung cấp hỗ trợ “lưu lượng truy cập, hoạt động và hậu cần” cho những thương nhân bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi quy tắc của Indonesia.

Theo kế hoạch, Alibaba.com cung cấp dịch vụ “di dời bằng một nút bấm” cho các thương nhân để mở cửa hàng mới trên Alibaba.com và di chuyển sự hiện diện trực tuyến của họ, gồm cả các công cụ dịch thuật và phân loại thông minh. Alibaba.com không đề cập đến TikTok trong tuyên bố của mình.

Với các cửa hàng mới mở, Alibaba.com hứa hẹn hỗ trợ lưu lượng truy cập từ 3 đến 6 tháng để giúp họ tiếp xúc nhiều hơn với những người mua tiềm năng. Đặc biệt, Alibaba.com sẽ cung cấp các kế hoạch xuất khẩu phù hợp cho từng thương nhân, cho phép họ nhắm mục tiêu tốt hơn vào thị trường Đông Nam Á.

Nền tảng này cho biết Alibaba.com cũng sẽ chỉ định nhân viên dịch vụ đặc biệt hỗ trợ “từng người một” cho các thương nhân để hoàn tất các thủ tục tài khoản và hậu cần.

Alibaba.com cho biết: “Do các quy định thương mại điện tử gần đây của Indonesia, sự bất ổn trong thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới ở Đông Nam Á đã tăng lên”, đồng thời hy vọng sẽ trở thành thiên đường cho “ngoại thương kỹ thuật số B2B”.

Đông Nam Á được coi là thị trường đang phát triển và sinh lợi cho nhiều thương nhân Trung Quốc.

Trong bối cảnh tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sâu rộng, Alibaba đã đầu tư thêm 845 triệu USD vào Lazada, đơn vị bán lẻ trực tuyến của họ trong khu vực Đông Nam Á, khi hướng tới việc mở rộng ra nước ngoài, tờ SCMP đưa tin vào tháng 7.

Alibaba.com nhắm mục tiêu đến các thương nhân ở Indonesia - Ảnh: Internet

TikTok từng phải đối mặt với những cú sốc ở Indonesia trước đây. Vào tháng 7.2018, Indonesia đã trở thành quốc gia đầu tiên cấm ứng dụng video ngắn của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) vì phân phối “nội dung khiêu dâm, không phù hợp và báng bổ”. TikTok đã phản ứng bằng cách bổ sung thêm người kiểm duyệt nội dung ở Indonesia và lệnh cấm đã được dỡ bỏ 8 ngày sau đó.

Kinh doanh thương mại điện tử quốc tế đã trở thành một trong những hoạt động phát triển nhanh nhất của Alibaba trong thời gian gần đây, khi cạnh tranh với những đối thủ khác như ứng dụng thời trang nhanh Shein và Temu của PDD Holding.

Thời trang nhanh là những bộ trang phục hợp xu hướng với mức giá thấp, rất dễ tiếp cận người dùng. Chúng thường được lấy ý tưởng, thậm chí là sao chép từ các trang phục người nổi tiếng mặc, hoặc là những mẫu thiết kế thời trang đang gây chú ý trên sàn catwalk.

Việc Indonesia cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội ảnh hưởng rất lớn đến mô hình kinh doanh của TikTok. Lý do vì TikTok từng đặt niềm hy vọng vào tương lai về sự phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử, biến hàng triệu lượt xem trên nội dung lan truyền của họ thành một nguồn doanh thu ổn định.

TikTok lần đầu tiên bắt đầu cung cấp dịch vụ mua sắm trong ứng dụng vào giữa năm 2021 và đã thu hút các thương nhân bán hàng hóa của họ trên nền tảng này.

Với 273 triệu người, Indonesia là thị trường đầu tiên cũng như lớn nhất của TikTok Shop và mua sắm trực tuyến đã trở thành tính năng phát triển nhanh nhất ứng dụng này khi lượng người hâm mộ ngày càng tăng ở quốc gia Đông Nam Á.

TikTok đã phản đối chính sách của Indonesia, lập luận rằng việc tách phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử thành các nền tảng khác nhau không chỉ cản trở sự đổi mới mà còn gây bất lợi cho hàng triệu thương nhân và người tiêu dùng ở quốc gia Đông Nam Á. TikTok cho biết nhiều người trong số họ dựa vào nền tảng này để kiếm sống.

Người phát ngôn TikTok Indonesia nói: “Thương mại xã hội ra đời để giải quyết vấn đề thực tế cho những người bán hàng nhỏ truyền thống ở địa phương, bằng cách kết nối họ với những người sáng tạo địa phương có thể giúp tăng lưu lượng truy cập đến các cửa hàng trực tuyến của họ. Dù tôn trọng luật pháp và quy định của địa phương, chúng tôi hy vọng rằng các quy định này sẽ tính đến tác động của nó với sinh kế của hơn 6 triệu người bán và gần 7 triệu người sáng tạo liên kết sử dụng TikTok Shop”.

TikTok nói tôn trọng luật pháp, quy định của địa phương và “sẽ theo đuổi con đường mang tính xây dựng trong tương lai”. Ngoài Indonesia, TikTok Shop còn có các trang web dành cho Mỹ, Anh, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Singapore và Thái Lan.

Đông Nam Á hiện là thị trường tăng trưởng quan trọng của TikTok, nhưng nếu các quốc gia khác làm theo Indonesia trong việc cấm các công ty truyền thông xã hội bán hàng, điều đó có thể làm suy yếu tiềm năng thương mại của ứng dụng này. Hơn nữa, TikTok tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại về quy định ở Mỹ và châu Âu, phần lớn là về các vấn đề an ninh quốc gia.

Hành động của Indonesia đặc biệt nhắm đến TikTok. Lý do vì TikTok là công ty truyền thông xã hội duy nhất ở nước này điều hành cửa hàng thương mại điện tử của riêng mình với dịch vụ thanh toán.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia - Zulkifli Hasan cho biết lệnh cấm “để ngăn chặn sự thống trị của thuật toán và ngăn chặn việc sử dụng dữ liệu cá nhân vì lợi ích kinh doanh”.

Trong một tuyên bố khác, ông Zulkifli Hasan nói lệnh cấm nhằm “tạo ra một hệ sinh thái thương mại điện tử công bằng, lành mạnh và có lợi bằng cách cấm các thị trường lẫn người bán trên mạng xã hội đóng vai trò là nhà sản xuất và tạo điều kiện cho các giao dịch thanh toán trên hệ thống điện tử của họ”.

Vào tháng 6, mối quan hệ của TikTok với Indonesia có vẻ tốt đẹp hơn. Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, đã đến thăm Jakarta (thủ đô Indonesia) vào tháng đó, hứa hẹn sẽ đầu tư mạnh vào khu vực Đông Nam Á trong những năm tới. Tại một diễn đàn trong chuyến thăm của mình, Shou Zi Chew cho biết người Indonesia chiếm hơn 1/3 trong số 325 triệu người dùng hoạt động hàng tháng của TikTok ở Đông Nam Á. Khoảng 2 triệu doanh nghiệp nhỏ ở Indonesia đang hoạt động trên các cửa hàng trực tuyến của TikTok.

Teten Masduki, Bộ trưởng phụ trách Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia, nói ông phát hiện những người bán hàng tại Tanah Abang, chợ bán buôn lớn nhất Đông Nam Á ở Jakarta, từng chứng kiến doanh số bán hàng giảm 50% do cạnh tranh trực tuyến, nhưng không nêu rõ khung thời gian.

Tham vọng mở rộng lĩnh vực mua sắm trực tuyến của TikTok phải đối mặt với cú sốc lớn do các quy định mới ở Indonesia. Quy tắc này là một phần của các quy định thương mại mới được Indonesia thắt chặt nhằm mục đích giữ cho 64,2 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Indonesia (đóng góp 61% tổng sản phẩm quốc nội) không bị các công ty thương mại xã hội chèn ép. Các nhà bán lẻ trực tuyến truyền thống sẽ được hưởng lợi từ việc Indonesia áp đặt hạn chế với TikTok Shop.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/alibaba-com-tim-cach-thu-hut-nhieu-thuong-nhan-tu-tiktok-sau-lenh-cam-o-indonesia-207741.html