'Án binh bất động': Chiến thuật an toàn trên thị trường chứng khoán

Theo Công ty cổ phần chứng khoán FPT - FPTS, với những dấu hiệu chững lại trên thị trường chứng khoán, việc nâng cao tỷ trọng tiền mặt đối với những mã không có cơ bản hỗ trợ hoặc phương án “án binh bất động” vẫn là chiến thuật được ưu tiên trong giai đoạn này.

Các chỉ số chứng khoán lại biến động khó lường

Trải qua một tuần trầm lắng với những thông tin kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán trong nước đã giao dịch không mấy tích cực. Các chỉ số trên cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM lại diễn ra trái chiều tăng, giảm khi kết thúc tuần làm việc.

Theo đó, khởi động phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán trên cả hai sàn diễn ra ảm đảm, với lượng cổ phiếu đi xuống chiếm áp đảo. Xu hướng bán tháo liên tục gia tăng trên sàn cho đến cuối buổi làm việc. Chốt phiên làm việc đầu tuần, cả hai chỉ số Vn-Index và HNX-Index đã chìm trong sắc đỏ.

Đà đi xuống đã nhanh chóng chấm dứt khi thị trường bước sang các phiên tiếp theo trong tuần, khi lực bắt đáy xuất hiện. Tuy nhiên, khoảng cách tăng điểm giữ ở biên độ khá hẹp, giao dịch ảm đạm với sự thận trọng được thể hiện rõ cả bên mua và bên bán, khiến thanh khoản sụt giảm mạnh.

Thị trường trên sàn TP.HCM và Hà Nội đã duy trì đà tăng nhẹ trong 3 phiên liên tiếp trong tuần, nhờ lực đỡ của các cổ phiếu trụ cột trên sàn.

Tuy vậy, trong phiên cuối tuần, các chỉ số lại lộn nhào đi xuống, áp lực bán bất ngờ gia tăng kéo các cổ phiếu trên sàn nhanh chóng đi xuống, trong đó có nhiều mã lớn đóng vai trò trụ cột trên sàn.

Như vậy, thị trường chứng khoán đã có 3 phiên tăng nhẹ liên tiếp và 2 phiên giảm. Tính chung cả tuần, chỉ số Vn-Index đã tăng nhẹ 0,24% đứng tại 777,60 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa tuần với mức giảm 1,13% khi đang dừng ở mức 100,43 điểm.

Trong khi đó, thanh khoản trên cả hai sàn đồng lại sụt giảm. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn TP.HCM đạt 188,62 triệu đơn vị/phiên giảm 10,34% so với tuần giao dịch trước. Cùng với đó, sàn Hà Nội cũng chỉ đạt 66,9 triệu cổ phiếu/phiên giảm 13,18%.

Với 3 phiên liên tiếp trong tuần, thị trường chứng khoán đã khép lại với nhiều cổ phiếu tăng khá, với mức cao nhất lên tới hơn 40% giá trị.

Theo đó, tại sàn TP.HCM, cổ phiếu tăng mạnh nhất là HAR với mức 40%; tiếp đến là HAI 39,6%; với mức tăng thấp hơn là RDP với gần 23%; APG tăng 20%...

Bên sàn Hà Nội, cổ phiếu tăng mạnh nhất là HLC với mức gần 43%; đứng tiếp sau là SDE với mức tăng 40%; KST tăng gần 28%...

Hạn chế việc mua đuổi giá trong các phiên tới

Sau một tuần giao dịch trầm lắng, thị trường chứng khoán được nhận định sẽ còn nhiều biến động. Vì vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị tránh đẩy tỷ trọng lên mức cao, tiếp tục chờ đợi cho tới khi rủi ro tiếp tục điều chỉnh được hoàn toàn loại bỏ.

Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC, đà suy giảm của biên độ dao động cho thấy thị trường có thể sẽ bắt đầu xu hướng vận động ngang.

BSC dự kiến thị trường sẽ tiếp tục vận động ngắn hạn trong vùng giá 775-780 điểm và có thể sẽ đột phá ngưỡng 780 điểm, nếu được thanh khoản hỗ trợ trong các phiên giao dịch tiếp theo.

Trong khi đó, theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt – VCSC, hiện chỉ số Vn-Index vẫn duy trì tín hiệu tích cực, trong khi đó tín hiệu của VN30 và HNX-Index đang ở mức trung tính. Khối lượng giao dịch hai sàn dù gia tăng trong phiên cuối tuần, những vẫn thấp hơn mức bình quân nhiều phiên trước đó, cho thấy cả bên mua và bán cũng đang lưỡng lự và chưa có những phản ứng quyết liệt. Trong bối cảnh như vậy, các cổ phiếu vốn hóa lớn có thể tiếp tục chi phối diễn biến của Vn-Index.

Theo dự báo của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt, thị trường có thể tăng trở lại vào tuần này, tiếp tục kịch bản tăng nhẹ và khối lượng không cao. Sự phân hóa mạnh có thể diễn ra theo kết quả kinh doanh quý 2 và chỉ số Vn-Index vẫn có cơ hội tiến gần với ngưỡng cản trung hạn tại 790 điểm trước khi giảm trở lại.

Còn theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt – VDSC và Công ty cổ phần chứng khoán FPT - FPTS, thị trường duy trì đà hồi phục tiến lên gần vùng đỉnh cũ, điều này có thể khiến áp lục bán gia tăng mạnh hơn trong phiên tới. Vì vậy nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát thêm diễn biến thị trường và giữ danh mục ở mức hợp lý, hạn chế việc mua đuổi giá trong phiên tới và chốt lời khi đạt kỳ vọng.

Ngoài ra, với những dấu hiệu chững lại trên chỉ số Vn-Index, việc nâng cao tỷ trọng tiền mặt đối với những mã không có cơ bản hỗ trợ hoặc phương án “án binh bất động” vẫn là chiến thuật được ưu tiên trong giai đoạn này.

Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201707/an-binh-bat-dong-chien-thuat-an-toan-tren-thi-truong-chung-khoan-573991/