Ấn Độ dọa thay đổi chính sách 'không sử dụng hạt nhân trước'

Hôm 16-8, NDTV đưa tin chính quyền Ấn Độ 'đánh tiếng' rằng trước giờ họ luôn cẩn trọng theo đuổi chính sách 'không sử dụng hạt nhân trước', tức khi nào bị kẻ thù tấn công trước bằng hạt nhân vào lãnh thổ, họ mới sử dụng loại vũ khí này để đáp trả lại.

Tuy nhiên tình hình nay đã khác khi căng thẳng với nước láng giềng Pakistan leo thang trong thời gian gần đây quanh tranh chấp tại khu vực Kasmir, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ - Rajnath Singh lại nói úp mở rằng chính sách theo đuổi bấy lâu giờ còn phải “phụ thuộc vào hoàn cảnh”. Ông nói: “Những gì xảy ra trong tương lai còn tùy thuộc vào hoàn cảnh”.

Vị bộ trưởng đưa ra cảnh báo trên khi có bài phát biểu tại Pokhran, một địa điểm quân sự nơi Ấn Độ từng tổ chức các hoạt động phục vụ cho những vụ thử hạt nhân vào các năm 1974 và 1998.

Việc Ấn Độ thiết quân luật trong thời gian gần đây tại bang Jammu và Kashmi đã làm dấy lên căng thẳng với nước láng giềng Pakistan.

Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Agni II của Ấn Độ - Ảnh: REUTERS/Kamal Kishore

Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Agni II của Ấn Độ - Ảnh: REUTERS/Kamal Kishore

Năm 1947, sau đi độc lập khỏi Anh, trong bối cảnh một đất nước đa số là người theo Hindu giáo như Ấn Độ, phần quản lý của nước này ở khu vực Kashmir lại có đông đảo người theo Hồi giáo. Để khu vực này không nổi loạn, điều 370 đã được thêm vào hiến pháp Ấn Độ, trong đó bảo vệ quyền lợi của các cư dân theo Hồi giáo thiểu số ở đây.

Điều 370 cho bang Jammu và Kashmir những quyền đặc biệt như có hiến pháp vùng riêng, cờ và quyền tự trị đối với hầu hết các vấn đề, chỉ chừa lại cho chính quyền trung ương ở New Delhi quyền quốc phòng và đối ngoại cho khu vực này.

Nhưng chính quyền Modi gần đây đã rút lại điều 370 này tức thay đổi quy chế tự trị của bang, cho New Delhi quyền kiểm soát và quyết định nhiều hơn nhiều vấn đề trong khu vực này, đồng thời cũng tiến tới thay đổi đơn vị hành chính của bang.

Khu vực Kashmir có một phần do Pakistan quản lý, một phần do Ấn Độ quản lý và phần còn lại với diện tích nhỏ hơn do Trung Quốc quản lý. Nằm ở ngã ba giao thương giữa 3 nước, mỗi bên đều tuyên bố chủ quyền lên toàn khu vực, biến nó trở thành điểm nóng tranh chấp dai dẳng giữa 3 nước này.

Pakistan đã lên án các động thái đưa quân đến khu vực này của Ấn Độ.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/cang-thang-voi-pakistan-an-do-doa-thay-doi-chinh-sach-khong-su-dung-hat-nhan-truoc_78631.html