Ấn Độ khó 'kết đôi' với Mỹ vì bị 'người nhà' phản đối

Mong muốn thắt chặt quan hệ với New Delhi của Washington đang gặp quá nhiều trở ngại đến từ các phe phái ở Ấn Độ.

Mỹ - Ấn - Nhật bắt tay bảo vệ châu Á - Thái Bình Dương

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mới đây thúc giục New Delhi tăng cường vai trò của mình tại châu Á, đồng thời gợi ý Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ nên hợp tác chặt chẽ hơn nữa.

Thực tế thời gian gần đây quan hệ Mỹ - Ấn cũng có nhiều bước tiến nhưng dường như những động thái đó đang bị hiểu lầm là biểu hiện của mối quan hệ chiến lược vững bền.

Rõ ràng là để tiến tới cấp độ quan hệ đó, cả New Delhi và Washington sẽ phải vượt qua không ít thách thức, đặc biệt là những khó khăn đến từ nội bộ Ấn Độ.

Nỗ lực thắt chặt quan hệ Mỹ - Ấn Độ gặp nhiều trở ngại. Ảnh: defensestudies.

Những tín đồ Hindu có quan điểm chống Mỹ trong chính trường Ấn Độ rõ ràng có nhiều lý do để cản trở Mỹ - Ấn thắt chặt tình thân. Nhóm này cho rằng, với vai trò lãnh đạo phương Tây theo đạo Cơ đốc, Mỹ đang có tâm địa triệt phá "chủ nghĩa Hindu" tại Ấn Độ thông qua hoạt động của các cơ quan viện trợ và tổ chức phi Chính phủ, vốn được coi là những vỏ bọc truyền thống của nhiều tổ chức phương Tây.

Những người này còn cáo buộc nhiều nhà thờ của Mỹ tài trợ cho các tổ chức khủng bố tại khu vực Đông Bắc Ấn Độ.

Bên cạnh đó, những người theo chủ nghĩa "đa cảm" tại Ấn Độ cũng kịch liệt phản đối việc New Delhi thúc đẩy quan hệ với Washington. Nhóm này khẳng định, không thể có chuyện đây sẽ là mối quan hệ bình đẳng giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới.

Theo họ, thái độ coi thường người Ấn tại các sân bay Mỹ hay việc Washington thiếu nhiệt tình trong việc ủng hộ New Delhi tại các diễn đàn quốc tế có thể coi là một sự xúc phạm quốc thể và là minh chứng rõ ràng nhất cho sự bất bình đẳng trong mối quan hệ song phương này.

Không chỉ vậy, nhóm có quan điểm thân Trung Quốc tại Ấn Độ rõ ràng cũng muốn cản trở Washington tiếp cận New Delhi. Những người này cho rằng, Trung Quốc không phải là một quốc gia tư bản và đang nỗ lực giải phóng thế giới thứ 3 khỏi chủ nghĩa thực dân của phương Tây mà Mỹ là đại diện.

Ngoài ra, trong tâm trí họ in sâu khẩu hiệu Ấn Độ và Trung Quốc là những người anh em. Theo họ, New Delhi và Bắc Kinh có thể tạo ra một trật tự thế giới mới có lợi hơn cho đa số những người dân khổ hạnh trên toàn cầu.

Những người thân Bắc Kinh cũng khẳng định, Ấn Độ cần học tập tấm gương của Trung Quốc và cùng nhau hợp tác trong bối cảnh nước Mỹ suy tàn. Vì vậy, họ phản đối bất cứ động thái nào đưa New Delhi lại gần Washington bởi cho rằng, điều này sẽ khiến Bắc Kinh phật lòng và “người bạn” Mỹ nếu muốn cũng khó có thể ra tay cứu giúp một khi Trung Quốc gia tăng căng thẳng dọc biên giới quốc tế tại Himalaya.

Trở ngại cuối cùng và cũng là khó khăn nhất đối với quan hệ Mỹ - Ấn chính là sự phản đối của những người theo chủ nghĩa hiện thực. Những người này cho rằng, thúc đẩy quan hệ với cường quốc vượt trội so với New Delhi này sẽ mang lại hậu quả khôn lường bởi Washington sẽ yêu cầu New Delhi từ bỏ những lợi ích cốt lõi của mình.

Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra bởi Ấn Độ và Mỹ có khá nhiều lợi ích xung đột trong các vấn đề như cách ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, gia công phần mềm, năng lượng hạt nhân, thực phẩm biến đổi gien, nông nghiệp, công nhận nhà nước Palestine, phi hạt nhân hóa Iran và các lệnh trừng phạt với một số chế độ.

Nhóm theo chủ nghĩa hiện thực quả quyết, ngay cả khi giới lãnh đạo hai nước không công khai bày tỏ quan điểm khác biệt, chẳng hạn như trong thỏa thuận hạt nhân thì cách triển khai chính sách của hai nước cũng cho thấy sự lệch pha rõ rệt.

Theo nhóm này, không cớ gì Ấn Độ phải chấp nhận từ bỏ lợi ích chiến lược của mình khi kết thân với Mỹ trong khi chẳng thể chắc chắn sẽ thu lại được những gì.

Ngoài ra, sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ có thể khiến nhiều nước nhìn nhận Ấn Độ với thái độ thù địch, đặc biệt là những quốc gia thuôc khu vực Tây Á. Quan trọng hơn, trong bối cảnh New Delhi đang nỗ lực thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế thì việc kết giao với một cường quốc đang suy tàn có thể coi là một chiến lược không mấy khôn ngoan.

Với không ít thách thức này, quan hệ Mỹ - Ấn sẽ khó có thể tiến xa hơn trong tương lai gần.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/thegioi/An-Do-kho-ket-doi-voi-My-vi-bi-nguoi-nha-phan-doi/201111/180690.datviet