Amazon, Netflix và vấn đề kiểm duyệt tại Ấn Độ

Ngày 16/3, Ủy ban Quốc gia Bảo vệ quyền trẻ em Ấn Độ yêu cầu Netflix ngay lập tức gỡ bỏ một số cảnh phản cảm liên quan đến trẻ vị thành niên trong phim Bombay Begums.

Bộ phim tội phạm Mirzapur gây tranh cãi vì bị cáo buộc miêu tả phiến diện một thành phố phía Bắc Ấn Độ. (Nguồn: Getty Images)

Bộ phim tội phạm Mirzapur gây tranh cãi vì bị cáo buộc miêu tả phiến diện một thành phố phía Bắc Ấn Độ. (Nguồn: Getty Images)

Ngoài ra, phim tội phạm Mirzapur trên nền tảng Amazon Prime cũng gây tranh cãi vì cáo buộc miêu tả phiến diện một thành phố phía Bắc Ấn Độ, hay loạt phim A Suitable Boy trên Netflix, dựa trên tiểu thuyết bán chạy nhất cùng tên của tác giả Vikram Seth, cũng vấp phải phản ứng dữ dội vì có cảnh một người đàn ông Hồi giáo và một phụ nữ Ấn Độ giáo hôn nhau trong một ngôi đền.

Nam diễn viên Bollywood Bobby cũng phải đối mặt với những rắc rối pháp lý về tạo hình gây tranh cãi của các vị thánh trong đạo Hindu.

Chính phủ Ấn Độ ngày 25/2 đã công bố bộ quy định mới cho các phương tiện kỹ thuật số. Đây được coi là một động thái nhằm thắt chặt sự kiểm soát của New Delhi đối với các nền tảng này, trong đó có Amazon Prime, Netflix, Disney + Hotstar của Walt Disney và nhiều nền tảng phát video trực tuyến khác.

Một trong những tính năng chính của bộ quy tắc mới là tự phân loại nội dung theo các nền tảng OTT, sử dụng hạ tầng Internet để phân phối nội dung tới người dùng, thành năm danh mục dựa trên độ tuổi: trẻ em, 7+, 13+, 16+ và người lớn; phụ huynh kiểm duyệt nội dung với người xem từ 13 tuổi trở lên; và cơ chế giải quyết khiếu nại ba cấp độ.

Quyết định này gây ra nhiều tranh cãi. Trái với một số ý kiến cho rằng chính phủ Ấn Độ phi dân chủ, vi phạm quyền tự do ngôn luận, nhiều người lại thể hiện sự ủng hộ với quyết định trên khi nhận thấy rằng đây là điều cần thiết để bảo vệ truyền thống và chuẩn mực.

Một số khác cho rằng, chính phủ cần linh hoạt hơn trong vấn đề kiểm duyệt nội dung cũng như nhận thức của người xem, vì ở một quốc gia rộng lớn, đa dạng về tôn giáo và ngôn ngữ như Ấn Độ thì không thể làm hài lòng tất cả mọi người.

Bất chấp những tranh cãi, báo cáo tháng 10/2020 của tổ chức PricewaterhouseCoopers cho hay, Ấn Độ là một quốc gia có tiềm năng lớn đối với các nền tảng OTT trên toàn cầu và sẽ trở thành thị trường lớn thứ sáu thế giới vào năm 2024, vượt qua Hàn Quốc, Đức và Australia. Dự kiến, tỷ lệ đăng ký video theo yêu cầu sẽ tăng với tỷ lệ gộp 30,7% hàng năm, từ 708 triệu USD vào năm 2019 lên 2,7 tỷ USD vào năm 2024.

Vineeta Dwivedi, cựu Giám đốc điều hành của công ty phân phối rạp chiếu phim kỹ thuật số KSS và hiện đang giảng dạy tại Viện Nghiên cứu và Quản lý SP Jain tin rằng, các phim trên nền tảng trực tuyến ít nhiều cũng nhấn mạnh những góc khuất của xã hội Ấn Độ như phân biệt đẳng cấp, phụ nữ, hay tệ nạn, tham nhũng.

Bà hy vọng rằng, với những biện pháp kiểm duyệt linh hoạt và hiệu quả hơn, các phim trên nền tảng OTT vẫn có thể được duy trì và sẽ là bước đệm đưa phim ảnh Ấn Độ ra với công chúng trên thế giới.

Vinh Quang

(theo Nikkei Asia)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/amazon-netflix-va-van-de-kiem-duyet-tai-an-do-142371.html