Âm thanh độc đáo phát ra từ những chiếc bát cũ của thầy giáo thể dục

Trên tay đôi đũa gõ vào những chiếc bát cũ, ông Nguyễn Thanh Phúc (SN 1950, trú thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An) – thầy giáo dạy thể dục về hưu đã tạo nên những giai điệu thân quen khiến mọi người trầm trồ.

Độc đáo bộ "đàn" 16 chiếc bát

Trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương (Nghệ An), ông Phúc dành ra một gian để treo các loại nhạc cụ dân tộc ông sưu tầm suốt hơn 40 năm. Nhưng nổi bất nhất giữa gian phòng là chiếc đàn bát đơn sơ với 16 chiếc bát với nhiều kích cỡ đặt cố định trên tấm xốp đã úa vàng.

Căn phòng nhỏ với đủ loại nhạc cụ của ông Phúc.

Nhìn vào bộ đàn bát, ông Phúc vui nói: "Đây là bộ đàn bát tôi đã sưu tầm nhiều năm tại nhiều nhà thờ, làng quán và nhà dân... Ban đầu chỉ có 7 chiếc nhưng nay đã sưu tập được 16 chiếc. Tôi sẽ sưu tầm tiếp để có những chiếc bát có âm thanh tốt nhất".

Khi tập hợp được những bát có âm thanh đạt chuẩn, ông Phúc sắp xếp những chiếc bát này theo cung bậc âm thanh từ thấp đến cao để tạo thành chiếc đàn bát. Đặc biệt, trong mỗi chiếc bát phải có nước. "Muốn đàn hay và có âm thanh trong trẻo, trầm bổng thì trong bát phải có nước. Nhờ nước mà âm thanh được cộng hưởng tạo nên sự trầm ấm, êm ái và không bị phô" – ông Phúc nói thêm.

Sau quá trình nghiên cứu, mày mò, ông đã định lượng mực nước phù hợp cho từng chiếc bát để tạo nên âm thanh như mong muốn. Mực nước trong bát ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh, chỉ cần đổ nhiều hơn hoặc ít hơn một chút là âm thanh có thể thay đổi. Chính vì vậy, những chiếc bát trong bộ đàn này đã được đánh dấu mực nước phù hợp.

Ông Phúc giới thiệu về nguyên lý có được âm thanh của chiếc đàn bát.

Cũng như nhiều loại nhạc cụ khác, để đánh được đàn bát hay, đòi hỏi người chơi phải có sự say mê cả trong sưu tầm nhạc cụ lẫn luyện tập. Tính đến nay, ông Phúc đã có hơn 40 năm gắn bó với đàn bát. Ông quan niệm, chơi đàn bát là phải chịu khó học tập, học mọi lúc, mọi nơi, từ các nghệ sĩ, bạn bè, thông qua truyền hình, mày mò tìm hiểu thực tiễn…

Giới thiệu xong chiếc đàn bát đặc biệt, ông Phúc liền lấy đôi đũa đánh bản nhạc Trống cơm. Đôi tay ông cầm đũa biểu diễn một cách điêu luyện trên đàn đàn bát. Những âm thanh vừa thánh thót vừa trầm, vừa bổng của bản nhạc đã mê hoặc người nghe. Chiếc đàn bát độc đáo này đã đem về cho ông nhiều giải thưởng trong các kỳ hội diễn lớn, trong đó tiêu biểu nhất là giải A hội diễn văn nghệ cấp tỉnh, Huy chương Bạc hội diễn nghệ thuật toàn quốc…

Thầy giáo đam mê nhạc cụ dân tộc

Ông Phúc trước là thầy giáo dạy thể dục nay đã nghỉ hưu. Với niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ nên hễ đi đâu, gặp loại nhạc cụ nào là ông lại cất công sưu tầm, mày mò, chế tác ra những sản phẩm nhạc cụ dân gian. Đến nay, ông đã sưu tầm và chế tác ra 60 đầu nhạc cụ với hàng trăm sản phẩm gồm các bộ như hơi (sáo, tiêu, khèn, tù và, đàn môi…), dây (đàn bầu, thập lục huyền cầm, nhị, đàn đáy), da (trống cơm, trống tầm vông), gõ (Tơ rưng, đàn đá, đàn bát).

"Những loại nhạc cụ trên tôi đều lặn lội tìm kiếm ở nhiều địa phương. Ngoài ra, tôi còn tìm nguyên liệu rồi mày mò chế tác để tạo thêm những dụng cụ mới. Riêng chiếc đàn, tôi làm cả năm trời. Khó nhất vẫn là việc tìm được những chiếc bát có âm thanh đạt chuẩn" – ông Phúc nói.

Ông Phúc với chiếc đàn bát đã cũ màu.

Không chỉ ham thích sưu tầm, chế tác các nhạc cụ dân tộc mà ông Phúc chơi được tất cả các loại nhạc cụ mà ông có. Đặc biệt là chơi thành thục các loại sáo trúc, sáo mèo kép, sáo bầu, đàn bầu, đàn bát, đàn đá…

Theo ông Phúc, trong tất cả các loại nhạc cụ thì loại nào cũng có sự đặc biệt, phong phú. "Sở dĩ tôi yêu nhạc cụ dân tộc là bởi nó rất gần gũi, dễ sắm, dễ làm, trong khi âm thanh của nó cất lên là những giai điệu tự nhiên, thân thiết, quen thuộc, gợi nhớ về thời xa xưa. Đã hơn 40 năm gắn bó với nhạc cụ dân tộc, với tôi nhạc cụ dân tộc là một phần của cuộc sống" – ông Phúc chia sẻ.

Dịp Quốc khánh 2/9, ông Nguyễn Thanh Phúc đã chế tác thành công chiếc đàn bầu đá nặng 100kg. Với kết cấu mặt đàn có hình bản đồ huyện Thanh Chương được trang trí nhiều hoa văn như mặt trống đồng, cờ tổ quốc. "Để làm ra chiếc đàn bầu đá này, tôi đã lặn lội khắp nơi từ miền xuôi đến miền ngược để tìm bằng được phiến đá vừa ý, ở đâu nghe tin có phiến đá đẹp là tôi lại vác ba lô lên đường. Tôi muốn khắc họa biểu tượng hình ảnh đất nước Việt Nam trên chiếc đàn này" – ông Phúc tự hào nói.

V. Đồng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/am-thanh-doc-dao-phat-ra-tu-nhung-chiec-bat-cu-cua-thay-giao-the-duc-20200116101033755.htm