Âm nhạc của BTS sụp đổ

Nhà phê bình âm nhạc Lim Jin Mo nhận định sau khi nổi tiếng toàn cầu, đặc biệt từ ca khúc 'Idol', BTS mất đi sự đặc biệt trong âm nhạc. Do đó, việc nhóm nghỉ ngơi là cần thiết.

Trong bài viết của Korea JoongAng Daily, một trong những nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng và lâu đời nhất ở Hàn Quốc - Lim Jin Mo - nhận định Kpop tiếp tục phát triển trên toàn cầu và không chỉ BTS mới làm nên tên tuổi. Các nhóm nhạc khác đang ngày càng đạt vị trí cao trên bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế.

Về việc BTS đột ngột thông báo tạm dừng hoạt động, ông Lim Jin Mo nhận định nhóm thiếu khiêm tốn khi đổ lỗi cho hệ thống Kpop. Các thành viên than mệt mỏi vì lịch trình dày đặc. Nhưng thực tế, đó lại là điều mà nhiều thần tượng Kpop mong ước.

BTS mất đi sức cạnh tranh

Với bộ quy tắc độc đáo, khác biệt so với các ngành công nghiệp khác, Kpop không chỉ trở thành động lực cho văn hóa đại chúng mà còn mở ra một chương mới trong lịch sử Hàn Quốc.

Và đối với Lim Jin Mo - người đã chứng kiến tất cả thăng trầm của nhạc pop Hàn Quốc - chương lớn nhất và gây sốc nhất trong suốt những năm qua “chắc chắn là BTS”. “Kpop lớn mạnh đến mức nó trở thành đại diện cho cả Hàn Quốc và đó là nhờ BTS”, Lim Jin Mo đánh giá.

Bên cạnh việc hoan nghênh thành tích đạt đến đỉnh cao chưa từng có trong tưởng tượng của BTS, Lim Jin Mo cũng chỉ ra nhóm nhạc đã mất đi lợi thế cạnh tranh trong âm nhạc và cần thời gian nghỉ ngơi. Theo ông, thông báo tạm dừng hoạt động nhóm được BTS đưa ra gần đây là rất kịp thời. “Họ làm có thể tốt hơn”, nhà phê bình âm nhạc nhận định.

BTS gây sốc khi đột ngột thông báo tạm dừng hoạt động nhóm.

“Về mặt âm nhạc, BTS đã đánh mất thứ mà tôi gọi là ‘đầu và lưỡi’. Đó là khía cạnh đặc biệt trong âm nhạc để khiến khán giả rùng mình. Âm nhạc phải có thứ gì đó làm say đắm lòng người, chạm đến trái tim họ như đầu bút hay lưỡi dao xuyên qua nó. Vấn đề của BTS và Kpop nói chung không phải việc các ca sĩ nhảy ra sao mà là âm nhạc của họ không có đầu và lưỡi”, Lim Jin Mo bình luận.

Theo nhà phê bình âm nhạc, BTS đã phát hành những ca khúc quyến rũ như Fire (2016), Blood Sweat & Tears (2016), Spring Day (2017), DNA (2017) và Go Go (2017) hay Boy With Luv (2019). Đó là những ca khúc hay và luôn có yếu tố khiến người nghe bất ngờ, đặc biệt qua các phần trình diễn vũ đạo.

“Nhưng tại một thời điểm, âm nhạc của BTS bắt đầu sụp đổ. Và tôi nghĩ Idol (2018) là nơi tất cả bắt đầu. Thần tượng là nền tảng để BTS phát triển sự nghiệp trên toàn cầu. Nhưng đó cũng là lúc các bài hát của nhóm bắt đầu mất dần sức hấp dẫn”, ông nói.

Các thành viên thiếu khiêm tốn

Khi được phóng viên Korea JoongAng Daily hỏi lý do khiến một số người hâm mộ thất vọng vì thông báo của BTS, ông Lim trả lời: “Không phải vì những gì họ nói, mà là cách họ nói và thời điểm”. Theo chuyên gia, BTS được hưởng đặc quyền của ngôi sao thế giới nhưng lại than mệt mỏi và đổ lỗi cho hệ thống Kpop.

“Điều đáng lẽ phải xuất hiện ở đầu thông báo của BTS là một lời cảm ơn chứ không phải sự than thở: ‘Tôi quá mệt’. Những gì họ nói ở đầu video khiến người nghe hiểu rằng hệ thống Kpop làm các nghệ sĩ sa sút và kìm hãm sự phát triển của họ. Nhưng khi được hưởng tất cả đặc quyền của ngôi sao trên toàn thế giới như BTS, họ đáng lẽ phải cảm ơn những người đã làm nên điều đó, chứ không phải đột nhiên đổ lỗi mọi thứ cho Kpop”, ông Lim Jin Mo tiếp tục.

BTS mất chất từ ca khúc Idol.

“Việc nhập ngũ là bắt buộc tại Hàn Quốc. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu họ nói: ‘Chúng tôi sẽ nhập ngũ và chúng tôi đã hoạt động trong suốt những năm qua không ngừng nghỉ. Vì vậy chúng tôi sẽ sử dụng thời gian này để nghỉ ngơi và tập trung vào việc tạo ra những bản nhạc hay’. Thế nhưng, họ bất ngờ đưa ra một cuộc thảo luận về hệ thống Kpop và nói nó có khối lượng công việc dày đặc, hút cạn tiềm năng của nghệ sĩ”, nhà phê bình bày tỏ.

Theo ông Lim, Kpop tồn tại nhiều hạn chế và sẽ rất lý tưởng nếu có thể giải quyết những vấn đề đó. Tuy nhiên, có vô số nghệ sĩ Kpop sẵn sàng trải qua lịch trình dày đặc để được hưởng một phần nổi tiếng như BTS.

Ông nhấn mạnh: “Với tư cách cá nhân, BTS không hề tỏ ra khiêm tốn. BTS đã gặp khó khăn riêng, nhưng nói thật, BTS cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, kể cả từ chính phủ. Việc BTS bỏ qua tất cả điều đó và vùi dập hệ thống có thể khiến những người khác trong ngành giải trí mất niềm tin, phương hướng”.

Về việc BTS có lượng fan hùng hậu, ông Lim nhận định fandom là cần thiết để người nổi tiếng mở rộng sự nghiệp. Văn hóa người hâm mộ là yếu tố then chốt đằng sau sự trỗi dậy của Kpop, nhưng nó lại là con dao hai lưỡi. Mặt hạn chế là các fandom có thể ngăn cản giá trị nghệ thuật và thị hiếu cá nhân.

Ngay cả khi sản phẩm âm nhạc mới của thần tượng không hay, những người hâm mộ trung thành vẫn thích nó vô điều kiện. Sâu thẳm bên trong, một số người có thể nghĩ: "Tôi thích âm nhạc trước đây của họ hơn", nhưng họ không thể bày tỏ suy nghĩ đó vì họ là một phần của fandom.

“Vấn đề lớn nhất với các fandom là nó có thể giết chết sự nghiệp của nghệ sĩ trong thời gian ngắn. Nếu người hâm mộ rời đi, sự nghiệp của ca sĩ sẽ kết thúc và hầu như không thể phục hồi. Trước đây, ca sĩ sẽ thất bại nếu họ không có âm nhạc chất lượng. Tuy nhiên, hiện giờ, tương lai của ca sĩ phụ thuộc vào fandom nhiều hơn”, ông nói thêm.

Trong bối cảnh đó, nhà phê bình cho rằng công chúng cần quan tâm đến các thể loại đa dạng hơn. Họ không chỉ đơn giản thưởng thức âm nhạc mà cần tích cực tìm kiếm thể loại mới. Nếu không, các công ty giải trí vừa và nhỏ không thể tồn tại.

BTS vắng bóng tạo lợi thế cho các nhóm nhạc Kpop

Trả lời câu hỏi: “Các nhóm khác có thể lợi dụng sự vắng mặt của BTS để làm lợi thế không?”, ông Lim cho biết: “Đúng. Điều này có thể cho phép các nhóm khác phát triển và thể hiện mình”.

Sau khi các nghệ sĩ như BoA, TVXQ, Big Bang gieo mầm cho Kpop và PSY đột phá thị trường toàn cầu, BTS đã trở thành động lực để củng cố âm nhạc Hàn Quốc. Họ đã đưa Kpop lên ngang tầm với nhạc pop Anh-Mỹ và pop Latin.

“Có thể Kpop chưa đạt đến tầm cao âm nhạc, nhưng giá trị thị trường của nó chắc chắn đã được đảm bảo. Tôi thừa nhận BTS thành công nhờ làm việc chăm chỉ và đưa Kpop vươn cao trên toàn thế giới. Nhưng vì BTS là một trường hợp đặc biệt và là siêu sao toàn cầu, tôi nghi ngờ thông báo gián đoạn của nhóm ảnh hưởng nhiều đến các nghệ sĩ khác trong Kpop. Tôi nghĩ đó có thể là cơ hội để các nghệ sĩ Kpop khác phát triển trong khi BTS vắng bóng”, chuyên gia bày tỏ.

Giới chuyên môn hy vọng sự bứt phá từ các nhóm nhạc khác trong giai đoạn BTS nghỉ ngơi.

Ông Lim cho biết Kpop hiện nay không đầu tư nhiều thời gian để tạo ra một bài hát hay, đặc biệt với công ty nhỏ vì họ thiếu nguồn lực. Khi một ca khúc không thành công, họ cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho ca khúc sau đó. Tuy nhiên, yếu tố hiệu suất và thu hút khán giả cho Kpop đang được coi trọng hơn cả. Do đó, thời gian và nguồn lực ở các công ty giải trí hiện giờ được đầu tư cho vũ đạo nhiều hơn âm nhạc.

“Đó là lý do chúng ta cần tập trung trở lại vào âm nhạc trong Kpop. Âm nhạc Kpop vẫn còn rất non nớt. Chỉ cần so sánh nó với những thập kỷ trước của nhạc pop và tất cả thử nghiệm nó đã trải qua trong nhiều năm thì có thể thấy. Nhưng điều này cũng có nghĩa, chúng ta còn rất nhiều chỗ để cải thiện. Kpop đang và sẽ tiếp tục phát triển”, chuyên gia kết luận.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/am-nhac-cua-bts-sup-do-post1329028.html