Ấn Độ muốn tăng ảnh hưởng ở các quốc đảo Thái Bình Dương

Các nhà phân tích nhận định Ấn Độ đang để mắt tới việc giành vị thế ở khu vực Thái Bình Dương.

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape (trái) tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ - Quần đảo Thái Bình Dương tại Port Moresby. Ảnh: AFP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tại hội nghị thưởng đỉnh với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương ở Port Moresby (Papua New Guinea) hôm 22/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố với các thành viên của Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ - Quần đảo Thái Bình Dương rằng Ấn Độ sẽ là đối tác đáng tin cậy của các quốc đảo nhỏ, trong bối cảnh khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu.

Sau cuộc gặp song phương với người đồng cấp Papua New Guinea, ông James Marape, Thủ tướng Modi cho biết ông đã thảo luận về các cách tăng cường hợp tác trong thương mại, công nghệ và chăm sóc sức khỏe cũng như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu với quốc đảo này.

Ông Marape đã đề nghị ông Modi trở thành người dẫn đầu của khu vực Global South – nhóm các quốc gia đang phát triển chủ yếu ở phía Nam đường xích đạo.

Ông Rafiq Dossani, Giám đốc Trung tâm RAND về Chính sách châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Mỹ, cho biết sự quan tâm của Ấn Độ đối với khu vực này là một phần trong “cam kết về ý thức hệ đối với Nam bán cầu và giúp thực hiện tham vọng trở thành một cường quốc của chính Ấn Độ”.

Toàn quyền Papua New Guinea Bob Dadae đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) trong cuộc gặp tại Port Moresby hôm 22/5. Ảnh: AFP

Ông Dossani cho biết sự quan tâm của Ấn Độ đối với Quần đảo Thái Bình Dương bắt nguồn từ việc có một số lượng lớn dân số thuộc sắc tộc Ấn Độ trong khu vực đã đạt được những thành công về mặt thương mại.

“Sự tăng trưởng kinh tế gần đây của Ấn Độ đã cho phép nước này đưa nhiều nguồn lực hơn tới các Quần đảo Thái Bình Dương để hỗ trợ họ phát triển”, ông Dossani nói. Ông cho biết nhờ đó, Ấn Độ đã nhận được thiện chí mà các cường quốc khác trong khu vực như Mỹ và Australia không có được.

Năm 2019, Ấn Độ đã công bố khoản tài trợ trị giá 12 triệu USD cho các dự án phát triển, cùng hạn mức tín dụng ưu đãi trị giá 150 triệu USD sử dụng cho các dự án liên quan đến năng lượng Mặt Trời, năng lượng tái tạo và khí hậu.

Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học King's College London, Harsh V Pant, nhận định khu vực Thái Bình Dương là nơi diễn ra “cuộc cạnh tranh địa chính trị” giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Ấn Độ chắc chắn muốn ở trong không gian đó để cung cấp giải pháp thay thế cho một số quốc gia không muốn bị lôi kéo vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới này”, ông Pant nói. Giáo sư này cho rằng cách tiếp cận của Ấn Độ thiên về phát triển, và Delhi cũng đã cố gắng thể hiện tiếng nói của các nước đang phát triển tại các nền tảng như G20 mà nước này hiện đang làm chủ tịch.

Tàu cập cảng ngoài khơi ở Honiara, Solomon. Ảnh: AP

Ông Cleo Paskal, thành viên cao cấp không thường trực của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, cho rằng Ấn Độ là thành viên duy nhất của nhóm Bộ tứ (Quad) có thể giúp các quốc gia Thái Bình Dương cải thiện các mặt an sinh.

“Ấn Độ có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công nghệ thông tin, hệ thống năng lượng chất lượng với giá cả phải chăng và hơn thế nữa”, ông Paskal nói.

Bà Kanchi Mathur - nhà phân tích rủi ro châu Á - Thái Bình Dương, tại Công ty quản trị rủi ro WoRisGo có trụ sở tại Ấn Độ - cho biết Quần đảo Thái Bình Dương chiếm gần 28% vùng đặc quyền kinh tế toàn cầu.

“Khu vực này là một trong những tài sản quan trọng nhất đối với các cường quốc lớn và khu vực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, bà Mathur nói.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo SCMP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/an-do-muon-tang-anh-huong-o-cac-quoc-dao-thai-binh-duong-20230524165708859.htm