Ðam mê nghệ thuật để sáng tạo không ngừng

Gần một năm nay, xưởng điêu khắc của họa sĩ, NSND Vương Duy Biên ở Sóc Sơn, Hà Nội trở thành không gian thưởng lãm nghệ thuật, nơi trưng bày và trình diễn các tác phẩm của ông. Hiện ông đang tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ ba tại Pháp (từ ngày 18 đến 29-9), với khoảng 70 tác phẩm sơn mài, tranh lụa và tượng điêu khắc.

NSND Vương Duy Biên với tác phẩm Chum kinh nghiệm.

Bước vào không gian nghệ thuật của Vương Duy Biên, có thể nhận thấy bàn tay chăm chút và ý đồ sắp đặt, bài trí các tác phẩm nghệ thuật của ông khá độc đáo giữa khung cảnh thôn quê dân dã. Với hội họa, ông lựa chọn chất liệu sơn mài và tranh lụa để thể hiện hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong lao động, gắn với công việc đồng áng. Nguồn cảm hứng của ông là những hoài niệm gắn với ký ức tuổi thơ, những vùng đất đã đi qua trong những ngày sơ tán, những trải nghiệm về nông thôn Việt Nam, về đời sống, sinh hoạt và lao động của người nông dân. Ở mảng hội họa, những sáng tác của ông mang "tín hiệu rất Việt Nam": là giản dị, thanh bình. Nhưng ở thể loại điêu khắc, khi không bị gò bó về bố cục, bối cảnh, Vương Duy Biên lựa chọn một lối đi riêng mà ông gọi là "điêu khắc ý tưởng", "mạnh tay" thể hiện những suy ngẫm mang tính thời cuộc qua các bức tượng điêu khắc với chất liệu đồng. Hiện thực đời sống sinh động đang diễn ra hằng ngày trở thành nguồn đề tài vô tận để ông khai thác, hình thành những quan điểm riêng của mình trong nghệ thuật.

Những tác phẩm điêu khắc mà Vương Duy Biên tâm đắc như Chum kinh nghiệm, Chiếc ghế đang chìm, Mãn nguyện, Ở đây cũng có dầu… không chỉ thể hiện sự dụng công trong ý tưởng và bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ mà còn có sự hóm hỉnh, hài hước. Dù mang thông điệp nào thì mỗi tác phẩm của ông dường như vẫn có đời sống riêng, ẩn chứa một câu chuyện nhân sinh. Chum kinh nghiệm khiến người xem phải ngẫm ngợi về tính triết lý sâu sắc. Kinh nghiệm như những sợi dây được rút ra từ cái chum, rút mãi, rút mãi không hết. Cái chum đầy chặt "kinh nghiệm" là những chiêm nghiệm mà tác giả đã quan sát từ công việc, vị trí, thời cuộc mình trải qua, từ đó chuyển tải qua chất liệu đồng một cách sống động.

Bên cạnh những tác phẩm điêu khắc mang thông điệp đầy tính triết lý, người xem còn cảm nhận được sự dung dị, hồn hậu, tâm hồn yêu trẻ thơ qua những tác phẩm như Ăn xong chưa con, Ðàn vịt, Ước mơ, Kéo cưa lừa xẻ, Ai bảo không tự thắng được mình… Một ông bố chở đứa con đang leo trèo, nghịch ngợm trên những khối hình chữ nhật bằng chiếc xe đạp thô sơ đưa người xem ngược về một thời chiến tranh, những ngày sơ tán. Ðứa bé coi mọi thứ như một trò chơi còn ông bố ngước nhìn đứa con đầy yêu thương và lo lắng… Vẻ đẹp đời thường hiện ra trong tác phẩm điêu khắc thật gần gũi, thân thuộc khiến người xem dễ tìm được sự đồng cảm.

Chia sẻ về chuyện nghề, nghệ sĩ Vương Duy Biên cho biết: Mỗi tác phẩm của ông đều gửi gắm một triết lý nho nhỏ để suy ngẫm, đối thoại với người xem. Có thể đó là một câu chuyện, nhưng cũng có thể là chiêm nghiệm, đúc kết của một giai đoạn, một đời người… Luôn tâm niệm, tác phẩm phải mang dấu ấn cá nhân, ngày hôm nay phải khác biệt ngày hôm qua, sự độc đáo của Vương Duy Biên nằm ở chỗ ông không ngừng tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm những cách thể hiện mới. Dường như ông muốn vượt qua giới hạn quen thuộc, không chấp nhận chỉ bày tranh, tượng đơn thuần mà đưa thêm trình diễn nghệ thuật múa rối tương tác với tác phẩm mỹ thuật, để mang đến cho khán giả những cảm nhận về thị giác và âm thanh cũng như những biểu đạt đậm chất mỹ thuật.

Những năm 90 của thế kỷ trước, Vương Duy Biên được biết đến là nhà điêu khắc đoạt giải nhất tại cuộc thi mẫu tượng Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn và bức tượng đồng "Quốc công Tiết chế Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn" đã được dựng tại thành phố Nam Ðịnh; sau này được nhân bản tại đảo Song Tử Tây - quần đảo Trường Sa. Năm 1993, ông có triển lãm tranh lụa cá nhân đầu tiên tại Hà Nội, được giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật đánh giá cao về chất lượng và nội dung thể hiện. Tiếp theo là những tác phẩm, triển lãm cứ tiếp nối nhau, trong nước và quốc tế... cho thấy sức sáng tác nghệ thuật bền bỉ, liên tục của ông từ khi tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam cho đến khi làm quản lý tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chưa lúc nào ông thôi ấp ủ các ý tưởng sáng tác, và giờ đây, không gian nghệ thuật mà ông dành nhiều thời gian chăm chút hơn cả là xưởng điêu khắc ở Sóc Sơn với khu vực trưng bày tác phẩm, sân khấu trình diễn múa rối, nghệ thuật sắp đặt... Cuối năm 2017, không gian nghệ thuật này lần đầu mở cửa đón bạn bè và đồng nghiệp đến thưởng lãm.

70 tác phẩm của Vương Duy Biên mang sang triển lãm tại Cộng hòa Pháp từ ngày 18 đến 29-9 vẫn trung thành với cách gọi tên giản dị "Cuộc sống là như vậy", ngoài mong muốn giới thiệu đến công chúng Pháp loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc Việt Nam, thì yếu tố độc đáo chính là trưng bày tranh tượng gắn liền với các tiết mục trình diễn.

NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/37752202-%C3%B0am-me-nghe-thuat-de-sang-tao-khong-ngung.html