Ấn Độ đầu tư 29 triệu USD mua tên lửa chống tăng

Để đối phó với những tình huống quân sự khẩn cấp, Ấn Độ đã ra lệnh trang bị cho phi đội trực thăn tấn công Mi-35 của mình các tên lửa chống tăng do Nga sản xuất. Thỏa thuận này đã được chính thức hóa trong khuôn khổ các chương trình mua vũ khí New Delhi nhằm mục đích răn đe Pakistan.

Ảnh: Topwar.ru

Theo hãng tin ANI, chi phí giao dịch của thương vụ này lên tới khoảng 29 triệu USD. Việc thúc đẩy thỏa thuận trở nên khả thi nhờ một nghị định mới, giúp hỗ trợ đáng kể cho việc mua lại vũ khí.

Theo một nguồn tin trong chính phủ Ấn Độ, việc mua lại các hệ thống tên lửa chống tăng Ataka đã được ký kết với Nga để chống lại những tình huống khẩn cấp trong phòng thủ. Dự kiến các tên lửa sẽ được giao trong vòng ba tháng sau khi hai nước ký kết thỏa thuận.

Được biết, Ataka (NATO định danh là AT-9 Spiral-2) là tên lửa chống tăng dẫn đường với hệ thống điều khiển điện tử, phát triển trên cơ sở tổ hợp tên lửa Storm, nhằm chống các mục tiêu bọc thép, bay chậm, cũng như tiêu diệt quân lực, hỏa lực đối phương.

Các tên lửa chống tăng Ataka được trang bị trên trực thăng Mi-28N của Nga. Ảnh: plo.vn

Ataka có thể lắp nhiều loại đầu đạn: đạn chống tăng kiểu tandem (2 đầu nổ công phá giáp ERA); đạn nhiệt áp dùng để tấn công công trình kiên cố, boongke và đạn đặc biệt có thể hạ được cả trực thăng.

Tên lửa Ataka nặng 49,5kg, dài 1,83m, đường kính 130mm.

Ataka được lắp đặt trên trên các loại trực thăng Mi-24V, Mi-28, Mi-8AMTS, Ka-29 và các loại xe chiến đấu khác 9P149 và 9P149M thuộc tổ hợp 9K132 Storm-SM, các tàu tuần tra thuộc dự án Mirage.

Tầm bắn tối đa dành cho các tổ hợp trên bộ từ 1.000 m đến 5.500 m, phóng từ máy bay trực thăng lên đến 10.000 m.

Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố, rằng sẽ mua thêm 100 viên đạn "thông minh" với giá khoảng 43,2 triệu USD từ Israel. Chúng được sử dụng trong cuộc tấn công vào vị trí của các nhóm khủng bố Pakistan. Tuy nhiên, thỏa thuận này có thực sự được xúc tiến hay không hiện vẫn chưa rõ.

Trước đó, hồi tháng 4, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ‘mua khẩn cấp’ 240 tên lửa chống tăng Spike và 12 bệ phóng từ Hệ thống phòng thủ tiên tiến Rafael của Israel sau xung đột diễn ra vào tháng 2 ở biên giới Pakistan.

Theo một điều khoản khẩn cấp đặc biệt, Phó Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ, Trung tướng Devraj Anbu có quyền phê duyệt khoản ngân sách trị giá 71,8 triệu USD để mua vũ khí mà không cần sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng. Do đó, ông Anbu đã quyết định sử dụng ngân sách này để mua các tên lửa chống tăng dẫn đường sau khi Ấn Độ và rơi vào vòng xoáy căng thẳng với Pakistan từ đầu năm nay. Theo ước tính của các chuyên gia, thỏa thuận này có giá trị lên tới hàng chục USD.

Hoài Phương

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/an-do-dau-tu-29-trieu-usd-mua-ten-lua-chong-tang-81255.html