Ám ảnh tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật

Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) lớn nhất cả nước. Qua khảo sát, hiện có đến 954 điểm tồn lưu thuốc BVTV tồn tại từ những năm 1960 đến nay. Các điểm này đã và đang đe dọa đến môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, thế nhưng công tác xử lý vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Một trong số ít các dự án xử lý tồn lưu thuốc BVTV trên địa bàn Nghệ An

Một trong số ít các dự án xử lý tồn lưu thuốc BVTV trên địa bàn Nghệ An

Sống trên kho thuốc độc

Kho thuốc BVTV tại xóm 11, xã Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên) có từ những năm 80 của thế kỷ trước. Thế nhưng, sau khi kho này không sử dụng, một số hộ dân đã đến đây sinh sống. Bà Nguyễn Thị Chương nói: “Nhà tôi đến ở đây từ đầu những năm 90, nhưng chúng tôi không hề hay biết nơi đây từng là kho thuốc BVTV. Mới đầu năm nay, thấy cán bộ của Sở TN-MT đến nói chuẩn bị xử lý ô nhiễm, chúng tôi mới tá hỏa. Giờ thấy bất an quá, không biết sống mấy chục năm trên khu đất ô nhiễm có bị gì không?”. Trên khu đất này, gia đình bà Chương đã xây các công trình phụ như nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp và cả giếng nước; còn gia đình ông Nguyễn Bá Minh đã xây nhà kiên cố, gia đình ông Đặng Văn Quyến thì trồng cây cối, rau màu.

Kho thuốc BVTV thuộc xóm Trung Đức (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) được xem là kho lớn của khu vực, chuyên cung ứng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ 666, Aldrin, DDT… Kho được sử dụng đến năm 1987 thì chuyển đi nơi khác nhưng lượng thuốc vẫn còn lại. Qua khảo sát cho thấy, người có trách nhiệm khi đó đã đào hố sâu khoảng 0,8m rồi chôn tất cả các loại thuốc cũng như bao bì còn tồn xuống đất. Khi trời mưa, thuốc ngấm vào đất, nhưng bà con nơi đây vẫn đào giếng, trồng cây bình thường.

Ông Nguyễn Đình Nam, Xóm trưởng xóm Trung Đức, cho biết: “Bà con ngày ấy có biết nhưng do nhận thức về các loại hóa chất còn mơ hồ nên chẳng mấy người có ý thức bảo vệ mình, vẫn uống nước, trồng cây trên vùng đất bị ô nhiễm. Đến bây giờ, bà con mới bắt đầu ý thức được mức độ nguy hiểm tồn lưu thuốc BVTV”.

Xử lý chưa được bao nhiêu

Đầu năm 2019, Sở TN-MT tỉnh Nghệ An đã thực hiện dự án với gần 6 tỷ đồng, tiến hành xử lý kho thuốc tại thôn Trung Đức (xã Võ Liệt). Tuy nhiên, cách xử lý của dự án khiến người dân chưa yên tâm. Đơn vị thực hiện đã đào hố sâu từ 1,8 - 2,3m, sau đó bơm hóa chất để xử lý chứ không bốc đất đi. Ông Nguyễn Đình Nam, Xóm trưởng xóm Trung Đức, phân vân: “Tôi sống ở đây đã lâu tôi biết, phạm vi xử lý 320m2 mà dự án đang thực hiện là chưa hết phần diện tích bị ảnh hưởng”.

Trong số 954 điểm tồn lưu thuốc BVTV trên địa bàn Nghệ An mới chỉ điều tra xong 240 điểm, còn lại 714 điểm đang tiến hành điều tra, khảo sát. Theo danh mục 100 khu vực ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất BVTV tồn lưu của Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 thì trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tới 55 điểm, chiếm 55% số điểm trên cả nước. Nhiều điểm vượt mức cho phép cao gấp hàng ngàn lần, như điểm tồn lưu tại xóm Hòa Đồng (thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương), tại xóm 13 (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu)… Tuy nhiên, đến nay mới xử lý xong 26 điểm tồn lưu thuốc BVTV, còn 4 điểm đang xử lý.

Ông Đinh Sỹ Khánh Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An, cho biết: “Xử lý các điểm tồn lưu thuốc BVTV vẫn là vấn đề nan giải, khó khăn đối với tỉnh Nghệ An. Khó nhất là nguồn vốn và công nghệ để làm sao xử lý triệt để, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng”.

Theo ông Vinh, hóa chất BVTV đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm nguồn nước, gây độc cho người và các loại động vật, làm mất cân bằng tự nhiên, suy giảm đa dạng của sinh động vật, xuất hiện nhiều loại dịch hại, tạo tính chống thuốc của dịch… Trong quá trình khắc phục cần xử lý triệt để, ưu tiên những điểm lộ thiên, mức độ ô nhiễm nặng.

DUY CƯỜNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/am-anh-ton-luu-thuoc-bao-ve-thuc-vat-613366.html