Ấm lòng những cuộc giải cứu nông sản cho dân vùng dịch

Hàng chục tấn khoai tây, trên 10.000 con gà, cả nghìn gốc đào của người dân vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh được tiêu thụ trong những ngày qua.

Mối lo nợ chồng nợ

Ngày 3/2/2021, tại TP. Chí Linh - Hải Dương, nhiều hộ gia đình nuôi gà phục vụ dịp Tết Nguyên đán bị lâm vào cảnh ùn ứ hàng. Hàng chục nghìn con gà đến thời điểm xuất chuồng, cung ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán đi các tỉnh phía Bắc bị ùn lại do không thể di chuyển, nhiều thương lái trước đây đặt hàng đã rút lại tiền đặt cọc, hủy đơn hàng vì không thể tiếp cận vận chuyển, lo lắng lây lan dịch bệnh.

Hàng trăm hộ trồng đào ở TP. Hải Dương cũng bị ảnh hưởng khi không thể đưa đến các tỉnh thành trên cả nước. Bao công chăm bón, bao tiền của bỏ ra nay đứng trước nguy cơ không thể thu hồi khiến cho nguy cơ "nợ chồng thêm nợ" có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Nhân Chơi (xã Tân Hưng, TP. Hải Dương) cho biết, gia đình ông trong năm qua đã tiêu tốn gần 100 triệu cho cho hơn 700 gốc đào với hy vọng đến Tết sẽ bán ra thị trường nhưng khi dịch bệnh bùng phát, vợ chồng ông đứng trước cảnh tay trắng.

"Người dân trên địa bàn xã Tân Hưng sống chủ yếu bằng nghề trồng đào phục vụ dịp Tết, nếu trong vài ngày nữa không thể tiêu thụ thì nhà ai cũng lâm vào cảnh nợ nần như nhà tôi" - ông Chơi bày tỏ.

Nhiều vườn đào ở xã Tân Hưng, TP. Hải Dương không có người đến mua.

Nhiều vườn đào ở xã Tân Hưng, TP. Hải Dương không có người đến mua.

Cũng trong tình cảnh tương tự, gia đình ông Nguyễn Tấn Hòa, ở xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên trồng 230 chậu hoa cúc loại lớn, đường kính 0,5m, hoa nở đúng vào dịp Tết.

Trước đó, có 2 thương lái đặt cọc số tiền 6 triệu đồng để đưa toàn bộ số cúc này lên Gia Lai bán dịp Tết. Ông Nguyễn Tấn Hòa lo lắng, 2 ngày gần đây thương lái thông báo không mua hoa và chấp nhận mất tiền cọc đã đặt trước đó.

“Bông còn nhỏ nên sẽ hư hao rất nhiều buộc nhà vườn phải cố gắng làm cho đẹp bông. Để hoa được như thế này nhà vườn đã phải chi phí rất nhiều tiền, giá bán hiện đã không bù được công chăm sóc trong khi tiêu thụ rất khó”, ông Hòa cho biết.

Tại phường 9, thành phố Tuy Hòa là vựa trồng quất cảnh ở thành phố Tuy Hòa. Nhiều vườn quất được nông dân dày công chăm sóc cả năm trời. Nhưng Tết này, chậu quất cao trên 2m được bán với giá 350.000 đồng/chậu, chỉ bằng 1/3 giá so những năm trước đó. Nhiều chủ vườn chấp nhận thua lỗ tiền phân, tiền thuốc... cắt bỏ cành để chăm sóc quất cho vụ Tết năm sau.

Tại Quảng Ninh, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, tại thị xã Đông Triều hiện có khoảng 300 tấn khoai tây và nhiều nông sản khác... đang khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Người dân xã Bình Dương, TX. Đông Triều, Quảng Ninh vận chuyển những lô hàng khoai tây đầu tiên được giải cứu.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Trước thực trạng này, để việc tiêu thụ thuận tiện, ngoài việc kết nối với các đầu mối tiêu thụ, toàn bộ sản phẩm khoai tây Atlantic, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Yên đã phát đi thông báo, kêu gọi người dân trên cả nước cùng chung tay giải cứu nông sản cho người dân nằm trong vùng dịch.

Hiện tại, các hộ nông dân ở Hải Dương đã tiêu thụ được hơn 10.000 con gà, 17 tấn khoai tây của người dân ở TX. Đông Triều được tiêu thụ là tín hiệu đáng mừng.

Trao đổi với Đất Việt thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Giang - Giảng viên trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc giải cứu nông sản cho người dân vùng dịch thời điểm này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên cũng cần phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Giang cho rằng, trong quá trình thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm các ngành, cơ quan chức năngphải tiến hành kiểm tra, giám sát đảm bảo đúng quy định.

Bên cạnh đó, việc đăng ký tuyến, biển số xe, cũng như các quy định về an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển và tiêu thụ nông sản cũng như việc tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ cùng với xe hàng trước khi chuyển tiếp qua các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn để đến nơi tiêu thụ đều được thực hiện nghiêm túc.

"Ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tiêu thụ sản phẩm cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, các doanh nghiệp trên cả nước cùng chung tay với những khó khăn này để giải cứu cho người nông dân tránh lâm vào tình trạng nợ chồng nợ. Trong đó cần thúc đẩy tiêu thụ trong nội tỉnh để đảm bảo hạn chế việc di chuyển nhiều" - bà Giang đề nghị

Khánh Hưng

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/am-long-nhung-cuoc-giai-cuu-nong-san-cho-dan-vung-dich-3427027/