Ấn Độ - Pakistan:Căng thẳng trên biên giới

(HNM) - Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan trong thời gian gần đây liên tiếp bị thử thách bởi các vụ đụng độ biên giới. Căng thẳng giữa hai bên trên tuyến biên giới chung xảy ra với tần suất ngày một nhiều đang gây lo ngại sẽ trở thành biến cố tồi tệ hơn nếu như các bất đồng không được hóa giải. Đó là nhận định của giới quan sát khi chứng kiến những gì diễn ra ở biên giới giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á này thời gian qua.

Quân đội Ấn Độ đã được tăng cường khi liên tục xảy ra các vụ giao tranh ở tuyến biên giới với Pakistan.

Mới đây nhất, Ấn Độ đã cáo buộc binh sĩ Pakistan nã đạn vào ít nhất 50 đồn biên phòng của nước này tại khu vực Kashmir tranh chấp. New Delhi gọi đây là vụ vi phạm lệnh ngừng bắn nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia trong vòng một thập kỷ qua. Theo Phát ngôn viên Lực lượng An ninh biên giới Ấn Độ Vinod Yadav, các vụ tấn công xảy ra tại khu vực phía nam Kashmir sau khi Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ đi thăm khu vực này để đánh giá tình hình an ninh. Các vụ tấn công đã khiến 1 lính gác thiệt mạng và 6 người bị thương. Ít nhất 100 người dân đã được sơ tán khỏi các ngôi làng ở gần biên giới tại Arnia và Ramgarh, hàng trăm người khác phải ẩn náu qua đêm tại các lán trại của chính phủ để tránh đạn. Trước đó, các vụ đụng độ qua đường biên giới quốc tế (IB) giữa hai quốc gia láng giềng ở Nam Á này gần khu vực Kashmir tiếp tục gia tăng khi lực lượng biên phòng hai bên sử dụng vũ khí hạng nặng và đạn pháo để giao chiến tại 25 vị trí khác nhau. Kể từ đầu tháng 8-2013 đến nay, các cuộc đọ súng giữa hai bên diễn ra thường xuyên và tập trung dọc theo Ranh giới kiểm soát (LoC) ở Poonch. Thời gian gần đây, đụng độ cũng liên tiếp được ghi nhận tại các khu vực dọc đường biên giới IB dài khoảng 198km.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng ở Nam Á này nảy sinh căng thẳng và nguyên nhân vẫn là vùng đất Kashmir, thuộc dãy Himalaya, khu vực mà Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền. Đây là lý do dẫn tới những cuộc đụng độ giữa hai nước này kể từ năm 1947. Trong hơn 60 năm qua, hai bên từng có hai cuộc chiến tranh quy mô lớn vào năm 1965 và 1999 để giành quyền kiểm soát Kashmir. Căng thẳng leo thang nghiêm trọng tại Kashmir năm 1999 với giao tranh làm hơn 1.000 binh sĩ hai bên thiệt mạng. Kể từ năm 2003, New Delhi và Islamabad đã thực thi ngừng bắn ở LoC phân chia ranh giới giữa hai nước tại Kashmir. Song suốt thời gian qua, hai bên vẫn thường tố cáo nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Theo thống kê của phía Ấn Độ, trong năm 2012 đã xảy ra 71 vụ nổ súng dọc LoC làm ít nhất 4 binh sĩ Ấn Độ, 2 dân thường và một đối tượng bị cho là xâm nhập từ Pakistan thiệt mạng. Những diễn biến mới nhất khiến dư luận lo ngại những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước sẽ bị tổn hại.

Bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 68 tại New York hồi cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif đã có cuộc hội kiến nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp tại Kashmir. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã cam kết thực hiện các giải pháp hạ nhiệt tình hình căng thẳng hiện nay, đồng thời quyết định giao nhiệm vụ cho các quan chức quân đội cấp cao hai nước đề xuất các biện pháp hữu hiệu để nối lại lệnh ngừng bắn tại khu vực Kashmir. Hai nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng, điều kiện tiên quyết để giải quyết và thúc đẩy mối quan hệ hai nước là cần cải thiện tình hình hiện nay tại khu vực LoC ở Kashmir. Thậm chí, Thủ tướng Pakistan còn hứa sẽ trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm gây ra vụ tấn công khủng bố tại thành phố Mumbai của Ấn Độ (ngày 26-11-2008), làm 166 người thiệt mạng.

Vì vậy, dư luận cho rằng cách tốt nhất để giúp tình hình lắng dịu tại Nam Á là tìm giải pháp cho vấn đề thông qua thương lượng, đàm phán hòa bình. Việc pháo kích qua lại để trả đũa giữa hai bên sẽ chỉ khoét sâu thêm mâu thuẫn và không có lợi cho sự ổn định chung tại khu vực, đặc biệt khi hai cường quốc ở Nam Á này cùng có tiềm lực về hạt nhân.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/635770/an-do---pakistancang-thang-tren-bien-gioi