Âm nhạc cổ truyền thể hiện tâm hồn, cốt cách người Tây Nguyên

Thực chất của công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân gian là vấn đề chấn hưng văn hóa dân tộc trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế.

Kho tàng âm nhạc dân gian Bahnar, Jrai nói riêng, Tây Nguyên nói chung vô cùng phong phú và độc đáo. Đó là kho tàng âm nhạc đồ sộ. ít bị ảnh hưởng ngoại lai mà vẫn gần gũi với vẻ đẹp nguyên sơ của nó.

Để hiểu thêm về sự phong phú và đa dạng của âm nhạc Tây Nguyên, phóng viên báo điện tử Dân Việt có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Gia Lai.

Thưa nhạc sĩ, sinh ra từ cái nôi của dân ca Xứ Nghệ, cơ duyên nào đã đưa ông đến với mảnh đất Bazan?

- Ngay từ thủa ấu thơ tôi đã được nghe rồi yêu những khúc hát dân ca. Tình yêu ấy cứ lớn dần theo thời gian năm tháng, đặc biệt là từ khi tôi trở thành cậu học trò của Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An (nay là trường Cao đảng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An), sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1983, tôi đã “bị” tiếng công, tiếng chiêng với những làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cuốn hút để rồi trở thành chuyên viên quản lý nghệ thuật, rồi làm Trưởng phòng Nghiệp vụ Nhà Văn hóa TrungTâm tỉnh Gia Lai. Năm 1993, là Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Gia Lai. Từ 2004 đến nay, làm Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Gia Lai.

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Gia Lai.

Có phải ngày ấy, mong muốn tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến là những đặc điểm chung của sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học?

-Đúng vậy, thú thực, lúc bấy giờ, tôi chưa hiểu gì nhiều về âm nhạc Tây Nguyên ngoài mấy bài hát dân ca Tây Nguyên do một số ca sĩ thể hiện trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và mấy bài dân ca Tây Nguyên do nhạc sĩ Hải Thoại và nhạc sĩ Tạ Tấn chuyển soạn cho đàn guitar độc tấu.

Đầu năm 1984, tôi và nhạc sĩ Phạm Cao Đạt được ông Trịnh Kim Sung, Giám đốc Sở Văn hóa Gia Lai - Kon Tum giao trách nhiệm dàn dựng một chương trình nghệ thuật cho “Tốp ca khúc Chính trị” của tỉnh đi biểu diễn “Chào mừng 30 năm Chiến thắng Điện Biên”, tại tỉnh Lai Châu (lúc đấy Điện Biên còn nắm trong tỉnh Lai Châu). Giám đốc Sở chỉ đạo cho chúng tôi, “Chương trình biểu diễn của ta phải mang rõ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Muốn vậy, ngoài mấy ca khúc của các nhạc sĩ đã viết về Điện Biên, phải sáng tác bằng được một số ca khúc mang âm hưởng và phong cách Jrai, Bahnar, Tây Nguyên.”

Mấy ngày sau, đích thân Giám đốc Sở Văn hóa Gia Lai - Kon Tum dẫn chúng tôi lên làm việc với Phòng Văn hóa thị xã Kon Tum để điều động “Tốp ca khúc Chính trị” của thị xã về tỉnh tập luyện chương trình. Mọi việc đều diễn ra tốt đẹp, thế mà trên đường về lại Pleiku, tôi thấy, ai cũng đầy vẻ lo âu, nhất là đối với tôi - một cậu “tân binh” thực sự.

Lời giao trọng trách ấy như chữ "duyên" gắn bó ông với âm nhạc Tây Nguyên?

- Niềm vui đã đến với tôi sau bao đêm trăn trở, với kiến thức ít ỏi, tôi đã sáng tác xong ca khúc Hát mừng Điện Biên. Sau khi hoàn thành tác phẩm này, tôi hát cho nhạc sĩ Phạm Cao Đạt, ông Nay Quách và một số người bạn cùng nghe. Vừa hát tôi vừa lo, không biết tác phẩm của mình có “mang âm hưởng và phong cách Jrai và Bahnar” như sự chỉ đạo của giám đốc sở? Nghe xong, ông Nay Quách và nhạc sĩ Phạm Cao Đạt đều vỗ vai tôi và nói: “Chúc mừng cậu, bài hát được lắm, khá lắm”. Lời chúc mừng chỉ ngắn gọn vậy thôi, mà lúc bấy giờ, tôi thấy hạnh phúc biết nhường nào.

Kể từ đó, được sự động viên khích lệ của lãnh đạo sở mà trực tiếp là ông Trịnh Kim Sung, các thầy cô giáo - những người đi trước, bạn bè đồng nghiệp và gia đình, đặc biệt là sự dạy dỗ, đùm bọc, chở che của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên..., tôi bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Mới đó mà đã hơn một phần ba thế kỷ đi qua.

Mặc dù đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả, có nhiều lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, đến nay, tôi đã hoàn thành một số công trình nghiên cứu, sưu tầm về âm nhạc dân gian Tây Nguyên, trong đó, 5 cuốn sách đã được xuất bản: Dân ca Jrai (Tập 1), Nxb. Văn hóa dân tộc, 2006; Một số đặc trưng cơ bản trong âm nhạc dân gian Jrai, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2007; Dân ca Bahnar, Nxb. Âm nhạc, 2013; Tìm hiểu thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar, Nxb. Âm nhạc, 2014; Dân ca Jrai (Tập 2), Nxb. Văn hóa dân tộc, 2017.

Qua nghiên cứu, ông có đánh giá như thế nào về âm nhạc cổ truyền Tây Nguyên trong đời sống đương đại.

Âm nhạc dân gian Tây Nguyên cũng hồn nhiên như cuộc sống và được truyền miệng từ đời này cho đến đời khác, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay với một sức sống mãnh liệt.

- Kho tàng âm nhạc ấy không chỉ có ý nghĩa như một giá trị của lịch sử, văn hóa tộc người mà còn đáp ứng nhu cầu hoạt động và sáng tạo âm nhạc của đồng các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, các dân tộc Việt Nam nói chung.

Âm nhạc dân gian Tây Nguyên phản ánh đầy đủ tâm hồn cốt cách của những con người sống giữa núi rừng Tây nguyên hùng vĩ. Đó là mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên (con người với lực lượng siêu nhiên). Nội dung xuyên suốt trong toàn bộ các bài ca, tiếng nhạc là phản ánh các mối quan hệ ấy, với tư tưởng vươn tới những mục tiêu cao đẹp. Đặc biệt, ở đây, là mối quan hệ giữa con người với lực lượng siêu nhiên (các Yàng) rất bình đẳng, tác động qua lại, gắn bó với nhau một cách bền vững để tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên của cuộc sống.

Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập quốc tế, âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng đứng trước nguy cơ bị mai một, bởi mặt trái của “cơ chế thị trường” với những sản phẩm văn hóa nghe nhìn hiện đại.

Với kinh nghiệm bản thân, ông có thể gợi mở những giải pháp cho việc bảo tồn âm nhạc truyền thống.

- Thực chất của nhiệm vụ này không chỉ là việc ngăn chặn sự lãng quên, sự hủy hoại những giá trị âm nhạc truyền thống, mà vấn đề cốt lõi phải bảo đảm cho những giá trị âm nhạc truyền thống được phát huy trong môi trường văn hóa mới, phù hợp với điều kiện của con người trong thời đại mới.

Để thực hiện được, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của các cơ quan, ban ngành, các tổ chức đoàn thể quần chúng từ Trung ương đến cơ sở. Chúng ta đã biết, từ năm 1943 của thế kỷ XX, trong "Đề cương văn hóa Việt Nam", Đảng ta đã chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam "dân tộc, khoa học và đại chúng". Trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trương ương, khóa VIII của Đảng ta đã chỉ rõ: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, nhiệm vụ ấy phải được tiến hành liên tục, đồng bộ và toàn diện.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật các dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng, chung chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số đề xuất và kiến nghị mang tính định hướng đối với các cơ quan chức năng cần thực hiện một số giải pháp, như: mở các hội nghị, hội thảo khoa học khu vực đối nhằm khẳng định vai trò và giá trị độc đáo của âm nhạc Tây Nguyên trong kho tàng âm nhạc cổ truyền Việt Nam; Cần đưa âm nhạc cổ truyền Tây Nguyên vào giáo dục trong các cấp học: Thường xuyên tổ chức các liên hoan nghệ thuật cổ truyền dân tộc với quy mô toàn quốc, trên cơ sở tạo điều kiện cho đồng bào Tây Nguyên mở rộng giao lưu, khích lệ và khơi dạy niềm tự hào dân tộc để bà con có ý thức bảo vệ giữ gìn nét đẹp truyền thống của âm nhạc cổ truyền; Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong quảng bá, giới thiệu, đua âm nhạc Tây Nguyên gần hơn với công chúng. Mặt khác, nhà nước cần phải có chính sách, chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân, lực lượng làm công tác văn hóa nghệ thuật ở địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc ít người, bởi không ai có thể hiểu được những giá trị to lớn trong âm nhạc của đồng bào bằng chính đồng bào – nơi họ đã sinh ra và lớn lên.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan sinh năm 1960 tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai - Ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đã viết hàng chục bài giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh, nhất là những bài viết về cồng chiêng và dân ca Tây Nguyên.

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan đã nhận nhiều giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, của Tỉnh đội Đăk Lăk, Bộ Giáo dục và Đào tạo, những Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng, Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật, Vì sự nghiệp Giáo dục, Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam....

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/am-nhac-co-truyen-the-hien-tam-hon-cot-cach-nguoi-tay-nguyen-859366.html