Ấn Độ quay cuồng trong 'cơn nghiện' thuốc giảm đau

Việc Chính phủ Ấn Độ nới lỏng các quy định liên quan đến việc sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid cần kê toa cộng với các mánh lới để tìm kiếm và mở rộng thị phần của các hãng dược đã dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau tràn lan ở nước này.

Việc bán thuốc không theo quy định diễn ra phổ biến ở nhiều hiệu thuốc ở Ấn Độ.

Việc bán thuốc không theo quy định diễn ra phổ biến ở nhiều hiệu thuốc ở Ấn Độ.

Cái khó bó cái khôn

Trong phòng chờ đông đúc ở phòng khám của bác sĩ Sunil Sagar ở khu dân cư của những người dân thuộc tầng lớp lao động Bhagwanpur Khera, một đứa trẻ nặng nề thở với sự hỗ trợ của máy phun sương. Ở trên nền xi măng của phòng khám, các bệnh nhân nhấc nhổm ngồi chờ. Không khí ngột ngạt thêm ồn ã do số lượng bệnh nhân xếp hàng đợi khám quá tải.

Bác sỹ Sagar ngồi sau một cái bàn trong một căn phòng nhỏ, mở sẵn cửa. Cứ hết một lượt khám, các trợ lý lại đưa một bệnh nhân đến ngồi trước mặt ông. Một người cha với vẻ mặt bối rối bế một đứa bé ngồi xuống cạnh vị bác sĩ. Ông Sagar lấy ống nghe đặt lên lưng đứa trẻ nghe qua rồi rút một tờ giấy ra viết đơn thuốc. Người cha sau đó lấy vài đồng rupee đưa cho bác sĩ. Vị bác sĩ lẳng lặng cầm tiền, để vào ngăn kéo đựng tiền dưới bàn làm việc. Toàn bộ việc thăm khám và trao đổi có lẽ chỉ diễn ra trong khoảng 2 phút.

Sau nhiều thập kỷ áp dụng các quy định nghiêm ngặt, giới chức Ấn Độ gần đây bị thuyết phục về việc những bệnh nhân phải chịu đựng những cơn đau do ung thư hoặc chết trong đau đớn và đã nới lỏng các quy định, mở đường cho phép các loại thuốc giảm đau opioid tiếp cận và dễ dàng được đưa vào các phòng khám và các quầy thuốc. Ngay lập tức các công ty dược phẩm của Mỹ - “kiến trúc sư” của cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau nhóm opioid ở Mỹ, những đơn vị luôn tích cực tìm kiếm những thị trường mới - sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó.

Đối với những bệnh nhân ung thư Ấn Độ, thay vì phải quằn quại trong đau đớn, họ có thể lựa chọn những miếng dán fentanyl do một công ty con của Johnson & Johnson sản xuất. Đối với các nhân viên văn phòng trung lưu thường xuyên bị đau lưng và cổ ở đây, buprenorphin từ Mundipharma là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Và với hàng trăm triệu người Ấn Độ già nua bị đau khớp và đầu gối, những viên tramadol từ Abbott là thứ cực kỳ dễ mua và giúp họ giảm các cơn đau một cách tiện lợi. Tình trạng sử dụng tràn lan những loại thuốc này ngày càng phổ biến vì sự hấp dẫn của một cuộc sống không đau khổ với nhiều người bệnh.

Tại phòng khám của bác sĩ GP Dureja trong ở phía Đông thủ đô New Delhi, một phụ nữ mặc một bộ đồ đen với dáng đi xiêu vẹo lê bước vào phòng khám của bác sỹ khi đến lượt. Bệnh nhân này đã từng đến thăm khám tại phòng khám của bác sĩ Dureja nhiều lần và được chẩn đoán bị đau cơ xơ - một chứng rối loạn thần kinh mãn tính gây đau khắp cơ thể. Tuy nhiên, paracetamol và tramadol (loại thuốc giảm nhóm đau opioid) đã không còn có tác dụng với bệnh nhân này.

Theo bác sĩ Dureja, trước đây, nhiều người Ấn Độ nghĩ rằng ở các nước phương Tây người dân mới có điều kiện sử dụng những loại thuốc giảm đau có tác dụng mạnh nhưng điều này nay đã thay đổi. Nữ bệnh nhân sau khi được thăm khám qua quýt đã nhanh chóng rời đi với đơn thuốc mới. “Nhiều người trước đây thậm chí không có thời gian để kêu ca về việc bị đau nhức khắp cơ thể nhưng hiện nay, mỗi ngày tôi thăm khám cho 5-7 bệnh nhân như vậy”, bác sĩ Dureja nói. Hiện nay, những phòng khám chuyên về giảm đau trên cơ thể như phòng khám của vị bác sĩ này đang mở ra ngày càng nhiều.

Việc này cũng đã nhanh chóng đưa đến việc sử dụng tràn lan các loại thuốc giảm đau ở Ấn Độ. Một địa điểm phổ biến để mua các loại thuốc giảm đau nhóm opioid với số lượng lớn ở Ấn Độ là khu Bhagirath Palace ở chợ Chandni Chowk - một trong những chợ bán buôn lớn nhất Ấn Độ có từ thế kỷ 17. Tại đây, các quầy phân phối thuốc với những tấm biển quảng cáo cỡ lớn được trưng trước cửa nằm san sát nhau, rao bán tất cả các loại thuốc, từ thuốc chống ung thư đến các sản phẩm của các công ty dược tên tuổi.

Những quy định bị phớt lờ

Tương tự hệ thống đẳng cấp cứng nhắc, ngành công nghiệp xoa dịu các cơn đau của người dân ở Ấn Độ cũng được phân tầng. Những người có điều kiện sẽ đến thăm khám tại các phòng khám khang trang, có chất lượng tốt trong khi những người thuộc tầng lớp lao động thường tìm đến các bác sĩ trong khu dân cư của họ còn những người nghèo khó, đặc biệt là những người sống ở khu ổ chuột rộng ở Ấn Độ chỉ có thể tìm đến những hiệu thuốc bên đường để tìm kiếm những phương thuốc xoa dịu những đau đớn về thể xác của họ.

Tại khu ổ chuột Mankhurd ở Mumbai, những người sinh sống ở đây có tuổi thọ trung bình chỉ là 39, trẻ mới biết đi lang thang dưới đất, đi đại tiện ngay trên đường phố. Những đứa trẻ bị nhiễm trùng ở chân thản nhiên ngồi gãi mà không hề được sát trùng. Không có nước sạch đô thị, những người bán hàng rong ở đây bán những túi nước bẩn với giá chỉ 2 rupee (tương đương 0,03 USD). Ở nơi này, những loại thuốc giảm đau rất sẵn và có thể mua được một cách dễ dàng.

Còn ở cửa hàng dược tổng hợp Shiv, một cậu bé phụ trách gian hàng vừa với tay lấy một bịch Ultracet (thuốc giảm đau opioid được sử dụng để điều trị cơn đau vừa đến nặng do một công ty con của Johnson & Johnson sản xuất), vừa viết hóa đơn khi có khách hàng vào hỏi mua. Theo quy định, những loại thuốc như vậy cần phải có đơn hàng mới được bán nhưng người bán thuốc chỉ hỏi tên bác sĩ kê đơn thuốc. Người mua bịa ra 1 cái tên nhưng người bán cũng chẳng bận tâm, chỉ viết tên vị bác sĩ không có thật đó vào hóa đơn rồi đưa thuốc cho người mua. Toàn bộ quá trình này cũng diễn ra hết sức nhanh chóng và đơn giản, hoàn toàn không tuân theo quy định.

Chuyên gia xã hội Alfiya Mulla cho hay, các loại thuốc giảm đau là một phần thói quen hàng ngày của những người dân sống ở các khu ổ chuột ở Mumbai. Theo lý giải của vị chuyên gia, cuộc sống hàng ngày của những người dân sống ở đây là một cuộc chạy đua hối hả. Đối với phụ nữ ở khu ổ chuột, hàng ngày, họ phải xách những thùng nước tới 35 lít khoảng 500m từ nơi chứa nước về nhà. “Đó là lý do tại sao phụ nữ phải dùng những loại thuốc như Ultracet, vì họ đang bị đau lưng”, ông Mulla nói.

Thuốc giảm đau nhóm opioid bao gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, trong đó có morphin, có tác dụng giảm đau mạnh nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ, trong đó có việc gây nghiện. Người nghiện thuốc này càng về sau sẽ càng không thể cưỡng lại được sự thôi thúc sử dụng thuốc, dẫn đến nhiều nguy cơ, trong đó có việc buộc phải chuyển sang dùng heroin để thỏa mãn cơn nghiện hay thậm chí là nguy cơ tử vong do sử dụng quá liều.

Hà Dũng

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/an-do-quay-cuong-trong-con-nghien-thuoc-giam-dau-d153740.html