Ấn Độ mua gấp MiG-35 khi Pakistan nâng cấp JF-17 cực mạnh?

Trong cuộc đối đầu tiêm kích Ấn Độ - Pakistan, phần ưu thế được cho là nghiêng về Islamabad khi họ cung cấp bằng chứng bắn rơi được chiếc MiG-21 Bison.

Tác giả đã bắn hạ tiêm kích hạng nhẹ MiG-21 Bison của Không quân Ấn Độ (IAF) được ghi nhận là JF-17 Thunder - máy bay chiến đấu hạng nhẹ do Trung Quốc và Pakistan hợp tác chế tạo.

Ngoài ra còn có thông tin chưa được kiểm chứng rằng còn 1 chiếc Mirage 2000H nữa của IAF cũng đã bị tiêu diệt.

Để chiếm ưu thế trước JF-17 Pakistan, đã có đề xuất rằng New Delhi cần đưa chiếc HAL Tejas của mình ra tiền tuyến, tuy vậy có vẻ như Ấn Độ chưa dám làm điều này vì tiêm kích nội địa của họ chưa thực sự hoàn thiện.

Bên cạnh đó cũng chưa rõ vì lý do gì mà IAF vẫn chưa điều động MiG-29UPG nâng cấp lên giới tuyến LoC, bởi vì dòng tiêm kích này được đánh giá đủ sức đối đầu JF-17 Pakistan, thậm chí là trội hơn ở nhiều chỉ số kỹ chiến thuật cơ bản.

Radar mảng pha quét chủ động thế hệ mới LKF601E được thiết kế cho tiêm kích hạng nhẹ JF-17

Radar mảng pha quét chủ động thế hệ mới LKF601E được thiết kế cho tiêm kích hạng nhẹ JF-17

Trước nguy cơ bị dàn tiêm kích "Liên hợp quốc" của Ấn Độ áp đảo về chất lượng, Không quân Pakistan (PAF) được cho là đã bắt tay vào kế hoạch nâng cấp tiêm kích JF-17 của họ lên chuẩn Block 3 thông qua việc lắp đặt cho nó khí tài điện tử mới.

Sức mạnh của tiêm kích JF-17 Block 3 nằm ở radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) chế tạo này có mã định danh là LKF601E, nó có trọng lượng rất nhẹ chỉ 145 kg, dễ dàng gắn kết cho tiêm kích JF-17 cũng như nhiều chủng loại chiến đấu cơ khác.

Theo giới thiệu, radar LKF601E hoạt động trên băng tần X với băng thông 3 GHz, nó có khả năng phát hiện mục tiêu là máy bay tiêm kích hạng nhẹ từ cự ly 170 km, theo dõi cùng lúc 15 mục tiêu và điều khiển tên lửa diệt 4 trong số đó.

Ngoài ra radar LKF601E còn có thể lập bản đồ mặt đất cách xa 300 km; nhận diện được tàu chiến có diện tích phản xạ radar 1.000 m2 cách 220 km; thông số trên rõ ràng cực kỳ đáng nể và đã vượt xa cả MiG-29UPG lẫn Mirage 2000 của Ấn Độ.

Ấn Độ sẽ đẩy nhanh gói thầu MMRCA để lựa chọn MiG-35 làm đối trọng JF-17 Block 3?

Trước tình hình trên, biện pháp khả thi nhất đối với Không quân Ấn Độ để đối phó chính là xúc tiến trở lại gói thầu mua 126 tiêm kích đa dụng MMRCA vốn đã bị treo từ vài năm qua để sớm có máy bay sử dụng trong tình hình nóng.

Theo đánh giá từ các chuyên gia quân sự, hai ứng viên sáng giá nhất lúc này là F-21 của Lockheed Martin cùng với MiG-35 của Mikoyan nhưng dòng chiến đấu cơ Nga có nhiều triển vọng thắng cuộc hơn, bởi New Delhi không muốn lựa chọn F-21 (dẫn xuất của F-16) mà PAF đã quá quen thuộc từ lâu.

Nếu sở hữu tiêm kích MiG-35, Ấn Độ sẽ có một tiêm kích hạng trung trang bị radar AESA Zhuk-AE tương đương với JF-17 Block 3 lắp radar LKF601E, khí tài dạng này Su-30MKI hiện chưa có kế hoạch tích hợp, vì vậy lựa chọn MiG-35 gần như là phương án duy nhất cho gói thầu MMRCA khi được mở lại.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/an-do-mua-gap-mig-35-khi-pakistan-nang-cap-jf-17-cuc-manh-3376141/