Ấm áp niềm tin 'đơn vị là nhà, đồng đội là anh em'

Trước mùa tuyển quân hằng năm, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, bóp méo về những sự việc cá biệt, như: Chiến sĩ cũ đánh chiến sĩ mới (CSM), sĩ quan quân phiệt với chiến sĩ... khiến một số CSM lo lắng.

Song sau hơn một tháng CSM về các đơn vị, thực tế công tác huấn luyện, cuộc sống trong môi trường quân ngũ sự thật hoàn toàn khác biệt với những thông tin xuyên tạc nêu trên. Phóng viên và cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân đã ghi nhận ý kiến của một số CSM về vấn đề này.

Môi trường tốt để rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành

Trước khi nhập ngũ, tôi nghe nói trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin kiểu CSM bị chiến sĩ cũ “bắt nạt”; rồi môi trường quân đội gò bó; chỉ huy thì rất nghiêm khắc... nên trong lòng có đôi chút băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu bước chân vào quân đội, chúng tôi được chỉ huy chăm lo nơi ăn ở, môi trường đơn vị xanh, sạch, đẹp, các khu nhà ở khang trang, kiên cố, đầy đủ đồ dùng sinh hoạt.

Đặc biệt, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo chu đáo của cán bộ các cấp, sự sẻ chia, giúp đỡ, bảo ban tận tình của các anh đi trước. Những đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn đều được chỉ huy các cấp gặp gỡ, động viên kịp thời. Cùng với đó, chúng tôi còn thường xuyên được tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Khi huấn luyện trên bãi tập cũng như sinh hoạt, học tập tại đơn vị, chúng tôi nhận thấy cán bộ các cấp đều gần gũi, thân mật, nghiêm khắc nhưng bao dung, kiên quyết mà mềm dẻo, tuyệt đối không có tình trạng quân phiệt đối với chiến sĩ, cán binh đoàn kết, đồng đội thương yêu, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Có thể khẳng định, quân đội là môi trường thuận lợi để chúng tôi phấn đấu, rèn luyện, từng bước trưởng thành.

Chiến sĩ mới Tiểu đoàn 355, Vùng 3 Hải quân ca hát sau giờ huấn luyện. Ảnh: Khánh Ngân.

Chiến sĩ CHU MẠNH TIẾN (Trung đội 13, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 118, Sư đoàn 355, Quân khu 2)

Môi trường văn hóa quân sự đậm chất nhân văn

Trước khi nhập ngũ, tôi đã có thời gian học tập tại Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên). Là sinh viên, tôi thường xuyên tìm kiếm thông tin trên internet và mạng xã hội nên thấy xuất hiện một số trang mạng xã hội đăng tải thông tin liên quan đến đời sống chiến sĩ và môi trường quân đội. Quả thực, những thông tin ấy khiến một số CSM và gia đình lo lắng.

Sau khi nhập ngũ, được cán bộ, chiến sĩ đơn vị chào đón nhiệt tình, chu đáo, tôi thấy rất phấn khởi, tự tin. Tại đây, chúng tôi được học tập nhiều nội dung, như: Chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật… Mọi quân nhân được rèn luyện từ tư thế tác phong đến nếp sống kỷ luật, tự giác, nghiêm minh. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đoàn kết thống nhất, thương yêu, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Qua thời gian hơn một tháng, tôi đã học tập được rất nhiều kiến thức, nhận thức ngày càng chín chắn hơn.

Tuy môi trường quân sự có tính đặc thù nhưng không phải hoàn toàn khác biệt với cuộc sống bên ngoài. Đặc biệt, đơn vị quân đội hoàn toàn không giống như những thông tin xuyên tạc, bịa đặt đăng tải trên một số trang mạng xã hội. Được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội, tôi thấy đây thực sự là một trường học tổng hợp, đậm chất nhân văn giúp mỗi quân nhân trưởng thành hơn, sống có lý tưởng, trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt nghĩa vụ với Tổ quốc.

Chiến sĩ LÊ VĂN HIẾU (Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1)

Chỉ huy các cấp quan tâm, gần gũi bộ đội

Trải qua hơn một tháng trong quân ngũ, tôi và các đồng đội đang huấn luyện tại Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chỉ huy các cấp. Cán bộ trung đội, đại đội thường xuyên trò chuyện, trao đổi, trực tiếp lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi. Ngoài những bài học chính trị, huấn luyện điều lệnh trên lớp hay ở bãi tập, chỉ huy đơn vị còn dạy chúng tôi về những kỹ năng sống, đạo đức, văn hóa ứng xử.

Vào những ngày nghỉ, cán bộ trung đội còn cho tôi mượn điện thoại để liên lạc hỏi thăm ba mẹ và người thân ở quê. Vào thứ bảy, chủ nhật, nếu có người thân đến, chỉ huy các cấp cho phép vào đơn vị thăm chúng tôi; bố trí thời gian, địa điểm cho chúng tôi được gặp gỡ, nói chuyện, ăn uống cùng nhau. Ngoài ra, vào ngày nghỉ, giờ nghỉ, chỉ huy thường tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ; thi đấu thể thao hay xem phim để tạo cho chúng tôi cơ hội được vui chơi, thể hiện năng khiếu của bản thân và thư giãn. Qua hơn một tháng, chiến sĩ chúng tôi đã tin yêu, quý trọng cán bộ trung đội, đại đội như những người anh của mình.

Chiến sĩ PHẠM VĂN TÍNH (Tiểu đội 4, Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang)

Những người anh, người chỉ huy được yêu mến, tin cậy

Khi mới nhập ngũ, tôi rất bỡ ngỡ. Nhưng được sự dìu dắt ân cần, chỉ bảo kịp thời của đội ngũ cán bộ các cấp, tôi ngày càng tự tin bước vào những thử thách phía trước để học tập và rèn luyện. Ở đơn vị, chúng tôi được các anh cán bộ chỉ bảo, hướng dẫn tận tình từ việc phải chấp hành các chế độ quy định của đơn vị đến cách sắp xếp trật tự nội vụ vệ sinh… Trong những giờ huấn luyện, các anh chỉ huy rất nghiêm khắc nhưng trong sinh hoạt đời thường rất chân thành, tạo nên tình đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau. Sau những giờ học tập và rèn luyện căng thẳng, các đồng chí đi trước luôn quan tâm tới chúng tôi từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống.

Khi còn ở nhà, tôi đã quen với lối sống tự do, nhưng vào môi trường quân ngũ, tôi học được sự cụ thể, tỉ mỉ, biết yêu thương, quan tâm, giúp đỡ đồng chí, đồng đội. Được sự yêu thương, đùm bọc, động viên tinh thần từ những đồng chí đi trước và đồng đội, tôi đã vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Có thể nói, các anh tiểu đội trưởng không chỉ là những người anh mẫn cán mà còn là những đồng chí, đồng đội luôn được yêu mến, tin cậy.

Chiến sĩ HIỀU VĂN MẾN (Đại đội 2, Tiểu đoàn 355, Vùng 3 Hải quân)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/am-ap-niem-tin-don-vi-la-nha-dong-doi-la-anh-em-535764