'Ăn cắp' và trả lại

Giữa năm 1968, giặc Mỹ tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc. Mới chừng được 5 ngày, tại các khu vực trung tâm tỉnh Quảng Bình người người ồn ào, náo nức hơn cả những ngày hội.

Bộ đội, TNXP, công nhân, quốc phòng và thanh niên, dân quân nam nữ địa phương đã tấp nập tại các bến cảng, nhà ga, sân bay…. đông đúc nhộn nhịp. Để tranh thủ chuyển tải hàng hóa, từ tàu thủy, sà lan thuyền máy ngoài biển vào; trên goòng (ô tô ray) xuống. Các loại hàng đều từ miền Bắc vào. Là hàng quốc phòng gồm lương thực, thực phẩm, nào vũ khí, quân nhu, xăng dầu...,. Có nhãn hiệu của các nước Liên xô, Trung Quốc, Triều Tiên và các nước khác giúp đỡ Việt Nam. Bạt ngàn những bãi hàng khổng lồ. Có đống che đầy cẩn thận, nhiều bài hàng sắp xếp thứ tự rồi chờ ô tô chở tuồn chạy vào dãy Trường Sơn theo các trục đường 12- 20-16... lên phía tây nam miền Trung Việt Nam. Nhiều đóng hàng chẳng kịp che đậy gì cả. Không thấy một ai bảo vệ. Vì không có người ăn cắp. Hình như toàn bộ mỗi công dân đều là chủ nhân của các loại hàng đó. Tất cả những người già, trẻ nhỏ ở các làng xã đều sơ tán trước đó vào rừng sâu, núi cao chưa thấy một ai về.

Tác giả CCB Đặng Sỹ Ngọc (bên phải). Ảnh do tác giả cung cấp.

Tiểu đoàn pháo phòng không 15 thuộc E214 của chúng tôi được bố trí nhiều trận địa quanh đó để cơ động bảo vệ giao thông, nam bắc Sông Gianh, sân bay, nhà ga kho tàng... Đại đội 10D15 chúng tôi từng chiến đấu lâu dài ở các yếu địa trên địa bàn Quân khu 4, cũng từng chịu nhiều tổn thất về người và phương tiện. Các thứ lương thực thực phẩm đã chịu sự giảm dần dành cho miền Nam ruột thịt. Khổ lắm, khi phải chịu đựng nắng mưa bằng bạt che pháo đã rách, bạt che lán là mái nhà cũng bị rách nát do bom đạn đánh vào trận địa. Anh em phải tổ chức khâu vá để che đậy từng mảng. Nắng thì nóng, mưa thì dột, ướt như chuột. Mỗi tiểu đội có 4 tấm ván. Trải dưới tầng âm ngay sát mâm pháo, rồi ngụy trang phía trên. Anh em sinh hoạt, ăn ngủ và sẵn sàng chiến đấu trong đó. Chờ mãi vẫn chưa được Quân nhu cấp trên bổ sung.

Trận địa đại đội đóng cách ga Đồng Hới chừng 1,5 km. Anh Tiếp quê Hà Nam là tiểu đội trưởng phát hiện trong một kho hàng có rất nhiều tăng bạt mới từ ô tô ray (Goòng) đã bốc xuống. Anh bảo tôi và anh Đoài (quê Quảng Bình đã lớn tuổi) đến kho bạt ấy. Tìm cách lấy trộm một cái về để che nắng che mưa cho tiểu đội. Tôi và anh Đoài phấn khởi đi ngay. Đến kho hàng không thấy ai trông nom cả. Hai chúng tôi thấy vô vàn tăng và bạt. Mỗi cái đều phải có bốn người khiêng mới nổi. Chúng tôi phải trở về báo cáo thực trạng. Khi qua kho đường kính loại 50 kg một bao. Anh Đoài bảo tôi vác về cho đại đội hai người hai bao. Không thấy ai phát hiện chúng tôi chạy ào ào.

Đến đại đội các chiến sĩ thấy có đường thì phấn khởi. Anh Tiếp báo cáo chỉ huy đại đội. Sau đó 10 phút chính trị viên Đoàn Ngọc Lĩnh (quê Hải Phòng) đã tới khẩu đội nói ngay.

Ai bảo các đồng chí vác về!. Hãy trả lại ngay cho đồng chí, đồng bào miền Nam.

Hai anh em chúng tôi tái mặt, vội vã vác ngay trả lại vị trí của nó. Cuối năm đó, D15 chuyển sang E284 lên chiến đấu ở Lào. Đồng chí A trưởng Tiếp hy sinh. 10 năm sau ngày thống nhất, tôi đã đến thăm anh Đoàn Ngọc Lĩnh quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Không rõ anh Đoài, anh Lĩnh đến nay có khỏe không - tôi rất muốn được liên lạc.

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/an-cap-va-tra-lai-a18232.html