Ẩm thực độc đáo làm nên sự khác biệt của Tết Hàn thực Việt Nam

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết, vào thời Trần, thậm chí có thể là từ thời Lý, nhằm tiết Hàn thực, người Việt ăn bánh cuốn và có tục đem bánh cuốn tặng nhau, chưa có tục ăn bánh trôi như thời Lê Nguyễn về sau.

Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết Hàn thực (mùng 3 tháng 3 âm lịch), người Việt có tục lệ làm bánh trôi bánh chay để cúng tổ tiên, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Ảnh: IT

Tết Hàn thực ở Trung Quốc

Tết Hàn thực ở Trung Quốc, ban đầu được tổ chức vào đông chí, tiết khí vào thời điểm giữa mùa đông, một trong hai mươi tư tiết khí trong nông lịch.

Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ 2, Tết Hàn thực chuyển sang cuối mùa xuân. Hoạt động chính của ngày này là nghiêm cấm sử dụng lửa, theo niềm tin, nếu vi phạm sẽ dẫn đến thời tiết khắc nghiệt mùa màng thất bát.

Thực phẩm truyền thống của Trung Quốc được sử dụng trong dịp này bao gồm một loại cháo có vị hạt mơ và đường mạch nha. Các hoạt động sau đó bao gồm viếng mộ tổ tiên, chọi gà, chơi xích đu, đập chăn và trò chơi kéo co…

Tết Hàn thực thường bị bỏ qua ở Trung Quốc hiện đại, ngoại trừ một số phong tục ảnh hưởng đến các hoạt động viếng mộ tổ tiên và món ăn truyền thống.

Tại thành phố Giới Hưu thuộc tỉnh Sơn Tây, quê hương của ngày tết Hàn thực, người dân địa phương vẫn tổ chức lễ hội, nhưng ngay truyền thống ăn đồ nguội cũng không còn được thực hiện nữa.

Tết Hàn thực ở Hàn Quốc

Tết Hàn thực của Hàn Quốc diễn ra vào ngày thứ 105 sau đông chí, có nghĩa là ngày 5 tháng 4 trong lịch dương, ngoại trừ những năm nhuận, sự kiện được tổ chức vào ngày 4 tháng 4. Đó là một ngày để chào đón thời tiết ấm áp làm tan băng những vùng đất giá lạnh.

Vào ngày này, các nghi lễ thờ cúng tổ tiên được thực hiện lúc sáng sớm, và gia đình đến thăm mộ tổ tiên để thu dọn. Tuy nhiên, phong tục ăn đồ lạnh vào ngày này cũng không còn tồn tại. Vì ngày này trùng với Ngày lễ trồng cây của người Hàn Quốc, nên các nghĩa trang luôn tấp nập du khách đến trồng cây quanh mộ tổ tiên của họ.

Tết Hàn thực ở Việt Nam

Người Việt Nam cũng có phong tục tổ chức Tết Hàn thực vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch. Trong khi các món ăn truyền thống của các quốc gia lân cận trong ngày này không còn được nhắc đến nhiều, ở Việt Nam mồng 3 tháng 3 âm lịch gắn liền với bánh trôi bánh chay.

Nhiều gia đình làm hai loại bánh này để cúng gia tiên. Những liên hệ đến truyền thuyết nguồn gốc của ngày lễ Hàn thực tại Trung Quốc ít được mọi người để ý đến, việc kiêng kị về củi lửa là hoàn toàn không có.

Trong Tết Hàn thực, bánh trôi, bánh chay cũng được dùng để lễ Phật, cúng gia tiên, thậm chí nhiều nơi cúng Thành hoàng làng.

Thay vì tên gọi chính thức, 3/3 âm lịch thường được người Việt gọi dân giã là Tết bánh trôi – bánh chay. Ngày Tết này hiện vẫn duy trì phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh xung quanh Hà Nội.

Ngoài ra, chiếc bánh trôi làm từ bột gạo nếp thơm ngon còn được dâng cúng trong lễ Hai Bà Trưng ngày 6/3 tại làng Hát Môn (Phúc Thọ - Hà Tây), ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 và hội Phủ Giầy tháng 3 lễ Mẫu.

Có thể nói, Tết Hàn thực của Việt Nam mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc và có những nét khác biệt cơ bản với ngày lễ này tại Trung Quốc.

Nhiều sự tích cũng cho rằng, nguồn gốc của bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích "bọc trăm trứng" của Âu Cơ.

Bánh cuốn - từng là món ăn của Tết Hàn thực

Theo ghi chép của Lê Tắc, người thời Trần "tiết Hàn thực, đem bánh cuốn tặng nhau". Qua bài thơ "Tặng bánh xuân cho ngài thiên sứ Trương Hiển Khanh", làm năm 1291, Trần Nhân Tông viết: "Hôm nay đúng ngày mồng 3 tháng 3, trên chiếc mâm chạm hình mây đỏ bày bánh Xuân thái, đây là phong tục cũ của An Nam xưa nay." Theo Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, bánh Xuân thái cũng chính là tên gọi khác của bánh cuốn. Sách này đồng thời cho biết: "Quyển bính (bánh cuốn) nhiều nhân càng ngon, hiệu là bánh cuốn lăn tròn khéo thay".

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết: Như vậy, vào thời Trần, thậm chí có thể truy lên thời Lý, nhằm tiết Hàn thực, người Việt ăn bánh cuốn và có tục đem bánh cuốn tặng nhau, chưa có tục ăn bánh trôi như thời Lê Nguyễn về sau. Bánh cuốn còn được gọi là bánh Xuân thái (thái có nghĩa là rau), trong có nhân (có thể gồm cả rau lẫn thịt), được cuốn tròn lại, hình dạng khá gần với bánh cuốn ngày nay.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ánh Hồng cho biết ngày tết này ở Việt Nam thực ra bắt nguồn từ một phong tục của người Trung Quốc nhưng đã được Việt hóa và được lưu truyền cho đến ngày nay:

Tết Hàn thực, khi vào Việt Nam, đã hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay, Tết tháng 3 của người Việt. Bản thân ngày tết này cũng mang ý nghĩa và thể hiện rõ nét về đặc trưng văn hóa, lối sống, những khát vọng mơ ước rất riêng của người Việt. Chính điều này đã tạo nên sức sống lâu bền của ngày tết bánh trôi, bánh chay. Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc - thường không đốt lửa trong 3 ngày và chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn trước đó, ở Việt Nam, người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường.

Nguồn: Tổng hợp

Dũng Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/am-thuc-doc-dao-lam-nen-su-khac-biet-cua-tet-han-thuc-viet-nam-17923042213591057.htm