Ấn Độ 'ngập' trong núi đường vì chính sách kiểm soát giá

Chính sách kiểm soát giá của chính phủ Ấn Độ đã tạo ra một lượng đường dư thừa khổng lồ và giờ đây New Delhi muốn 'xả hàng' ra thị trường đường thế giới vốn đang gặp khó , theo The Wall Street Journal.

Công nhân làm việc trong một nhà kho của nhà máy đường Dhampur Sugar Mills ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: WSJ

Đường đầy ứ trong các kho hàng

Ấn Độ là nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới và là nước tiêu thụ nhiều đường nhất thế giới. Nhờ các chính sách kiểm soát xuất khẩu đường và giá mía, Ấn Độ luôn luôn sản xuất đủ lượng đường cho nhu cầu trong nước,

Tuy nhiên, như là một di sản còn sót lại từ thời kỳ kinh tế tập trung, New Delhi đặt mức giá mua tối thiểu đối với mía và để duy trì sự ủng hộ của nông dân trồng mía đối với chính phủ, New Delhi liên tục tăng mức giá mua tối thiểu đó. Song, giá đường bán ra cho người tiêu dùng trong nước được thả nổi và hiện nay ở mức thấp đến nỗi các nhà máy đường cho biết họ đang lỗ trên mỗi ký đường bán ra thị trường.

“Các kho đường cứ tăng thêm mỗi năm nhưng không có nhiều nhu cầu tiêu thụ”, Amit Agarwal, giám đốc kinh doanh của một nhà máy đường ở bang Uttar Pradesh nói.

Chỉ tay về phía một nhà kho chứa 77.500 tấn đường chưa bán được, ông Agarwal nói rằng nhà máy ông đang đứng trước áp lực thanh toán tiền cho nông dân mía đường đúng hẹn. “Nhưng tiền ở đâu ra mà trả cho họ?”, ông nói.

Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các nhà máy đường phải mua tất cả mía mà nông dân mang đến bán ở mức giá do chính phủ đặt ra. Vì các nhà máy chỉ có thể thanh toán cho nông dân sau khi bán đường nên họ phải tích trữ đường để đợi giá tăng lên hoặc đợi nhà nước cung cấp các chính sách hỗ trợ.

Kết quả là các núi đường ngày càng được chất cao trong các nhà kho trên khắp Ấn Độ. Năm nhà kho của công ty của ông Agarwal đang đầy các bao đường. Theo thống kê gần nhất vào cuối tháng 5-2018, các nhà máy đường Ấn Độ đang tích trữ 13 triệu tấn đường, nhiều hơn sản lượng đường tiêu thụ ở Mỹ vào năm ngoái.

Theo Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, sản lượng đường của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng lên 31,5 triệu tấn trong niên vụ 2017-2018, cao hơn nhu cầu tiêu thụ đường năm của Ấn Độ khoảng 6,5 triệu tấn.

Ấn Độ có khoảng 50 triệu nông dân trồng mía và những người này nói rằng họ xứng đang có một mức thu nhập đủ sống vì phải làm việc vất vả. Họ ghi nhận chính phủ đang giúp họ cải thiện cuộc sống nhưng họ cũng đang tuyệt vọng chờ các nhà máy đường thanh toán tiền bán mía.

“Chúng tôi đã đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm cho vụ mía. Nếu chúng tôi không được thanh toán đúng hạn, chúng tôi lấy gì để ăn?”, Bansi, một nông dân ở thị trấn Rajpura, bang Punjab nói. Ông cho biết, các nhà máy đường đang nợ ông 150.000 rupee (2.200 đô la Mỹ).

Kế hoạch “xả hàng” ra thị trường quốc tế

New Delhi đang thúc ép các nhà máy bán đường để có tiền thanh toán cho nông dân, thậm chí đang cung cấp chính sách hỗ trợ cho các nhà máy đường để họ nhanh chóng xuất khẩu lượng hàng tồn kho. Vì các nhà máy đường đang thua lỗ dù bán ở thị trường trong nước hay quốc tế nên chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ, chẳng hạn xóa bỏ mức thuế xuất khẩu đường 20%, để giúp họ bù đắp mức lỗ khi xuất khẩu.

Ấn Độ hi vọng sẽ bán khoảng 2,5 triệu tấn đường trong lượng đường dư thừa khổng lồ ra thị trường quốc tế. New Delhi cũng đang trợ cấp một phần chi phí thanh toán tiền mua mía của các nhà máy đường cho nông dân. Vào hồi đầu tháng 5, nội các Ấn Độ đã nhất trí hỗ trợ 5,5 rupee (gần 1.900 đồng VN) cho mỗi ký đường được sản xuất tại các nhà máy và số tiền này sẽ được chính phủ thay mặt các nhà máy, trả trực tiếp cho nông dân.

New Delhi cũng đang cân nhắc xây dựng một kho dữ trữ đường 3 triệu tấn để hỗ trợ giá đường trong nước, giúp các nhà máy đẩy mạnh bán đường để có tiền thanh toán cho nông dân.

Chính phủ muốn xoa dịu nông dân vì họ là một nhóm cử tri lớn. Đảng cầm quyền BJP của Thủ tướng Narendra Modi muốn o bế nông dân trồng mía để đảm bảo nhận được các phiếu bầu của họ trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm sau. Song, các nhà máy đường cho rằng các biện pháp trên vẫn chưa đủ.

“Nếu muốn các nhà máy đường sống sót và tiếp tục hoạt động, chính phủ phải ngừng tăng giá mua mía tối thiểu. Đó là giải pháp duy nhất”, ông Agarwal nói.

Hiện ông Agarwal đang cân nhắc hoặc là bán đường tại nhà máy ra thị trường trong nước với mức giá thấp hoặc dự trữ đường cho đến niên vụ sau.

Nhà phân tích thị trường hàng hóa Michael McDougall ở New York, Mỹ, nói rằng Nếu Ấn Độ “xả” đường ra thị trường quốc tế, các nước sản xuất đường khác như Brazil, Ấn Độ và Úc sẽ lo giá đường giảm thêm và có thể khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tình trạng dư thừa nguồn cung đã đẩy giá đường xuống mức thấp nhất trong 3 năm, giáng một đòn nặng cho các nước xuất khẩu đường như Brazil và Thái Lan.

Adam Sarhan, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư 50 Park Investments ở bang Florida, Mỹ, cho biết ông đặt cược giá đường đi vào xu hướng giảm kể từ đầu năm 2017 và sẽ không thay đổi quan điểm này khi Ấn Độ vẫn đang còn ngồi trên núi đường.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273361/an-do-ngap-trong-nui-duong-vi-chinh-sach-kiem-soat-gia.html