Ấn Độ: Luật Mỹ không áp dụng ở Ấn!

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman khẳng định sẽ không vì áp lực của Mỹ mà rút thỏa thuận mua năm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf của Nga.

Luật Mỹ chỉ có hiệu lực trong nước Mỹ, không liên quan gì đến Ấn Độ. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman tuyên bố mới đây, bất chấp đe dọa trừng phạt của Mỹ quanh kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman. Ảnh: BUDDYBITS

“Quan hệ quốc phòng của chúng tôi với Nga đã kéo dài hàng thập niên và chúng tôi đã nói điều này với phái đoàn nghị sĩ Mỹ đến thăm Ấn Độ gần đây. Chúng tôi đã nói với phái đoàn nghị sĩ Mỹ rằng đó là luật của Mỹ, không phải luật của Liên Hiệp Quốc” - FirstPost dẫn lời Bộ trưởng Sitharaman nói với báo chí ngày 13-7, ngầm ý nói đến luật liên bang của Mỹ có tên Ngăn chặn các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) có hiệu lực năm 2017.

Theo luật CAATSA, chính phủ Mỹ có quyền trừng phạt các thực thể giao dịch với các công ty lĩnh vực quốc phòng của Nga.

Theo lời bà Sitharaman, đe dọa trừng phạt đơn phương của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến quyết định mua hệ thống S-400 Triumf từ Nga.

Giao dịch đã được Ấn Độ và Nga bắt đầu thương lượng từ nhiều năm trước (năm 2016), trước cả khi Mỹ thực hiện luật CAATSA. Bà Sitharaman cho biết thỏa thuận mua năm hệ thống S-400 Triumf từ Nga trị giá 5,7 tỉ USD gần được thống nhất.

Theo dự tính, thỏa thuận khả năng sẽ được thống nhất trong mùa thu này và sẽ được Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký khi ông Putin sang thăm Ấn Độ tháng 10 tới. Và theo bà Sitharaman, sẽ phải cần khoảng 2,5-4 năm để thực hiện thỏa thuận sau khi ký.

S-400 Triumf là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa đất đối không tiên tiến nhất của Nga hiện nay, có thể bắn tới mục tiêu như máy bay, tên lửa, máy bay không người lái cách tới 400 km. Một đơn vị phòng thủ tên lửa S-400 Triumf gồm tám bệ phóng, 112 tên lửa, bộ phận chỉ huy và xe hỗ trợ. Một đơn vị S-400 Triumf có thể bắn cùng lúc 36 mục tiêu, trong khi bệ phóng có thể phóng cùng lúc ít nhất bốn loại tên lửa đánh chặn phù hợp từng mục tiêu.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf của Nga. Ảnh: BUSINESS TODAY

Theo FirstPost, Ấn Độ muốn mua hệ thống S-400 Triumf nhằm củng cố sức mạnh phòng không, đặc biệt dọc gần 4.000 km biên giới với Trung Quốc.

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất bị Mỹ làm áp lực khi muốn mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf của Nga. Tháng trước, các nghị sĩ Mỹ cũng dọa sẽ trừng phạt và có thể không bán máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này không chịu ngưng kế hoạch mua hệ thống S-400 Triumf của Nga.

Trung Quốc là nước đầu tiên có thỏa thuận mua hệ thống S-400 Triumf của Nga từ năm 2014. Theo Sputnik, Nga đã bắt đầu chuyển giao một số lượng (chưa được rõ) hệ thống S-400 Triumf cho Trung Quốc.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/an-do-luat-my-khong-ap-dung-o-an-782209.html