Ấn Độ đang “hút” các trường đại học nước ngoài

Các trường đại học trên toàn thế giới hiện đang “để mắt” đến việc đầu tư hệ thống giáo dục tại Ấn Độ, thông qua những dự án xây dựng các trường đại học, cao đẳng chất lượng cao, trong cùng thời điểm Ấn Độ cũng đang xúc tiến các kế hoạch tiếp tục mở cửa hệ thống giáo dục tại nước này.

Nội các của Thủ tướng Manmohan Singh đã bật đèn xanh cho các dự án mở cửa giáo dục đại học, dự kiến nó sẽ được thảo luận trong kỳ họp Quốc hội vào tháng tới. Ấn Độ hiện là một trong những nước có dân số trẻ nhất thế giới, với 1/3 dân số dưới 14 tuổi, điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu nâng cao hệ thống giáo dục tại nước này thì kinh tế tại Ấn Độ mới tiếp tục phát triển. Krista Knopper, cố vấn chương trình giáo dục Ấn Độ tại Trường Đại học Hà Lan Maastricht cho rằng, nếu Quốc hội thông qua dự án giáo dục mới, các sinh viên, học sinh sẽ là người hưởng nhiều lợi ích hơn cả. Bà cho biết: “Masstricht khẳng định là đã sẵn sàng đầu tư giáo dục tại Ấn Độ và sẽ bắt đầu bằng việc mở một trường đại học. Đây là thời điểm thích hợp để Ấn Độ phát triển nền giáo dục chất lượng cao”. Trước đó, Chính phủ Ấn Độ cũng đã bật đèn xanh cho nhiều dự án liên kết giáo dục. Năm 2008 là năm chứng kiến sự bùng nổ của việc hợp tác giáo dục tại nước này. Thống kê cho thấy, có đến 130 trường đại học quốc tế đã “bắt tay” với các trường đại học Ấn Độ. Ví dụ như các trường ĐH Harvard, Kellogg, Michigan, Carnegie Mellon, Viện Công nghệ Georgia (Mỹ), rồi Trường Grenoble Ecole de Management (Pháp), Trường Aston Business School (Anh). Dù cho khác nhau về phương pháp hợp tác hoặc phương pháp giảng dạy, tất cả các trường đại học nước ngoài đều cố gắng đáp ứng một nhu cầu lớn nhất của các sinh viên Ấn Độ: có được bằng cấp của nước ngoài mà không phải chi trả những khoản chi phí khổng lồ như khi du học nước ngoài. Bộ trưởng Chính phủ Kapil Sibal cho rằng, hiện nay lợi thế đang nghiêng về các trường đại học nước ngoài, nhưng các trường cần phải chờ thêm ít nhất là 10 năm nữa để số lượng sinh viên muốn học nền giáo dục chất lượng cao tăng lên 30% so với con số 12% như hiện nay. Trong nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ đã chứng kiến hiện tượng “chảy máu chất xám”, các sinh viên ưu tú sau khi đến nước ngoài tu nghiệp đã “một đi không trở lại”. Chỉ có rất ít một số người quay về phục vụ đất nước. Trong số đó có Thủ tướng đầu tiên tại Ấn Độ Jawarharlal Nehru, Indira Gandhi, Rajiv Gandhi và Manmohan Singh, từng tu nghiệp tại nhiều trường đại học nổi tiếng như Cambridge, Oxford ở Anh. Say mê bằng cấp nước ngoài và coi đó là một “hộ chiếu” tìm được việc ở nước ngoài để có cuộc sống tốt đẹp, trong nhiều năm nay, sinh viên Ấn Độ ồ ạt đi du học, đặc biệt là tới nước Mỹ. Lý do là nền giáo dục trong nước đã thật sự không làm thỏa mãn “cơn khát tri thức” của họ. Hiện đang có 100.000 sinh viên Ấn Độ du học tại Mỹ và con số này tại các quốc gia khác là 60.000 người, mỗi năm SV nước này phải tiêu hơn 4 tỷ USD cho việc du học. Tuy có nhiều nhận định rằng, nền giáo dục của Ấn Độ đã “mở cửa”, một giai đoạn mới đang bắt đầu cho ngành giáo dục nước này khi chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện cho các trường đại học nước ngoài, thì kế hoạch trên cũng vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ thuộc đảng BJP đối lập. BJP cho rằng, kế hoạch này chỉ phục vụ lợi ích cho những đối tượng giàu có trong xã hội và chưa rõ nó sẽ mang lại hiệu quả đến đâu. Nhưng dù sao đi nữa, việc mở cửa tri thức cũng thật sự là việc làm cần thiết, nhất là tại Ấn Độ, đất nước đang có nền giáo dục vốn được coi là chưa xứng tầm so với nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh. Thanh Hằng

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thegioi/2010/3/221835/