'An cư, lạc nghiệp' từ những ngôi nhà Đại đoàn kết

Từ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, ngôi nhà ở không che nổi mưa nắng…, được trao tặng ngôi nhà Đại đoàn kết, nhiều hộ nghèo ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã ổn định, tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đại diện Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khánh thành và bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình bà Nguyễn Thị Hoa. Ảnh: Võ Tiến

Đến thăm gia đình anh Hồ Văn Huôn, ở thôn A La, xã Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi được chứng kiến niềm vui của gia đình khi được ở trong ngôi nhà mới. Trong ngôi nhà cấp 4 khang trang, anh Hồ Văn Huôn xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn, phải lo ăn từng bữa, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, phụ thuộc vào thời tiết. Vợ chồng tôi lấy nhau đã gần 10 năm, nhưng vẫn chưa có con, chạy chữa nhiều nơi tốn kém mà vẫn chưa được. Căn nhà trước đây gia đình tôi sống chỉ là ngôi nhà tranh vách đất, không che nổi nắng, mưa... Vừa qua, gia đình được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm hỗ trợ 10 triệu đồng và toàn bộ ngày công xây dựng, nên ngôi nhà mới được khang trang thế này. Vậy là mong ước bấy lâu của gia đình nay đã thành hiện thực”.

Cùng chung niềm vui như anh Hồ Văn Huôn, bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Bình An 1, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, chuẩn bị dọn về ngôi nhà Đại đoàn kết khang trang, rộng rãi. Không giấu nổi niềm vui, vì từ nay sẽ không còn phải ở trong ngôi nhà tạm bợ, chật chội, bà nói: “Gia đình tôi là hộ nghèo. Chồng mất sớm, con cái đã lập gia đình ở xa, cũng không có điều kiện để hỗ trợ nhiều, một thân một mình tôi phải sống trong căn nhà dột nát. Bây giờ, tuổi cao, sức yếu, chẳng thể làm gì được nữa. Được BĐBP Thừa Thiên Huế cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng; con cái và anh em trong nhà giúp đỡ thêm; Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây hỗ trợ tiền và giúp đỡ toàn bộ ngày công xây dựng..., tôi đã có được ngôi nhà. Từ nay, được ở trong nhà mới khang trang, tôi không phải lo lắng mỗi khi mưa gió như ngày xưa nữa”.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: Để việc hỗ trợ được đúng đối tượng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng trực tiếp xuống từng hộ nghèo, thẩm định hiện trạng nhà ở và điều kiện kinh tế để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. “Trong quá trình khảo sát, lập danh sách hỗ trợ, chúng tôi tập trung ưu tiên những đối tượng đặc biệt khó khăn, gia đình neo đơn, gia đình có nhà bị hư hỏng nặng, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Ngoài nguồn kinh phí được Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ, BĐBP tỉnh đã huy động cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng đứng chân tại địa phương giúp đỡ ngày công xây dựng nhà cho bà con. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết mưa nhiều và đường sá vận chuyển vật liệu xa xôi, nhưng các đồn Biên phòng luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhờ đó, đến nay, việc xây dựng 10 ngôi nhà cho bà con đã hoàn tất, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được ở trong căn nhà mới, ổn định cuộc sống” - Thượng tá Phạm Tùng Lâm cho hay.

Ông Nguyễn Văn Chất, Trưởng ban Phong trào, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết thêm: Để có được nguồn hỗ trợ cho các gia đình nghèo sửa chữa, xây dựng nhà ở, hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của quỹ “Vì người nghèo” bằng nhiều hình thức, được đông đảo nhân dân ủng hộ, mang lại những kết quả thiết thực. Năm 2018, hưởng ứng phong trào “Hướng về biên giới, biển đảo”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trích ra 300 triệu đồng từ quỹ “Vì người nghèo”, phối hợp với BĐBP tỉnh xây dựng 10 nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên hai tuyến biên giới của tỉnh. Đây không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần, tạo thêm động lực để hộ nghèo yên tâm, nỗ lực lao động sản xuất, vươn lên cải thiện đời sống.

Võ Tiến

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/an-cu-lac-nghiep-tu-nhung-ngoi-nha-dai-doan-ket/