Ấm tình quân - dân trong mưa lũ

Giữa muôn trùng khó khăn, đau thương, mất mát ấy, vẫn có vòng tay giúp đỡ, không ngại hiểm nguy của các anh 'mang quân hàm', bất kể đó là công an hay bộ đội.

Công an Hà Giang dầm mình trong mưa giúp học sinh vượt lũ đến thi. Ảnh: CAND.

Giữa muôn trùng khó khăn, đau thương, mất mát ấy, vẫn có vòng tay giúp đỡ, không ngại hiểm nguy của các anh “mang quân hàm”- bất kể đó là công an hay bộ đội. Theo đó, ở khắp mọi miền của Tổ quốc, tình quân dân vẫn mãi sáng trong, ở đâu dân cần, các anh luôn có mặt.

Những ngày qua, nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân Lai Châu, Hà Giang chưa vơi khi ngôi làng phải tiễn đưa người thân, hàng xóm và chứng kiến những nếp nhà chỉ còn lại đống gỗ ngổn ngang, những vạt nương không kịp mùa thu hoạch khi mưa lũ về.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 17h chiều 25/6, số người chết do mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã tăng lên 14 người (Hà Giang 3, Lai Châu 11). Ngoài ra có 11 người tại Lai Châu đang bị mất tích do lũ cuốn. Thiệt hại bằng tiền hiện đã lên trên 110 tỷ đồng, riêng Lai Châu thiệt hại gần 90 tỷ.

Thực cảnh hoang tàn của một số tỉnh miền núi phía Bắc, một lần nữa chứng minh rằng: Những trận lũ được giới chuyên môn gọi là “lũ lịch sử”, mức độ tàn khốc, trận lũ lịch sử sau ghê gớm hơn trận lũ lịch sử trước. Rồi sẽ đến lúc, khái niệm “lũ lịch sử” không còn phù hợp để các chuyên gia làm mốc so sánh về mức độ nguy hiểm của lũ, vì càng ngày lũ không còn tuân theo những quy luật thông thường, và mức độ mỗi ngày một lớn hơn bội phần.

Dù được rút kinh nghiệm, dù được dự báo, cảnh báo sớm và dù được tăng cường nhiều biện pháp chống lũ, tránh lũ, nhưng xem ra, con người không thể chống được thiên tai, bão lũ.

Thế nhưng, giữa muôn trùng khó khăn, đau thương, mất mát ấy, vẫn có vòng tay giúp đỡ, không ngại hiểm nguy của các anh “mang quân hàm”, bất kể đó là công an hay bộ đội. Theo đó, ở khắp mọi miền của Tổ quốc, tình quân dân vẫn mãi sáng trong, ở đâu dân cần, các anh luôn có mặt.

Riêng trong đêm 24 và sáng ngày 25/6, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an đã dầm mình trong mưa bão, sử dụng các phương tiện như: xe đặc chủng, xuồng máy, xuồng cao su cùng các phương tiện khác để hỗ trợ, đưa đón an toàn hàng trăm các em học sinh và phụ huynh vượt qua các nơi ngập lũ đến điểm thi đúng thời gian, không để trường hợp học sinh nào bị sơ xuất do mưa lũ trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 trên địa bàn..v..v.

Hãy thử tưởng tượng, nếu lực lượng công an bị giải tán thì ai sẽ là người tấn công, trấn áp tội phạm. Nếu một ngày lực lượng công an không còn thì xã hội này sẽ như thế nào. Đó là chưa kể, hầu hết các chiến sĩ công an đang từng ngày, từng giờ đối mặt với nguy hiểm để bảo vệ bình an cho nhân dân, giữ ổn định cho đất nước phát triển. Đó là chưa kể những người lính nơi biên cương, hải đảo ngày đêm canh giữ hòa bình cho Tổ quốc.

Nói như thế để chúng ta thấy thêm một lần ngẫm về thân phận người miền núi phía Bắc nói riêng, đồng bào miền núi nói chung từ đời này qua đời khác, ngày ngày chứng kiến gỗ rừng, sản vật rừng về xuôi mà đói nghèo còn ở mãi. Thêm một lần nhìn lâu hơn thảm cảnh người vùng lũ “ngoi ngóp”, thất thần trong cuồng lũ. Và hễ sau mỗi trận lũ lại ngẩn ngẩn ngơ ngơ, trắng tay, tay trằng. Cứ mỗi lần như thế, các anh những người lính, người chiến sĩ lại xông pha, không quản hiểm nguy để cứu giúp đồng bào mình.

Dẫu biết rằng, thiệt hại về người lẫn vật chất khó lòng mà đong đếm của người dân Lai Châu, Hà Giang… nhưng cũng thật khó kể hết những nghĩa cử, tình thương, những việc làm đẹp, đáng trân trọng trong những ngày bão lũ, lúc hoạn nạn, khó khăn của các anh. Chính những việc làm thiết thực đó đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ”, người chiến sĩ công an nhân dân trong lòng nhân dân.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/am-tinh-quan-dan-trong-mua-lu-131600.html