Ám ảnh mùa cò, cói

Để săn bắt chim trời (chim sẻ, cò, cói, vạc…) làm mồi nhậu, nhiều thợ săn đã khâu cả mắt của những con 'chim mồi' để nó kêu to hơn, thu hút cò đồng loại sập bẫy. Gần đây, ở Hà Tĩnh có nhiều người nhập viện vì bị cò, cói mổ vào mắt, nguy cơ mù vĩnh viễn… Hai sự việc này nếu như không có mối quan hệ nhân - quả thì cũng cảnh báo hiểm nguy rình rập từ nạn tận diệt chim trời.

Tìm mọi cách để bẫy chim

Bây giờ là mùa của chim trời. Đây cũng là thời điểm nông nhàn nên nở rộ tình trạng săn bắt khắp nơi trên các cánh đồng của các huyện Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh…của Hà Tĩnh. Đâu đâu cũng có “thiên la địa vòng” do người dân dựng lên để bẫy chim. Còn tại các chợ đầu mối cũng như chợ cóc, cò, cói, vạc…tràn ngập.

Dọc những con đường vùng ven biển Hà Tĩnh, không khó để bắt gặp cảnh bẫy chim. Từ trên đường nhìn xuống những thửa ruộng thấy cò mồi dựng lên nhan nhản, trắng toát, thoạt nhìn lại tưởng là đàn cò “khủng” đang sà xuống kiếm ăn. Theo chân Trường (19 tuổi) - một “cò thủ” ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà), chúng tôi được mục sở thị cách bẫy chim, phương cách kiếm thêm thu nhập của người dân nơi đây.

Gia đình Trường chiếm được một điểm để bẫy chim ở cánh đồng gần nhà mấy năm nay. Mỗi khi đến mùa chim trời, cả nhà lại thay phiên nhau ra canh bẫy. Trường cho hay, để bẫy được chim trời, phải ra đồng từ sáng sớm, chuẩn bị dụng cụ để đặt bẫy và ngồi canh ở đó, đến giờ ăn trưa thì chạy xe về nhà ăn hoặc người nhà mang cơm ra tận lán ăn, rồi lại tiếp tục canh bẫy đến tối.

Để nhử được chim trời, Trường giăng một loạt chim giả làm bằng xốp trắng, gắn lên đoạn gỗ tre, cắm dày đặc ở bờ ruộng. Ngoài ra, thợ săn cũng phải có chim thật làm mồi, keo dính. Chim mồi thật bị buộc dây ở chân, cố định ở một điểm cụ thể. Khi nào có chim bay lượn trên bầu trời gần đó, thợ săn phải giật dây để chim mồi bay, phát ra tiếng gọi đàn, nhử đồng loại sà xuống và dính bẫy của con người.

Cứ như vậy, bình quân mỗi ngày, gia đình Trường bắt được hàng chục con cò hoặc cói, thỉnh thoảng bắt được cả những con vạc, có ngày bẫy được cả trăm con. “Ở xã em có hơn 100 nhà đi bẫy chim. Họ tranh thủ mùa nông nhàn đi bẫy kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày cũng được vài ba trăm nghìn vì mỗi con cò, cói bán được từ 30 - 40 nghìn đồng, vạc bán được gần 100 nghìn đồng” -Trường cho hay.

Như gia đình Trường thì chỉ sử dụng các dụng cụ thô sơ như thế để bẫy chim. Nhưng nhiều nơi khác, thợ săn còn sử dụng công nghệ, sắm cả một bộ dàn, bao gồm chim giả, giăng lưới, ắc quy và loa phát tiếng kêu ghi sẵn của chim mồi. Thậm chí là khâu mắt của chim mồi để tiếng kêu của nó to hơn, thu hút được nhiều đồng loại.

Điển hình như những thợ săn chuyên nghiệp ở xã Cương Gián, Xuân Liên…(huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Họ tạo ra những chiếc lưới dăng chằng chịt giữa đồng ruộng, bên cạnh là những con chim xốp được hóa trang thành những con cò, con vạc màu đen lẫn màu trắng cắm chi chít trên cây và dưới ruộng.

Thợ săn ở đây, ngoài việc dùng loa, dùng chim giả, chất dính, họ còn khâu cả mắt của những con chim mồi lại, với mục đích để nó kêu to hơn. “Kinh nghiệm cho thấy là khâu mắt chim mồi lại, nó kêu to hơn, rõ hơn là để mắt sáng. Kêu to hơn thì gọi được bầy đàn sà xuống nhiều hơn vì thế chúng tôi bẫy được nhiều hơn”- thật ám ảnh khi nghe một thợ săn chia sẻ.

Sau khi chim, cò được đánh bẫy các lái buôn về tận nơi lấy hàng hoặc các chủ đánh tự đưa đi các nơi để bán và nhập vào các nhà hàng. Mùa này, ở các vùng nông thôn hay thành thị, đâu đâu cũng thấy người ta vặt lông cò, lông vạc trắng xóa dọc đường.

Dọc tỉnh lộ 22, đoạn qua địa phận huyện Nghi Xuân, Lộc Hà có hàng chục điểm người bán mang cả lồng sắt chứa đủ các loại chim, cò bày bán công khai cho khách đi qua đường. Cách khoảng 50 đến 100 m là có một điểm bán, thương tâm nhất vẫn là những chú diệc bị ghim mắt treo ngược chân lên trời dãy dụa trong tuyệt vọng.

Khung cảnh người mua kẻ bán cũng không kém phần tấp nập chẳng khác gì chợ, người bán chim vừa nhổ lông vừa chào hàng, dưới đất thì trắng xóa những lông cò, lông vạc. Một số người khác vừa nhổ lông vừa thui chim trên bếp than đỏ lửa. Trong lồng, hàng chục con cò trắng bị khâu mỏ lại.

Hiện tượng bán chim trời công khai còn xảy ra nhiều ở chợ quê của huyện Thạch Hà, Đức Thọ, Kỳ Anh…và cả các chợ đầu mối ở TP Hà Tĩnh. Tại đây, đủ thứ cò sống, cò chết được bày bán la liệt. Thỉnh thoảng còn thấy một số người cầm trên tay một loạt chim đã vặt trụi lông đi khắp các tuyến phố để rao bán…

Tạo “hiện trường giả” để bẫy chim trời.

Mù mắt do cò

Chỉ trong vòng 10 ngày (từ ngày 30/8 đến 8/9/2018), Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh tiếp nhận 2 bệnh nhân bị cò mổ vào mắt. Một người là khách mua cò về ăn còn người kia là thợ săn cò lâu năm. Theo bác sĩ Lê Công Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, năm ngoái, khi ông còn làm việc ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã từng chữa trị cho 5 bệnh nhân bị cò mổ mắt như thế.

Ngày 8/9/2018, bệnh nhân Nguyễn Minh Chiến (26 tuổi, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng mắt trái giác mạc bị thương, móng mắt rách, vỡ thể thủy tinh, phòi kẹp dịch kính ở vết thương giác mạc, do bị cò mổ.

“Ngày nghỉ thấy trời mưa, mát nên em đến chỗ người dân đơm cò, cói để mua về làm thịt ăn, nhưng khi vừa chạm vào con cò thì bị nó mổ trúng mắt trái. Lúc đó mắt nhức, đau, nhìn không thấy gì, người nhà đã đưa em đến Bệnh viện Mắt để chữa trị. Đến đây được bác sỹ xử lý khâu vết thương, cho thuốc uống thuốc, nhỏ mắt để tránh nhiễm trùng. Nhưng do mắt bị tổn thương nặng nên bệnh viện cho chuyển đi Hà Nội điều trị. Em hy vọng giữ lại được mắt là tốt rồi, còn phục hồi thị lực được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Trước đây, tại xóm em cũng có một người bị cò mổ gây giảm thị lực còn 40%”- anh Chiến chia sẻ.

Trước đó, ngày 30-8, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cũng đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Nhị (58 tuổi, trú xã Thạch Hương, Thạch Hà) vào viện trong tình trạng mắt phải đau, nhức, kết mạc cương tụ, giác mạc rách, phù, thủy tinh thể bị vỡ do cò mổ; thị lực giảm còn bóng bàn tay. Bác sỹ đã kịp thời khâu vết thương, cho thuốc uống thuốc, nhỏ mắt để tránh nhiễm trùng; sau 4 ngày phẫu thuật lần 2 thay thủy tinh thể nhân tạo. Tuy nhiên, do vết thương sâu, nặng nên giữ được mắt, còn thị lực chỉ phục hồi được 20%.

Bác sĩ Lê Công Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết: Cò, cói rất hay mổ mắt vì sự chuyển động của mắt làm chúng nghĩ đó là thức ăn. Nếu bị cò, cói mổ vào mắt không chỉ gây tổn thương mắt mà còn rất dễ bị nhiễm trùng vì mỏ cò, cói rất bẩn. Khi bị cò, cói mổ mắt, cho dù được khâu lại thì vẫn để lại sẹo và giảm thị lực. Trường hợp nặng có thể gây vỡ nhãn cầu; vỡ, đục thủy tinh thể; tổn thương mạch máu thần kinh mắt… dẫn đến mù mắt. Nếu nhập viện muộn, mắt nhiễm trùng mủ lan rộng trong nội nhãn, gây đau nhức buộc phải khoét bỏ mắt. Mỗi năm có hàng chục ca nhập viện điều trị vì bị tổn thương mắt do cò, cói mổ, trong đó nhiều nhất là vào thời điểm từ tháng 8 đến tháng 9.

“Để tránh tai nạn cò, cói mổ vào mắt, người dân tốt nhất là không tiếp xúc với chim trời, những người đi săn bắt cò, cói cần đeo kính bảo hộ; đặc biệt là không để trẻ em chơi gần cò, cói. Nếu bị cò, cói mổ, cần nhanh chóng nhập viện để bác sĩ khâu vết thủng và làm xét nghiệm xác định vi khuẩn bị nhiễm. Điều trị kịp thời kháng sinh để cứu vãn thị lực”- bác sĩ Lê Công Đức nhấn mạnh.

Tình trạng săn bắt chim trời đã và đang diễn ra ngày một rầm rộ, không chỉ ở Hà Tĩnh mà hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Mặc dù là động vật hoang dã nhưng chim sẻ, cò, cói, vạc không thuộc sự quản lý của cơ quan nào. Chính quyền địa phương cũng thờ ơ nên thực trạng săn bắt chim trời ngày càng phức tạp. Mỗi con vật sinh ra đều góp phần cân bằng hệ sinh thái, nếu như không có động thái quản lý chặt chẽ mà đánh bắt cạn kiệt, sẽ mất cân bằng, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Đặc biệt, nếu người bắt, kẻ mua cò, cói không cẩn thận sẽ mất cả “cửa sổ tâm hồn”…

* Dọc tỉnh lộ 22, đoạn qua địa phận huyện Nghi Xuân, Lộc Hà (Hà Tĩnh) có hàng chục điểm người bán mang cả lồng sắt chứa đủ các loại chim, cò bày bán công khai cho khách đi qua đường. Cách khoảng 50 đến 100m là có một điểm bán, thương tâm nhất vẫn là những chú diệc bị ghim mắt treo ngược chân lên trời giãy dụa trong tuyệt vọng. Người mua kẻ bán tấp nập. Người bán chim vừa nhổ lông vừa chào hàng, dưới đất thì trắng xóa những lông cò, lông vạc. Một số người khác vừa nhổ lông vừa thui chim trên bếp than đỏ lửa. Trong lồng, hàng chục con cò trắng bị khâu mỏ lại.

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/am-anh-mua-co-coi-tintuc418491