Ấn Độ lâm nguy, hàng loạt quốc gia tức tốc giải cứu

Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Pakistan và Singapore đồng loạt gửi các thiết bị y tế đến Ấn Độ nhằm hỗ trợ nước này đối phó với làn sóng Covid-19 thứ hai.

Ấn Độ ngày 26/4 ghi nhận thêm 352.991 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ, cùng 2.812 ca tử vong. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp nước này ghi nhận số ca Covid-19 ở mức trên 300.000, đồng thời cũng là ngày có số người tử vong vì Covid-19 cao nhất từ trước tới nay ở quốc gia Nam Á.

Làn sóng thứ hai ở Ấn Độ - được gọi là "sóng thần" Covid-19 - bắt đầu vào tháng 3, đã leo thang nhanh chóng. Chỉ trong ba ngày qua, nước này đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc mới. Hình ảnh những bệnh viện quá tải, nhà xác và bãi hỏa thiêu chồng chất tử thi, hay câu chuyện những bệnh nhân thiệt mạng trước cửa bệnh viện, hay tắt thở chỉ bởi không đủ dưỡng khí, đang khiến cả thế giới choáng váng.

Các quốc gia trên thế giới gấp rút hỗ trợ Ấn Độ giữa lúc quốc gia tỷ dân đối mặt với tình trạng khan hiếm oxy y tế nghiêm trọng.

Mỹ

"Ấn Độ đã gửi các bác sĩ đến Mỹ hỗ trợ khi hệ thống bệnh viện của chúng tôi quá tải trong thời kỳ đầu của đại dịch. Ấn Độ đã hỗ trợ Mỹ trong đợt bùng phát dịch bệnh lần trước, chúng tôi sẽ kiên quyết giúp đỡ Ấn Độ khi họ cần lúc này", Tổng thống Joe Biden viết trên Twiiter hôm 25/4.

Nhà Trắng cho biết họ sẽ ngay lập tức cung cấp nguyên liệu sản xuất vaccine cho các nhà sản xuất vaccine ở Ấn Độ.

Thông tin trên được đưa ra sau khi người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Emily Horne tuyên bố Washington sẽ lập tức cho Ấn Độ tiếp cận một số nguồn nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất vaccine Covishield. Đây là vaccine AstraZeneca được sản xuất ở Ấn Độ.

"Mỹ đang làm việc ngày đêm để triển khai các nguồn lực và vật tư sẵn có", bà Horne cho biết thêm.

Cũng theo người phát ngôn này, bên cạnh nỗ lực thúc đẩy quá trình sản xuất vaccine ngừa Covid-19 ở Ấn Độ, Mỹ còn gửi kèm bộ kit xét nghiệm nhanh và máy thở đến điểm nóng đại dịch này. Mỹ cũng sẽ cung cấp thiết bị y tế và đồ bảo hộ cho Ấn Độ.

Số người chết thực sự ở Ấn Độ có khả năng cao hơn con số do cơ quan chức năng cung cấp. Ảnh: Reuters.

Trước đó, chính quyền Joe Biden đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với nguyên liệu thô. Biện pháp kiểm soát này của Mỹ ban đầu nhằm tăng cường và đảm bảo nguồn cung vaccine nội địa. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vaccine ở Ấn Độ cho rằng điều đó làm chậm quá trình sản xuất vaccine của họ.

Ông Biden từng cho biết Mỹ sẽ không cung cấp vaccine cho các nước khác cho đến khi nước này có đủ nguồn cung trong nước.

Ngày 25/4, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Anthony Fauci, cho biết Mỹ sẽ xem xét hỗ trợ tăng nguồn cung vaccine của Ấn Độ hoặc giúp họ “tự sản xuất vaccine”.

Hiện nay, Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới.

Adar Poonawalla, giám đốc điều hành Viện huyết thanh Ấn Độ, đã kêu gọi ông Biden dỡ bỏ các hạn chế đối với nguồn cung cấp cần thiết cho sản xuất vào tháng 4.

“Tôi đề nghị chính quyền Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu nguyên liệu thô ra khỏi Mỹ. Điều này giúp việc sản xuất vaccine nhanh chóng hơn”, ông Poonawalla chia sẻ trên Twitter.

Ngoài ra, giới chức trách tại thủ đô Washington cũng bị chỉ trích vì trì hoãn quyết định gửi liều lượng vaccine dư thừa ra nước ngoài. Mỹ có hàng triệu liều vaccine AstraZeneca chưa được sử dụng. Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết Mỹ đang cân nhắc gửi số lượng vaccine này đến Ấn Độ.

Anh

Chính phủ Anh đã bắt đầu gửi máy thở và thiết bị oxy đến Ấn Độ. Cụ thể, gói cứu trợ của Anh bao gồm 495 máy tạo oxy.

Những thiết bị này hỗ trợ lấy oxy từ không khí khi hệ thống bệnh viện hoạt động hết công suất. Ngoài ra, Anh gửi 120 máy thở không xâm lấn và 20 máy thở thủ công.

Tất cả thiết bị cứu trợ dự kiến tới thủ đô New Delhi vào 27/4. Các chuyến hàng tiếp theo sẽ tới Ấn Độ vào cuối tháng 4.

Người dân xếp hàng để được kiểm tra Covid-19 ở Hyderabad, Ấn Độ, vào ngày 25/4. Sự lây nhiễm của virus đã tràn lan các bệnh viện ở các thành phố lớn. Ảnh: Guardian.

Pháp, Đức và nhiều nước châu Âu khác

Pháp có kế hoạch cung cấp oxy và máy thở cho Ấn Độ. Ngày 25/4, tổng thống Pháp cho biết nước này sẽ giúp Ấn Độ đối phó với sự gia tăng kỷ lục về ca nhiễm Covid-19.

Đức cũng sẽ gửi oxy tới Ấn Độ trong những ngày tới. Ngày 25/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết chính phủ Đức chuẩn bị viện trợ khẩn cấp cho Ấn Độ khi nước này đang phải chống chọi với tình trạng số ca nhiễm mới liên tục đạt kỷ lục mới, AFP đưa tin.

“Với người dân Ấn Độ, tôi muốn bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những gì họ đã trải qua. Đây cũng là cuộc chiến của chúng tôi. Đức luôn sẵn sàng sát cánh cùng với Ấn Độ chống lại đại dịch này”, bà Merkel nói.

Một phụ nữ được người thân an ủi sau khi chồng chết vì COVID-19 bên ngoài bệnh viện ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Tại Brussels, Ủy ban châu Âu cho biết họ cũng có kế hoạch gửi oxy và thuốc men hỗ trợ Ấn Độ. Người đứng đầu tổ chức Ursula von der Leyen cho biết tổ chức đang "tổng hợp các nguồn lực để đáp ứng nhanh chóng yêu cầu hỗ trợ của Ấn Độ".

Pakistan

Bất chấp quan hệ giữa hai nước tồn tại nhiều căng thẳng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, Pakistan vẫn đang cung cấp thiết bị và vật tư y tế giúp nước láng giềng. Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã chia sẻ trên Twitter với lời cầu nguyện rằng Ấn Độ sẽ “phục hồi nhanh chóng".

Ngoài ra, tổ chức Edhi của Pakistan cũng đề nghị gửi một đội 50 xe cứu thương đến Ấn Độ.

Singapore

Ngày 25/4, công ty đầu tư nhà nước Singapore Temasek cho biết thiết bị y tế (bao gồm các nguồn cung cấp liên quan đến oxy) rất cần thiết cho Ấn Độ vào lúc này. Các thiết bị hỗ trợ này đang được gửi từ Singapore tới quốc gia Nam Á.

Công ty Temasek cho biết 4 bình oxy đông lạnh (do tập đoàn Tata của Ấn Độ tài trợ) đã hạ cánh tại Ấn Độ vào tối hôm 24/4.

Các bình dưỡng khí đã được máy bay C-17 của Không quân Ấn Độ vận chuyển từ Sân bay Changi của Singapore và đến căn cứ không quân Panagarh ở Tây Bengal của Ấn Độ.

Một bình dưỡng khí đang được nạp vào máy bay của Không quân Ấn Độ. Ảnh: CNA.

Ông Temasek cho biết thêm nhiều vật tư y tế, bao gồm máy tạo oxy và máy thở, sẽ được gửi đến để giúp đỡ "các cộng đồng địa phương đang cần khẩn cấp".

"Lô vật tư y tế đầu tiên sẽ đến Mumbai vào tối 25/4. Chúng sẽ được cung cấp cho các bệnh viện và trung tâm điều trị Covid-19 trên khắp đất nước”, ông Temasek chia sẻ.

Tình hình Ấn Độ lúc này

Tính tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ đã vượt quá 17 triệu, trong đó có 195.123 người tử vong.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thừa nhận nước này đang phải đối mặt với một "cơn bão" dịch bệnh. “Tinh thần của chúng tôi rất cao sau khi xử lý thành công làn sóng đầu tiên. Nhưng cơn bão lần này đã làm rung chuyển đất nước”, ông Modi chia sẻ trong một bài phát biểu trên đài phát thanh vào ngày 25/4.

Sự lây lan nhanh chóng của virus đã khiến các bệnh viện ở thành phố lớn tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu giường và oxy trầm trọng.

Các lò hỏa táng đã phải tăng sức chứa để ứng phó với khủng hoảng. Ảnh: Guardian.

Khu chôn cất ở Delhi không còn chỗ trống với những giàn hỏa táng thắp sáng bầu trời đêm. Tại thành phố Bhopal, số lò hỏa táng đã được tăng lên 50 lò, nhưng thi thể vẫn phải chờ hàng giờ đồng hồ mới tới lượt.

“Virus đang nuốt chửng mọi người như một con quái vật”, Mamtesh Sharma, một quan chức phụ trách lò hỏa táng nói. "Chúng tôi liên tục hỏa táng thi thể ngay khi được chuyển tới. Chúng tôi như thể đang ở giữa chiến trường".

'Người chết cũng không thể ra đi thanh thản ở New Delhi' Ấn Độ đang bị thiếu hụt thiết bị y tế và oxy nghiêm trọng trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 gia tăng quá nhanh. Người nhà bệnh nhân phải chờ đợi mòn mỏi để làm lễ hỏa táng.

Thanh Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-do-lam-nguy-hang-loat-quoc-gia-tuc-toc-giai-cuu-post1208423.html