Ấm lòng phòng khám miễn phí của những bác sĩ U70, 80 tại Hà Nội

Xuất phát từ cái tâm với nghề y, bà Trương Thị Hội Tố cùng các y, bác sĩ về hưu tình nguyện mở phòng khám miễn phí (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đem lại niềm vui, sức khỏe cho hàng nghìn bệnh nhân hơn 28 năm qua.

Bà Tố cùng những người bạn của mình đã thành lập phòng khám miễn phí của những bác sĩ U70, 80 tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát (nằm trên ngõ 119 đường Giáp Bát, Hà Nội). Câu chuyện về những bác sĩ có mái đầu bạc tận tụy khám bệnh, tư vấn cho người dân nơi đây được nhiều người biết đến. Đây không chỉ khám bệnh mà còn là nơi đem lại niềm vui, tiếng cười, sức khỏe cho mọi người.

Bà Tố cùng những người bạn của mình đã thành lập phòng khám miễn phí của những bác sĩ U70, 80 tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát (nằm trên ngõ 119 đường Giáp Bát, Hà Nội). Câu chuyện về những bác sĩ có mái đầu bạc tận tụy khám bệnh, tư vấn cho người dân nơi đây được nhiều người biết đến. Đây không chỉ khám bệnh mà còn là nơi đem lại niềm vui, tiếng cười, sức khỏe cho mọi người.

Căn phòng khám bệnh của bà Tố được chia thành những góc khác nhau, gọn gàng, ngăn nắp như mọi phòng khám khác. Chỉ có điều khác là các bác sĩ ở đây đều đã có tuổi, mái tóc bạc phơ, nhưng ai cũng vui vẻ khám, đo huyết áp miễn phí cho người bệnh. Bà Tố thường có mặt ở phòng khám từ rất sớm, kiểm tra, sắp xếp đồ đạc xong, bà Tố lại nhỏ nhẹ trả lời những câu hỏi của người bệnh. Bà bảo, nói là 'phòng khám' chứ thực tế đây chỉ là phòng tư vấn sức khỏe cho nhân dân.

Chia sẻ về ý tưởng mở "phòng khám" miễn phí, bà Tố trải lòng, xuất phát từ những lần bà đạp xe hàng chục cây số đến các vùng ngoại thành để khám chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần như vậy, bà có dịp đến gần các bệnh nhân hơn, cảm nhận được sự khốn khổ của những người khi mắc phải bệnh tật...cũng kể từ đó bà ao ước mở phòng khám từ thiện.

Lật trang sổ dày cộp ghi tên thuốc bà Tố nhớ lại, năm 1966 bà là Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Nam Ðịnh, cũng từng là bác sĩ chuyên Khoa Sản - Bệnh viện tỉnh Nam Định. Sau đó là chuyên gia y tế nhiều năm ở Cộng hòa Angola, năm 1992, bà về hưu theo chế độ và chuyển lên Hà Nội sinh sống cùng gia đình. Nhiều cơ sở y tế tư nhân bấy giờ mời bà cộng tác với mức lương cao, nhưng người phụ nữ có chồng là liệt sĩ đã chọn con đường thiện nguyện để gắn bó nốt phần đời còn lại.

Khi ý tưởng đã có, bà may mắn gặp được y tá Lê Thị Sóc (91 tuổi), cán bộ về hưu của Bệnh viện Xanh Pôn, hai người đã cùng nhau xây dựng phòng khám, đồng thời bà cũng thuyết phục được những đồng nghiệp đã về hưu cùng tham gia. Bà Tố chia sẻ: “Tôi chỉ nghĩ người dân họ ốm đau nên mới tìm đến bác sĩ, khi ra khám ở bệnh viện lại rất đông. Chúng tôi là những người có chuyên môn, ở nhà lại nhàn rỗi không làm gì, sao không làm việc có ích để giảm tải cho bênh viện. Tôi làm việc này từ tâm chứ không vì mục đích kiếm tiền".

Được biết, phòng khám mở cửa vào 8h sáng thứ 2 hàng tuần. Ngoài khám, chữa một số bệnh thông thường, nhiều người còn đến đây để được tư vấn sức khỏe. Tuy là phòng khám miễn phí nhưng thông số sức khỏe của bệnh nhân đều được các bác sĩ ghi chép cẩn thận để tiện theo dõi. Một vị y bác sĩ cho biết:“Ở đây phòng khám chủ yếu khám các bệnh cơ bản, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho bệnh nhân như: Theo dõi tiểu đường, đo huyết áp…và những bệnh nhân đến đây chủ yếu là những người cao tuổi”.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đến giúp đỡ bằng cách ủng hộ tiền và thuốc men, các vật tư khác như kim tiêm, que thử tiểu đường... để duy trì hoạt động của phòng khám. Tất cả những khoản tiền đó được các bác sĩ sử dụng để trang bị thuốc men, máy móc khám, chữa bệnh phục vụ bệnh nhân. Mỗi loại thuốc được mang về, các bác sĩ đều tự tay phân loại, ghi chú, sàng lọc cẩn thận.

Nhờ trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, bệnh nhân tìm đến phòng khám tăng lên ngày một nhiều. Có những người dù có bảo hiểm nhưng vẫn đến đây thăm khám định kỳ, vì khi đến đây họ được chia sẻ thêm với bác sĩ về bệnh tình hay về cuộc sống của chính họ như những người bạn. Đó cũng chính là động lực để các y, bác sĩ dù đã cao tuổi vẫn tiếp tục gắn bó với công việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Hình ảnh những mái đầu bạc trắng khám bệnh, kê đơn, trò chuyện với bệnh tình người bệnh để lại ấn tượng sâu đậm cho bất kỳ ai đã đến với phòng khám. Hơn 28 năm, nhiều người cao tuổi, đặc biệt là bệnh nhân nghèo đều rất đỗi quen thuộc với những người “vác tù và hàng tổng” khi nhắc đến phòng khám miễn phí này.

Chia sẻ về mong muốn lớn nhất của các y bác sỹ tại nơi đây, khi còn sức khỏe thì có thể giúp đỡ được mọi người, cùng với đó là mong muốn làm sao có thêm nhiều phòng khám miễn phí như thế này nữa, ở Hà Nội và nhiều địa phương khác để ai cũng được thăm khám là họ đã cảm thấy vui rồi.

Đối với những bác sỹ mái đầu bạc của phòng khám từ thiện, dù tuổi đã cao nhưng càng được làm việc, cống hiến cho bệnh nhân thì họ lại càng cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa. Đó cũng chính là lý do giúp phòng khám, chữa bệnh miễn phí được duy trì suốt 1/4 thế kỷ qua.

Xem thêm video: ‘Quản’ phòng khám nước ngoài: Mất bò lo làm chuồng. Nguồn: VTC 1.

Trung Vương

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/am-long-phong-kham-mien-phi-cua-nhung-bac-si-u70-80-tai-ha-noi-1346185.html