Amazon Global Selling: Thêm kênh bán hàng xuyên biên giới cho hàng Việt

Cơ hội bán hàng cho 300 triệu tài khoản người mua của Amazon vừa mở ra, dù chưa rõ cấp độ hợp tác giữa Amazon và Cục Xúc tiến thương mại

Một kế hoạch hợp tác giữa Amazon Global Selling, một chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon, và Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công thương, chính thức được công bố chiều 14.1, kỳ vọng giúp được nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đạt được các thỏa thuận trong xuất khẩu.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 480 tỉ USD năm 2018, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn đứng trước nhiều thách thức về thông tin, dự báo thị trường, năng lực cạnh tranh và tìm kiếm khách hàng.

Thị trường thế giới đang thay đổi, trong khi cộng đồng hơn 700 doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính khi tham gia hội chợ quốc tế, do chi phí thuê gian hàng lên tới vài chục nghìn đô la Mỹ.

Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, một trong những giải pháp Bộ Công thương thúc đẩy triển khai, nhằm đạt mục tiêu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 258 tỉ USD, tăng 8% so với năm 2018.

Cục trưởng, Cục Xúc tiến Thương mại của Bộ Công thương, ông Vũ Bá Phú, cho rằng, thông qua hệ thống thương mại điện tử của Amazon, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể tiếp cận được 300 triệu tài khoản người mua hàng trên toàn thế giới của Amazon.

Ông Vũ Bá Phú nói rằng xúc tiến thương mại trực tuyến, doanh nghiệp sẽ không phải chia sẻ lợi nhuận trung gian đồng thời tiết kiệm được chi phí đầu tư tham gia hội chợ, tham dự triển lãm để tìm kiếm đối tác và thị trường.

Theo Giám đốc Amazon Glabal Selling, Đông Nam Á, ông Bernard Tay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á có thể xuất khẩu hàng hóa qua Amazon. Những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, như hàng may mặc và giày da, có thể bán rất tốt trên Amazon.

Mua hàng hóa qua mạng xã hội đang làm thay đổi cách mua sắm trực tuyến trong năm 2018, với tâm điểm là sự tiện lợi. Người dùng chỉ cần lướt smart-phone, đăng nhập vào tài khoản của mình và tìm kiếm sản phẩm cần mua.

Thế nhưng, Giám đốc Bernard Tay cũng nói rằng, có những khó khăn, đầu tiên, cách bán hàng và xây dựng thương hiệu thông qua nền tảng này. Kế đến là rào cản về ngôn ngữ khi doanh nghiệp bán hàng ra thị trường toàn cầu.

Do đó, để giúp nhiều người bán dễ dàng tìm thông tin, tài liệu và sự hỗ trợ để bắt đầu việc bán hàng trên Amazon, theo ông Bernard Tay, từ tháng 8.2018, chương trình Amazon Glabal Selling đã công bố một loạt các nỗ lực tăng cường hỗ trợ cho người bán ở Việt Nam, trong đó có trang web Global Selling bằng tiếng Việt.

Việt Nam được cho là thị trường thu hút được nhiều "ông lớn" thương mại điện tử trên thế giới, như Amazon, Alibaba... Song, kể từ tháng 3.2018, khi Amazon vào Việt Nam, đây là những hợp tác chính thức đầu tiên được các bên công bố.

Công ty nghiên cứu Euromonitor International đưa dự báo, đến năm 2020, giá trị của thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt mức 58,2 nghìn tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2017.

Euromonitor cho rằng, với tốc độ tăng trưởng trung bình vào khoảng 33%/năm, dự kiến giá trị thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mốc 106 nghìn tỉ đồng trong năm 2022, tương ứng với khoảng 4,6 tỉ USD.

Vân Nguyễn

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/biz-tech/amazon-global-selling-them-kenh-ban-hang-xuyen-bien-gioi-cho-hang-viet-3327687/