Ám ảnh cái chết trong sân tòa

Sự việc ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên y án 3 năm tù khiến dư luận không khỏi xôn xao.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường

Khi xảy ra sự việc, dư luận và nhất là giới luật sư đã mổ xẻ nội dung vụ án tai nạn giao thông chết người mà ông Phước (55 tuổi, ngụ tại Bình Phước) là bị cáo. Theo đó, ông Phước lái xe máy đưa bạn mình đi, đến chỗ rẽ bị chiếc xe máy khác đâm vào gây tai nạn, bạn ông Phước chết, còn ông Phước bị thương nặng. Kết quả giám định cho thấy, cả ông Phước và người lái xe đâm xe ông Phước đều có nồng độ cồn quá mức cho phép.

Tòa nói lỗi của ông Phước là không quan sát trước khi quẹo xe, là nguyên nhân gây chết người, ông Phước bị xử lý hình sự. Còn người lái xe đâm xe ông Phước được miễn truy tố dù say rượu, dù không có giấy phép lái xe và tòa không biết anh ta đã chạy xe tốc độ bao nhiêu.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần 2 còn nhiều tình tiết chưa rõ, gây tranh cãi. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa thể khẳng định được rằng ông Phước có bị xử oan hay không, vì rõ ràng không phải ai trong chúng ta cũng được tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án.

Dù thế nào đi nữa, đối với tôi và có lẽ với cả nhiều người khác, câu chuyện thực sự quá ám ảnh, khi mà trước lúc tìm cách kết thúc cuộc đời mình bằng cách không thể đau đớn hơn, ông Phước đã viết trên trang cá nhân của mình rằng: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”. Hoàn cảnh gia đình đầy éo le của ông Phước cũng khiến nhiều người không khỏi day dứt.

Ở góc độ nào đó, hành động tự tìm đến cái chết của ông Phước có phần tiêu cực, bởi tìm đến cái chết là mình tự buông xuôi và quan trọng nhất là thiệt thân. Trước ông Phước, đã có rất nhiều người chịu oan sai nhưng họ không tìm đến cái chết, mà sẵn sàng đấu tranh tìm công lý với tinh thần “còn nước còn tát”. Theo lẽ thường thì ai cũng cho rằng, ông Phước đã hành xử vội vàng và cuối cùng chỉ ông và gia đình là thiệt, bởi khi tính mạng đã không còn thì cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống chấm dứt.

Nhưng cũng có thể, ông Phước đã suy nghĩ thấu đáo về việc mình sẽ làm rồi thì sao? Phải chăng ông Phước đã phải chịu uất ức, mất hết niềm tin vào công lý, không còn con đường nào khác nên mới phải dùng cái chết của mình để thức tỉnh công lý?

Hiện, Tòa án nhân dân tối cao đã rút hồ sơ vụ án lên để xem xét, nếu sai sót trong tố tụng, làm oan sai cho ông Phước, chắc chắn những người liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm, phải trá giá. Dù lúc đó, sự trả giá ấy cũng không thể làm ông Phước sống lại được nữa.

Như đã nói ở trên, chúng ta không bàn đến việc có oan sai trong vụ án này hay không, bởi đó là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng tôi tin rằng, những người làm việc trong cơ quan tố tụng cũng sẽ không khỏi suy nghĩ về cái chết của ông Phước.

Hình ảnh người đàn ông nằm sõng soài dưới sân tòa Bình Phước chắc chắn sẽ còn ám ảnh nhiều người và mong sao nó sẽ thức tỉnh được điều gì đó. Bởi, nhiều khi trước pháp luật, ranh giới giữa đúng và sai, giữa sống và chết chỉ mong manh như một sợi chỉ.

Luật sư Quách Thành Lực

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/am-anh-cai-chet-trong-san-toa-d467209.html