“Âm vang sông Hồng” có thực sự vang?

(VOV) - Với chủ đề “Văn hóa châu thổ - phù sa đất mẹ - hội tụ và tỏa sáng”, Ngày hội (diễn ra từ 14 - 16/10) là dịp “quê hương năm tấn” Thái Bình đem hết những “đặc sản” của mình “chiêu đãi” bạn bè trong nước và quốc tế

Bất chấp tin về cơn bão số 10 được đưa dồn dập trên các phương tiện thông tin ngay sát giờ khắc khai mạc, rằng sẽ đổ bộ trực tiếp vào Thái Bình, cuối cùng, Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất vẫn khai mạc theo đúng kế hoạch (tối 14/10). Hoành tráng và hấp dẫn Ngay từ sáng sớm ngày 14/10, Ban tổ chức, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, các tỉnh bạn cùng đông đảo người dân và du khách đã vượt hơn 20 km về dâng hương tại Đền thờ các vua Trần (huyện Hưng Hà, Thái Bình) cũng mới vừa chỉnh trang, tu bổ xong kịp phục vụ cho ngày hội. Cuối cùng cơn bão cũng tan trước khi vào đến đất liền, áp thấp nhiệt đới chỉ gây ra mưa nhỏ. Màn sân khấu hóa chủ đề “Âm vang sông Hồng” với ý nghĩa chủ đạo “Hội tụ và tỏa sáng” do hơn 500 nghệ sỹ, diễn viên biểu diễn tại Quảng trường 14/10 thu hút khoảng hơn 2 vạn khán giả đến xem (theo BTC). Các tiết mục đã tái hiện một cách sinh động lịch sử, đời sống sinh hoạt, văn hóa… của cư dân vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng với nền văn minh lúa nước từ hàng nghìn năm nay, trải qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước trên một sân khấu hoành tráng, âm thanh, ánh sáng hiện đại. Ngoài ra, khán giả và du khách còn được thưởng thức nghệ thuật truyền thống, các tiết mục văn hóa dân gian đặc sắc như: múa rối, hát văn, hát chèo… do nghệ sỹ, diễn viên của các tỉnh tham gia biểu diễn tại các sân khấu nhỏ. Trao đổi với PV, NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi Trẻ), một trong những đạo diễn của chương trình đêm khai mạc cho biết: “Với chủ đề xuyên suốt “Âm vang sông Hồng”, màn sân khấu hóa đêm khai mạc mang ý nghĩa chủ đạo “Hội tụ và tỏa sáng” hy vọng đem đến cho khán giả một bức tranh toàn cảnh, phản ánh đầy đủ nhất lịch sử, các phong tục tập quán, đời sống, văn hóa của cư dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng… Đây là hoạt động có ý nghĩa hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…”. Trước đó, tối 13/10, một Hội chợ ẩm thực cũng đã được khai mạc với khoảng hơn 20 gian hàng trước sảnh Nhà văn hóa lao động tỉnh. Quá nhỏ, so với lượng du khách hàng vạn người khắp nơi đổ về. Anh Đào Văn Bình (Thái Xuyên, Thái Thụy, Thái Bình) đưa vợ và con nhỏ vượt hơn 20 km lên “xem” hội từ sớm chỉ kịp “chiêu đãi” vợ con món bún riêu vì không chen nổi, lắc đầu ngao ngán: “Ban tổ chức bố trí hội chợ ẩm thực ở một nơi chật chội như thế này hoàn toàn không hợp lý. Đông thế này không tài nào chen nổi, nói gì đến ăn uống và thưởng thức…”. Chị Cao Thúy Vân, sinh viên Trường ĐH Y Thái Bình có cùng quan điểm: “Thái Bình cũng có chợ đêm trên phố Trần Hưng Đạo sao không đưa ra đấy mà làm có phải thông thoáng hơn không? Mặc dù chỉ được… “xem” thôi, nhưng cũng là vui rồi. Không biết đến bao giờ Thái Bình mới tổ chức được một ngày hội quy mô hoành tráng tương tự để phục vụ người dân quê lúa…”. Trong suốt thời gian diễn ra “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất”, ngoài những chương trình biểu diễn nghệ thuật, khán giả và du khách còn có cơ hội tham dự các trò chơi dân gian truyền thống: kéo co (SVĐ Lê Hồng Phong), bơi chải (trên sông Trà Lý, từ cầu Thái Bình đến cầu Độc Lập), giải bóng chuyền Bông lúa vàng (Nhà thi đấu tỉnh)… Lễ chồng lên lễ! Người dân Thái Bình, ngay từ đầu tháng 10, có vẻ như đã “bội thực” vì các sự kiện VH-TT liên tục được các địa phương tổ chức dồn dập: 80 năm thành lập Chi bộ Thư Vũ (Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Bình); Ngày hội VH - TT nhân dịp 40 năm ngày thành lập các huyện Vũ Thư, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy… mà đỉnh điểm là 120 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình đúng vào hôm diễn ra đêm khai mạc “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất”. Lễ chồng lên lễ! Khắp các nẻo đường rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu… nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài khách mời và người dân địa phương, du khách các nơi đến với ngày hội không đáng kể. Mặc dù 88 khách sạn, nhà nghỉ và 22 nhà hàng, bếp ăn… có uy tín được BTC huy động phục vụ cho ngày hội lúc nào cũng quá tải. Phải chăng vì trời mưa? “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất” là một dịp tốt để Thái Bình quảng bá hình ảnh của mình đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Thế nhưng, ngoài những cơ sở vật chất có sẵn (nhìn chung là nghèo nàn, lạc hậu), các khu du lịch biển Đồng Châu, Cồn Vành… vẫn chưa được đầu tư đúng mức (hầu như còn ở dạng sơ khai); còn các di tích văn hóa lịch sử của tỉnh còn nghèo nàn về dịch vụ nên không thu hút và giữ chân được du khách./. Khánh Linh (Báo TNVN)

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/am-vang-song-hong-co-thuc-su-vang/200910/124391.vov