Ẩm thực trong tiếp thị điểm đến

Trong hành trình khám phá Việt Nam của nhiều du khách, Quảng Nam là một trong những địa phương khó thể bỏ qua. Nơi đây, ngoài các di sản văn hóa thế giới, còn có các khu nghỉ dưỡng cao cấp nằm dọc những bãi biển được tôn vinh là bãi biển đẹp nhất thế giới. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả, bởi nhiều du khách cho rằng, Quảng Nam còn hấp dẫn bởi yếu tố văn hóa ẩm thực. Hay đúng hơn, là nghệ thuật nấu ăn và những món ăn đậm đà phong vị Á Đông.

Hầu hết trong chương trình trải nghiệm điểm đến của du khách nước ngoài tại Quảng Nam, ngoài chương trình tham quan kiến trúc di tích lịch sử, thắng cảnh, họ thường được giới thiệu tham dự lớp học nấu ăn, tự tay chế biến một số món ăn như bánh xèo, chả giò, món gỏi (trộn) hoặc học làm bánh… Thông qua công cụ đánh giá trên các trang mạng du lịch như Tripadvisor hay Expedia, nhiều du khách đánh giá cao sự chuyên nghiệp của các cơ sở dạy nấu ăn tại thành phố Hội An. Qua đó, bày tỏ sự trải nghiệm đầy hứng khởi, đặc biệt là đánh giá cao chất lượng, vị ngon của nhiều món ăn bắt nguồn từ Quảng Nam.

Tuy vậy, nhiều món ngon xứ Quảng, trong đó có mì Quảng trứ danh vùng Quảng Nam – Đà Nẵng, hay món cao lầu duy nhất chỉ có ở Hội An vẫn chưa phải là từ khóa quan trọng để trở thành chỉ dẫn địa lý đến du lịch Quảng Nam. Mặc dù mì Quảng xuất hiện tại nhiều nhà hàng trên thế giới ở Nhật Bản, Úc, Mỹ… nhưng có lẽ chất lượng của những tô mì ở ngoài xứ Quảng chưa thấm đậm hương vị, chưa đủ sức lôi cuốn du khách.

Thật vậy, một người Quảng Nam sống tại Úc khi thưởng thức tô mì Quảng ở nhà hàng Melbourne nhận xét “Cũng có thịt, rau sống và một loại phồng tôm thay cho bánh tráng nướng, nhưng nồi nước nhưn không ra hương vị Quảng. Lại thêm ở đây không có kiểu mì sợi dày tẩm dầu phụng, thay vào đó người ta dùng bánh phở. Thế nên, mặc dù tên là mì Quảng nhưng đây đã gần như không còn là tô mì đầy mê hoặc của người Quảng”.

Trong khi đó, nhắc đến Việt Nam, nhắc đến Hà Nội hay nhắc đến món ăn Việt, hầu hết du khách nước ngoài đều biết đến phở. Một số người còn kèm theo sau hai tiếng “Xin chào” ngọng nghịu bằng tiếng Việt là câu “I love PHO” (tôi yêu Phở) khi gặp người Việt.

Trong cuốn sách Thực phẩm và Dinh dưỡng: Phong tục và Văn hóa, tác giả Paul Fiedhouse cho rằng ẩm thực là một cách dễ dàng để làm quen với truyền thống của một điểm đến cụ thể và là phương tiện quan trọng để thể hiện văn hóa. Ẩm thực luôn là khía cạnh chính trong trải nghiệm tổng thể của khách du lịch tại một điểm đến. Đôi khi các sản phẩm ẩm thực tốt của địa phương sẽ nâng cao trải nghiệm của khách du lịch và trở thành lý do để họ quay lại điểm đến.

Khách du lịch thưởng thức các món ăn địa phương, đặc biệt là các món ẩm thực mang đậm chất truyền thống, đặc trưng của địa phương đó là một trong những thành phần cơ bản tạo nên các thuộc tính của điểm đến, thu hút khách du lịch và do đó làm tăng trải nghiệm tổng thể của họ.

Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Bu-ca-ret (Ru-ma-ni), khách du lịch rất coi trọng ẩm thực trong quá trình đi du lịch và dành một phần lớn chi tiêu của họ cho thực phẩm. Và ẩm thực đối với họ cũng là yếu tố tác động mạnh mẽ đến việc ra quyết định trong việc xác định lựa chọn địa điểm đến. Chẳng hạn, khách du lịch Mỹ đến thăm các quốc gia khác ngoài quê hương của họ đã đặt mối quan tâm đầu tiên cho ẩm thực; 22% người châu Âu cho rằng lý do chính để đi du lịch, nghỉ dưỡng là để trải nghiệm văn hóa, bao gồm nghệ thuật ẩm thực. Trong khi đó người Bulgari chi gần 40% ngân sách chuyến đi của họ cho các sản phẩm ẩm thực.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong công tác quảng bá, xúc tiến thương hiệu điểm đến, ngoài những hình ảnh đẹp về cảnh quan thiên nhiên, các công trình văn hóa, nghệ thuật thì ẩm thực và lễ hội, liên hoan ẩm thực, hệ thống nhà hàng… cần có một chỗ đứng xứng đáng, nổi bật trong chương trình quảng bá điểm đến. Bởi vì, ẩm thực giúp xây dựng được hình ảnh điểm đến, có vai trò quan trọng trong quá trình tác động đến hành vi của du khách: thứ nhất nó ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định lựa chọn điểm đến và thứ hai, nó tác động đến ý định quay lại của du khách, cũng như sự sẵn lòng giới thiệu điểm đến tương tự cho người khác.

Một tín hiệu vui của ngành du lịch và hoạt động văn hóa ẩm thực Quảng Nam trong thời gian qua là nhiều món ăn của xứ Quảng như mì Quảng, phở sắn Quế Sơn, bê thui Cầu Mống, bánh tráng cuốn thịt heo, cao lầu, bánh mì Hội An được đông đảo du khách trong và ngoài nước chào đón, thưởng thức trong nhiều lễ hội, sự kiện liên quan đến ẩm thực tại Huế, TPHCM hay Hà Nội.

Rồi ngày càng có nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc, du khách Nhật Bản, Trung Quốc, xa hơn nữa là Anh, Pháp, Úc… chọn Việt Nam, trong đó có Quảng Nam làm điểm đến du lịch, và ẩm thực là một trong những yếu tố chính tác động đến quyết định xây dựng hành trình du lịch đến Quảng Nam.

Với tiềm năng và lợi thế về du lịch ẩm thực, bên cạnh sự mong muốn trong việc xây dựng hình ảnh Quảng Nam, thể hiện tính chân thực của văn hóa ẩm thực xứ Quảng, đầu tháng 9-2023 tới, ngành du lịch Quảng Nam phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức Liên hoan ẩm thực Quốc tế lần 1.

Theo đó, là sự tham gia của các nước Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc với một số địa phương trong nước nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực tỉnh Quảng Nam, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu Văn hóa – Ẩm thực – Du lịch thông qua phát triển nền văn hóa ẩm thực và du lịch tinh túy, đặc sắc, chất lượng.

Đồng thời, sự kiện góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Quảng Nam đến du khách trong nước và bạn bè quốc tế là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn, đưa thương hiệu món ăn Quảng Nam, nổi bật là các món từ sợi mà tiêu biểu là mì Quảng phát triển bền vững, tự tin vươn ra thế giới.

Hy vọng sự kiện này lan tỏa mạnh mẽ cũng như khẳng định thương hiệu điểm đến của Quảng Nam trong hành trình xây dựng một thủ phủ du lịch xanh, du lịch bền vững, nơi mà yếu tố văn hóa ẩm thực đặc trưng địa phương được đề cao, được trân trọng thổi vào những món ăn đã hình thành cùng với tiến trình hình thành xứ Quảng từ hơn 500 năm trước.

Văn Bá Sơn

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/am-thuc-trong-tiep-thi-diem-den/