Ám ảnh với tai nạn mùa hè ở trẻ nhỏ

Đó là lời chia sẻ gan ruột từ một bác sĩ. Ám ảnh bởi xét ở góc độ xã hội, anh là một bác sĩ, nhưng ở góc độ gia đình, anh là một người cha…

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng phẫu thuật cấp cứu một ca hóc dị vật đường thở - Ảnh: ẢNH: CTV

Là người có thâm niên trong ngành y, lại là lĩnh vực hồi sức tích cực, mỗi ngày, bác sĩ Võ Hữu Hội, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng), đều phải chứng kiến những đứa trẻ chới với, vật lộn giữa lằn ranh sinh tử.

“Điều đau xót ở đây là các cháu đối mặt với đau đớn không phải chỉ do bệnh tật, mà còn do sự bất cẩn, lơ là, chểnh mảng của những người lớn… Cứ đến những ngày hè lại có đủ kiểu tai nạn rình rập trẻ nhỏ”, bác sĩ Hội tâm sự.

NGẠT NƯỚC, ĐUỐI NƯỚC VÀ NỖI ÁM ẢNH…

Theo bác sĩ Hội, loại tai nạn dễ xảy ra vào những kỳ nghỉ hè, và đáng được báo động trước tiên chính là ngạt nước và đuối nước. Ngạt nước và đuối nước cũng là tai nạn gây nên di chứng nặng nề cho trẻ nếu không được cấp cứu đúng cách và kịp thời.

“Ngày hè thời tiết nóng bức nên trẻ nông thôn thích tắm sông, tắm suối, trẻ thành phố thì tắm biển, tắm hồ bơi. Nếu không trang bị được cho trẻ những kỹ năng bơi và nổi khi cần thiết thì tuyệt đối không được rời mắt khỏi trẻ để tránh những sự cố đáng tiếc”, bác sĩ Hội cảnh báo.

Không riêng gì bác sĩ Hội mà những y bác sĩ làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đều rùng mình nhớ lại những vụ đuối nước kinh hoàng mà họ cấp cứu, đa phần trẻ đều dưới 6 tuổi. Từ sự cố chập điện ở một hồ bơi tại Đà Nẵng khiến trẻ ngạt nước và tử vong, cho đến những vụ ngạt nước, đuối nước đối với trẻ nhỏ, học sinh khiến cứ đến kỳ nghỉ hè lại thấy ám ảnh…

Bác sĩ Hội cho biết đối với những trường hợp đuối nước, ngạt nước, nếu không cấp cứu kịp, hoặc sơ cứu không đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, ảnh hưởng đến tính mạng, hoặc để lại những di chứng nặng nề do tổn thương não, thiếu ô xy não dẫn đến sống thực vật. Phải tận dụng thời gian vàng cấp cứu để bảo toàn tính mạng cho trẻ.

Cũng theo bác sĩ Hội, có hai tình huống nguy hiểm phải biết cách xử lý đối với ngạt nước. Đối với trường hợp ngưng tim, ngưng đường thở bắt buộc phải tận dụng thời gian vàng cấp cứu tại hiện trường, sau đó đưa đến cơ sở y tế. Nếu ở nông thôn, không có kỹ năng cấp cứu thì phải nhanh chóng nhồi tim, liên tục hô hấp nhân tạo và gọi xe cấp cứu, nếu nhẹ thì đặt nằm nghiêng để nước ra đường miệng và ủ ấm.

“Đối với trẻ bị ngạt nước, tuyệt đối không được xốc nước dẫn đến nguy cơ trẻ bị sặc đường thở, tổn thương thứ phát như tổn thương cột sống, não... Mùa hè nào bệnh viện cũng tiếp nhận những vụ ngạt nước, đuối nước thương tâm đến ám ảnh. Nhiều trường hợp đưa được đến bệnh viện thì đã tổn thương não, mất não”, bác sĩ Hội nói.

HÓC DỊ VẬT, HẬU HỌA KHÓ LƯỜNG

Các đây khoảng 1 tuần, Khoa Liên chuyên khoa (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) tiếp nhận một ca chuyển viện từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi là một bệnh nhi bị hóc dị vật đường thở. Đó là cháu T.T.Q.D (10 tháng tuổi), trú Bình Sơn (Quảng Ngãi). Khi chơi ở nhà, cháu D. bốc một con côn trùng nhỏ bỏ vào miệng, người thân hốt hoảng móc ra khiến cháu bị sặc vào đường thở. Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu, nội soi khí quản và gắp dị vật là con côn trùng ra ngoài.

Phẫu thuật hóc dị vật đường thở - Ảnh: ẢNH: CTV

Bác sĩ Lê Mạnh Hoàng (Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng), người trực tiếp phẫu thuật cấp cứu cho cháu D. cũng cảnh báo tình trạng hóc dị vật đường thở (khí, phế quản, thực quản) đối với trẻ, chủ yếu là trẻ từ 15 tháng tuổi đến 5 tuổi. Dị vật vào đường thở chủ yếu là các loại hạt như lạc (đậu phộng), hạt mãng cầu, hạt dưa, hướng dương…

“Chúng tôi cũng vừa cấp cứu một trường hợp trẻ 18 tháng tuổi, bị hóc dị vật, nhưng gia đình không thể biết được cháu hóc cái gì. Đặc biệt trong hơi thở khò khè của cháu khi hít vào nghe tiếng động lạ, thở ra bình thường. Sau khi tiến hành chụp, soi dị vật phát hiện là chi tiết nhỏ trong chiếc kèn đồ chơi”, bác sĩ Hoàng cho biết.

Cũng theo bác sĩ Hoàng, cách đó không lâu là một trường hợp cháu nhỏ được mẹ cho cầm chiếc nhẫn chơi, cháu bỏ vào miệng và hóc vào thực quản, một cháu nhỏ khác bị hóc hạt mãng cầu vào ngã ba hầu họng khiến việc cấp cứu khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Hoàng cũng bức xúc kết luận: “Trên hết vẫn là do sự chủ quan, lơ là bất cẩn của người lớn. Nếu các cháu không được cấp cứu kịp thời sẽ bị ngạt đường thở và tổn thương não thì không cách gì cứu được…”.

Nói về sơ suất của người lớn, bác sĩ Nguyễn Phi Phong (Trưởng Khoa ngoại Bệnh viện Phụ sản Nhi - Đà Nẵng) cho biết những tai nạn mùa hè của trẻ ngoài ngạt nước, hóc dị vật, còn có các tai nạn gây đa chấn thương, chấn thương sọ não, và phần nhiều vẫn là bỏng. Tai nạn bỏng chủ yếu vẫn là bỏng nước sôi với trẻ từ 1-4 tuổi do các cháu hiếu động.

“Di chứng bỏng là đau xót nhất, vì ngoài ảnh hưởng đến thẩm mỹ còn co rút cơ, hạn chế chức năng vận động của các cơ quan, phải phẫu thuật chỉnh hình và xử lý rất khó khăn, về lâu về dài, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ”, bác sĩ Phong cảnh báo.

Cũng theo bác sĩ Phong, khi xảy ra tai nạn bỏng đối với trẻ, nên tránh xử lý theo kiểu dân gia như bôi trét các loại dầu không hợp vệ sinh, các loại chất lỏng như nước mắm, trứng gà, kem đánh răng… khiến quá trình tiếp nhận điều trị, xử lý sẽ mất thời gian, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi vết thương của trẻ. Chưa kể, nếu sơ cứu không đúng cách sẽ gây nhiễm trùng, vô tình gây vùng bỏng sâu hơn, độ bỏng tăng lên… “Tốt nhất là sơ cứu vết bỏng bằng cách rửa qua nước sạch, nước lạnh và đưa đến cơ sở y tế. Nếu nhẹ thì bôi thuốc điều trị bỏng”, bác sĩ Phong khuyến cáo.

An Dy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/am-anh-voi-tai-nan-mua-he-o-tre-nho-842999.html