Ấn Độ - Pakistan chuẩn bị kịch bản thảm khốc?

Ấn Độ chưa từ bỏ sau cuộc đụng độ với Pakistan, bàn kịch bản thảm khốc có thể xảy ra.

Quân đội Ấn Độ trong một boong-ke tại Đường kiểm soát, phân chia Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: AP

Quân đội Ấn Độ trong một boong-ke tại Đường kiểm soát, phân chia Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: AP

Ngay sau vụ tấn công của hai phe hôm 2/4, Ủy ban Nội các về An ninh của Ấn Độ đã tổ chức họp. Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval báo cáo 3 binh chủng đang đợi lệnh tấn công.

Thủ tướng Ấn Độ cho phép hải-lục-không quân tự do hành động trong tình hình khẩn cấp.

Mục tiêu tấn công sắp tới của Ấn Độ được xác định không chỉ ở cao nguyên tranh chấp dai dẳng Azad Kashmir 13.000 km2. Bộ đội Ấn Độ còn có thể thọc sâu vào lãnh thổ Pakistan.

Nếu Ấn Độ trong một động thái thể hiện thái độ cương quyết với Pakistan trong cuộc đối đầu này, kịch bản leo thang căng thẳng có thể dẫn tới một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Cả hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan đều đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng gờm.

Pakistan nắm kho vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới với 150 đầu đạn trong khi láng giềng không thua kém, thậm chí hơn.

The News của Pakistan đưa tin tức này và nhận định, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như chỉ lưu ý nhắm vào mục tiêu quân sự mà không để thường dân thiệt mạng.

Kịch bản tấn công của Ấn Độ được báo chí Pakistan đưa tin không lâu sau vụ tấn công được cáo buộc là do Ấn Độ tiến hành nhằm vào các khu vực dân sự và quân sự ở bên kia biên giới với Pakistan.

Một dân thường Pakistan bị thương trong vụ tấn công của Ấn Độ về phía biên giới Pakistan rạng sáng 2/4.

Hậu quả vụ tấn công ngày 1/4, rạng sáng ngày 2/4 còn khiến dân thường thiệt mạng.

Trong khi đó, truyền thông Pakistan rộ lên thông tin một lãnh đạo Đảng tại Ấn Độ mới đây khẳng định sẽ hủy bỏ Điều 370 trong Hiến pháp nước này một khi ông thay thế Thủ tướng Modi. Điều 370 quy định bang Jammu and Kashmir là một lãnh thổ tự trị.

Điều này có nghĩa là Nghị viện của Ấn Độ sẽ bị hạn chế quyền lực để quyết định các vấn đề lãnh thổ ở khu vực bang tự trị này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Mohammad Faisal đã lập tức kêu gọi Ấn Độ cân nhắc mọi khả năng ra quyết định. Việc bãi bỏ Điều 370 sẽ vi phạm các Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Đồng thời, ông Faisal cũng bày tỏ, Pakistan không chấp nhận bất kỳ trường hợp nào ảnh hưởng đến lãnh thổ khu tranh chấp của 3 quốc gia Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc.

Đại diện bang Jammu và Kashmir cũng phản đối dự định của Ấn Độ.

Lãnh đạo Nghị viện Jammu và Kashmir Omar Abdullah cho rằng, một đất nước khi giành được độc lập, tạo ra Hiến pháp là nhằm quy định những điều khoản tạo nên bản sắc của Nhà nước đó mà họ cần phải bảo vệ.

"Thật không may, một số nhà lãnh đạo của chúng ta đang khiến Điều 370 trở nên vô nghĩa vì những lợi ích cá nhân" - ông Omar Abdullah nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, mối quan hệ giữa Ấn Độ và bang này sẽ chấm dứt một khi New Delhi quyết định bãi bỏ Điều 370.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/an-do--pakistan-chuan-bi-kich-ban-tham-khoc-3377762/