Ấn Độ làm Chủ tịch G20, ưu tiên ứng phó biến đổi khí hậu

Ứng phó biến đổi khí hậu là quan tâm hàng đầu của Ấn Độ khi nước này chính thức là chủ tịch luân phiên của nhóm 20 nền kinh tế lớn của thế giới trong năm 2023, kể từ ngày 1.12.

Các chuyên gia nói ở vai trò Chủ tịch G20, Ấn Độ sẽ chú ý các vấn đề chính như tung ra những chương trình khuyến khích lối sống bền vững, cấp kinh phí cho các nước chuyển đổi sang năng lượng xanh và đối phó các tác dộng của tình trạng Trái đất nóng lên.

Ấn Độ cũng sẽ là cầu nối giữa quyền lợi của các nước phát triển và các nước đang phát triển. Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ sẽ dùng “sân khấu lớn” của vai trò Chủ tịch G20 để thúc đẩy các kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển.

“Ấn Độ sẽ rất chú trọng xử lý những thách thức hiện nay và tương lai gây ra bởi sự biến đổi khí hậu”, theo Samir Sarin, Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu quan sát viên (ORF) một tổ chức nghiên cứu đặt trụ sở ở New Delhi.

Sarin nói Ấn Độ sẽ làm việc để bảo đảm dòng tiền viện trợ từ các nước giàu công nghiệp sang các nền kinh tế đang nổi để giúp họ chống tình trạng Trái đất nóng dần lên. Các nước giàu vẫn chưa được thực hiện đầy đủ cam kết mỗi năm cấp 100 tỉ USD cho các nước nghèo phát triển năng lượng sạch và thích ứng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, họ vừa có thêm lời hứa sẽ lập một quỹ bồi thường thiệt hại và mất mát cho các nước bị tổn thương bởi tình trạng khí hậu khắc nghiệt. Lời hứa này có từ Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập hồi tháng 11.

Ông Sarin nói thêm rằng Ấn Độ cũng sẽ dùng vai trò Chủ tịch G20 để thúc đẩy chương trình trọng điểm Lối sống vì môi trường toàn cầu (Mission LIFE) nhằm khuyến khích bảo vệ và giữ gìn môi trường tại Ấn Độ.

Chương trình tiến hành theo ba hướng: khuyến khích toàn dân có những hành động thân thiện với môi trường một cách đơn giản và thiết thực ngay trong cuộc sống hàng ngày; khuyến khích các công ty và thị trường ứng phó nhanh chóng với nhu cầu đang thay đổi và thứ ba là kêu gọi chính phủ các nước ủng hộ tiêu dùng bền vững.

Khi chính thức nhận vai trò Chủ tịch G20, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quảng bá Mission LIFE rằng chương trình có thể đóng góp lớn “bằng cách chuyển lối sống bền vững thành một phong trào quần chúng lan tỏa”.

Các nhà phân tích cho rằng tham vọng và hành động về khí hậu của các quốc gia - gồm cả Ấn Độ - không phù hợp với mục tiêu nhiệt độ.

Ấn Độ đã có những động thái đạt đến mục tiêu kéo giảm biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, nhưng hiện vẫn là một trong những quốc gia hàng đầu về phát thải khí nhà kính khiến Trái đất nóng lên.

Ấn Độ là quốc gia thải phát khí nhà kính nhiều hàng thứ ba thế giới. Hiện tại, nhiên liệu hóa thạch chiếm 59% trong tổng sản lượng điện của Ấn Độ, nhưng mục tiêu dự kiến sẽ giảm còn 31,6% kể từ năm 2030.

Nhiều công ty công nghiệp lớn của Ấn Độ đang đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo trong nước cũng như trên toàn cầu, nhưng chính phủ Ấn Độ cũng đang chuẩn bị đầu tư vào các nhà máy điện chạy bằng than với chi phí 33 tỉ USD trong vòng 4 năm tới.

Tại COP27, Ấn Độ đã đề xuất loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch và nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ tài chính khí hậu toàn cầu. Quốc gia này cho biết họ không thể đạt được các mục tiêu về khí hậu và giảm lượng khí thải carbon dioxide nếu không có thêm nguồn tài chính đáng kể từ các nước giàu có hơn, một tuyên bố mà các quốc gia đó không đồng ý.

Sarin của ORF nói các nước đang phát triển thường bị tính lãi suất cao hơn khi vay từ các tổ chức tài chính toàn cầu. Ông nhận định tái cấu trúc tài chính toàn cầu để làm cho năng lượng tái tạo có giá phải chăng hơn ở các nước đang phát triển là chìa khóa để hạn chế biến đổi khí hậu.

Ý tưởng này gần đây đã thu hút được sự chú ý của các quốc gia phát triển, với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng ủng hộ.

Sarin nói: “Một phần lớn khí thải sẽ đến từ các nước đang phát triển trong tương lai. Nếu chúng ta giúp họ chuyển sang sử dụng năng lượng sạch dễ dàng hơn thì những khí thải này có thể tránh được”.

Bảo Vĩnh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/an-do-lam-chu-tich-g20-uu-tien-ung-pho-bien-doi-khi-hau-190319.html