Ấn Độ hướng về xe tăng Arjun

Bước ngoặt bất ngờ

Binh chủng bộ binh Ấn Độ bất ngờ thay đổi quan điểm, hướng tới chiếc Arjun do nước này sản xuất khi đặt hàng của DRDO. Lãnh đạo bộ binh Ấn Độ cho biết: nếu các cuộc thử nghiệm Arjun Mark II - bắt đầu từ mùa hè 2011 thành công - thì sẽ đặt hàng thêm loại tăng này. Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã đồng ý về việc mua Arjun Mark và chỉ thị cho Hội đồng công nghiệp quốc phòng (OFB) soạn thảo hợp đồng để ký kết với DRDO. Nếu không có thay đổi lớn gì, hợp đồng sẽ được ký vào cuối năm 2011.

Nếu tính giá 190 triệu rupee/chiếc Arjun Mark II, tổng giá trị hợp đồng nêu trên sẽ là 47,1 tỉ rupee (tương đương 1,05 tỉ USD). Tuy thế, con số này không được Bộ Quốc phòng Ấn Độ và DRDO cùng binh chủng bộ binh xác nhận. Hiện một chiếc Arjun Mk.I có giá thị trường là 172 triệu rupee.

Loại tăng Arjun đang được thử nghiệm trong mùa hè 2011

Việc thiết kế Arjun Mk.I được bắt đầu từ năm 1974 và đến đầu thập niên 1990 chiếc tăng này đã được sản xuất. Tuy thế, nó lại không được tiếp nhận vào quân đội Ấn Độ. Vấn đề là ở chỗ, trong nhiều cuộc thử nghiệm, Arjun Mk.I bộc lộ nhiều hạn chế về kỹ thuật nếu không muốn nói là sai sót.

Theo kế hoạch ban đầu, Ấn Độ muốn sản xuất Arjun để thay thế loại tăng T-55 do Liên Xô sản xuất vốn đã cũ kỹ (hiện trong quân đội Ấn Độ vẫn còn 550 chiếc tăng T-55 và 1.925 chiếc T-72). Nhưng vào đầu những năm 2000, sau hàng loạt các thử nghiệm bất thành, số lượng Arjun được đặt hàng giảm xuống khá nhiều. Và vài năm sau đó, lực lượng bộ binh chỉ ký hợp đồng với DRDO mua 124 chiếc Arjun. Loại chủ chốt của lực lượng bộ binh vẫn là tăng T-90 do Nga sản xuất và Ấn Độ có kế hoạch sở hữu 1.657 chiếc tăng loại này.

Số phận của dự án Arjun Mk.I được quyết định vào tháng 3.2010, khi Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiến hành thử nghiệm so sánh nó với tăng T-90. Các thông tin chính thức về cuộc thử nghiệm không được công bố chính thức, nhưng báo chí Ấn Độ cho rằng, Arjun vượt trội so với T-90. Vào đầu năm 2011, Bộ Quốc phòng Ấn Độ ra bản thông cáo báo chí ngắn gọn cho biết Arjun đã chứng tỏ tính hiệu quả của mình.

Bản thông cáo báo chí viết: "Sau nhiều năm thử nghiệm, chiếc tăng đã chứng minh giá trị của mình khi thực hiện vượt trội với các nhiệm vụ đặt ra trong nhiều điều kiện khác nhau, trong việc phát hiện, dò tìm và bắn chính xác vào mục tiêu di động cũng như mục tiêu cố định. Hỏa lực vượt trội của Arjun đảm bảo bắn chính xác và nhanh vào mục tiêu cả ban ngày lẫn ban đêm trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào". Không có dòng nào nói về việc chiếc T-90 cũng được đem ra thử nghiệm.

Arjun tham gia diễu binh tại Ấn Độ - Ảnh Wikipedia

Tiến tới tương lai

Vài thông số kỹ thuật của Arjun

Chiếc tăng này trọng lượng 58,5 tấn, có khả năng di chuyển với vận tốc 72 km/giờ trên đường phẳng và 40 km/giờ trên địa hình gập ghềnh. Arjun có hệ thống dẫn đường bằng laser, thiết bị quan sát ban đêm. Vũ khí cơ bản của loại tăng này là pháo 120 ly, ngoài ra còn trang bị đại liên 12,7 ly và 7,62 ly, hỏa tiễn chống tăng. Loại Arjun cải tiến có khả năng dùng pháo để bắn hỏa tiễn chống tăng, hệ thống dẫn đường mới, nâng cấp thiết bị quan sát ban đêm và hệ thống liên lạc. Arjun Mk.II sẽ có 90% trang thiết bị do Ấn Độ sản xuất.

Những cuộc thử nghiệm thành công đã mở đường cho Arjun tiến về phía trước, khi 124 chiếc đã được đặt mua và DRDO tuyên bố sẽ tiếp tục hoàn thiện loại tăng này. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác khiến Ấn Độ hướng về sản xuất vũ khí nội địa là do việc sản xuất T-90 theo giấy phép nhượng quyền có những khó khăn về chuyển giao công nghệ sản xuất từ phía Nga.

Một yếu tố đáng chú ý là vào tháng 5.2011, Bộ Quốc phòng Ấn Độ quyết định sẽ nâng cấp toàn bộ số tăng của mình. Trong đó có cả loại T-55 (sẽ lắp mới loại pháo 105 ly, bình nhiên liệu mới và bộ xích mới). Còn T-72 sẽ được thay thế động cơ mới mạnh hàng ngàn mã lực, hệ thống thông tin hiện đại và hệ thống chỉ huy mới. Việc hiện thực hóa chương trình sẽ giúp Ấn Độ hoàn thành hệ thống tự động hóa chỉ huy quốc phòng. Loại T-90 sẽ được trang bị thêm hệ thống thấu kính ngắm bắn phục vụ các chiến dịch tiến hành vào ban đêm.

Nhờ vậy, lực lượng tăng Ấn Độ có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ trong khi chờ đợi được cung cấp các loại tăng T-90S và T-90M đã đặt mua trước đó và cả những chiếc Arjun. Các loại T-90 theo kế hoạch sẽ được chuyển giao hoàn tất vào năm 2020, còn năm 2014, Arjun Mk.II sẽ được biên chế vào quân đội.

Ngoài số tăng T-55 và T-72 như đã nêu, Ấn Độ hiện có 620 chiếc T-90 và 169 chiếc Arjun Mk.I. Vào đầu năm 2010, các chuyên gia của Công ty kiểm toán KPMG và Hiệp hội công nghiệp Ấn Độ (CII) công bố báo cáo cho thấy gần một nửa vũ khí khí tài của nước này đã bị lạc hậu, già cỗi. Trong đó 80% số xe tăng không được trang bị hệ thống thấu kính ban đêm. Như vậy, trong tương lai toàn bộ số tăng T-55 và T-72 sẽ được thay thế bằng loại Arjun Mk.II và "chiếc tăng của tương lai" FMBT (Futuristic Main Battle Tank).

Theo số liệu của DRDO sau khi nhận bổ sung 248 Arjun Mk.II theo đơn đặt hàng, kế hoạch thay thế sẽ tiến thêm một bước trong hiện thực hóa việc thay thế tăng loại mới. Hợp đồng mới trước mắt cho phép Nhà máy quốc phòng Heavy Vehicles Factory tại thành phố Avadi không phải đóng cửa mà còn có thêm tài chính để hoàn thiện chiếc Arjun Mk.II và bắt tay vào dự án FMBT. Cũng cần nói thêm "chiếc tăng của tương lai" FMBT theo dự kiến nặng không quá 40 tấn, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất như công nghệ tàng hình, tự động dò bom mìn… và có pháo 125 ly có thể sử dụng cho cả loại hỏa tiễn chống tăng.

DRDO đang hy vọng sẽ bắt đầu triển khai dự án FMBT vào năm 2012. Bộ Quốc phòng Ấn Độ dự kiến "chiếc tăng của tương lai" cần phải biên chế vào quân đội nước này từ năm 2020. Đấy là về lý thuyết, còn trên thực tế hiện một số yêu cầu cao đối với loại tăng này đang là lực cản để tiến hành thiết kế, sản xuất nó. Như vậy, T-55, T-72 và T-90 trong một thời gian khá dài nữa vẫn đóng vai trò chủ chốt của lực lượng bộ binh Ấn Độ.

Ngữ Tử Yên

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20110723/an-do-huong-ve-xe-tang-arjun.aspx