Ấn Độ rút khỏi RCEP: Quyết định gây ra hệ lụy lớn!

Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan ở Nonthaburi, Thái Lan, đã có một bước ngoặt bất ngờ khi Thủ tướng Narendra Modi rút Ấn Độ ra khỏi các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Theo giới phân tích, động thái này của New Delhi sẽ gây ra hệ lụy lớn.

RCEP là một thỏa thuận rất lớn, tác động liên hoàn tới hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu. Hiệp định này hiện bao gồm 15 nền kinh tế lớn, chiếm 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả thế giới, ngang bằng với NAFTA và lớn hơn cả EU. RCEP đưa các quốc gia khác biệt tập hợp lại với nhau, từ những nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á, đến các cường quốc toàn cầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Hiểu một cách đơn giản, điều này đòi hỏi một quá trình rất phức tạp. Kể từ lần khởi động đầu tiên vào năm 2011, RCEP đã trải qua 29 vòng đàm phán chính thức và hàng chục cuộc đối thoại giao thoa, cùng nhiều cuộc họp cấp bộ trưởng. Việc tạo dựng sự đồng thuận giữa các chính phủ về các quy tắc thương mại cho hàng chục nghìn sản phẩm không phải là một nhiệm vụ nhanh chóng và dễ dàng. Quyết định rút khỏi RCEP của Ấn Độ bị coi là một thảm họa.

Trong thời điểm cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu ngày một gia tăng, hầu hết các nhà phân tích đều lập luận rằng quyết định này đã làm giảm sự tăng cường hợp tác chính trị và hội nhập kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

RCEP sẽ không có sự tham gia của Ấn Độ. Ảnh tư liệu

RCEP sẽ không có sự tham gia của Ấn Độ. Ảnh tư liệu

Trong tuyên bố thông báo về quyết định này, Thủ tướng Modi đã giải thích rằng "hình thức hiện tại của thỏa thuận RCEP không phản ánh đầy đủ tinh thần cơ bản và các nguyên tắc hướng dẫn đã được nhất trí của RCEP và nó cũng không giải quyết thỏa đáng những vấn đề còn tồn tại các mối lo ngại của Ấn Độ”. Quyết định của Ấn Độ ưu tiên các lợi ích kinh tế trong nước hơn là dự án hội nhập kinh tế khu vực là điều không bất ngờ. Tuy nhiên, quyết định này sẽ được diễn giải khác nhau tại thủ đô của các quốc gia thành viên ASEAN.

Trước hết, ASEAN xem các nhu cầu kinh tế và chiến lược của hiệp định thương mại là hai mặt của một đồng xu. Sáp nhập kinh tế Ấn Độ vào nền kinh tế khu vực có lợi cho việc gắn kết Ấn Độ sâu hơn vào các lĩnh vực chính trị và chiến lược của khu vực. ASEAN xem Ấn Độ như một điểm tựa không thể thiếu trong việc duy trì sự cân bằng chiến lược mong manh của khu vực bằng cách đóng vai trò là một đối trọng với các cường quốc có tham vọng bá quyền. Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong từng mô tả ASEAN là một máy bay chở khách có hai cánh, với Trung Quốc và Ấn Độ ở mỗi bên. Về mặt này, ASEAN sẽ coi việc Ấn Độ rút khỏi RCEP là việc đánh mất cơ hội tăng cường cam kết chiến lược của Ấn Độ với khu vực.

Cùng tâm trạng, Ấn Độ đã giảm bớt sức nặng chiến lược của chính họ khi sự liên quan và cam kết của họ đối với khu vực bị đặt dấu hỏi, đặc biệt là chính sách Hành động hướng Đông của nước này. Liệu Ấn Độ có đủ năng lực và khao khát chính trị để vượt qua những vấn đề đối nội để tiến xa hơn trong việc thúc đẩy lợi ích chung của khu vực? Tìm kiếm sự cân bằng giữa lợi ích trong nước và lợi ích không thể phủ nhận của hợp tác khu vực sẽ là chìa khóa để Ấn Độ hiện thực hóa tiềm năng lãnh đạo khu vực của họ. RCEP bóc trần thực tế là Ấn Độ vẫn chưa tìm thấy sự cân bằng này. Cho đến khi và trừ khi Ấn Độ tìm thấy sự cân bằng này, họ sẽ không được coi là một đối tác chiến lược trong khu vực.

Từ góc nhìn rộng hơn, việc Ấn Độ rút khỏi RCEP đã thu hút sự tập trung vào nguyên tắc cơ bản của khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dựa trên sự nối liền giữa hai đại dương Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Mặc dù luận điểm này đúng trong lĩnh vực hàng hải, chiếm hơn 50% lượng hàng hóa lưu thông trên thế giới, nhưng mối liên kết giữa hai không gian địa chính trị ít rõ ràng hơn. RCEP là bằng chứng cho thấy các liên kết địa chính trị không phải là một yếu tố. Về mặt này, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã không thành công trong bài thử nghiệm thực sự đầu tiên khi dự án liên kết các không gian địa chính trị ở Nam Á, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và khu vực Nam Thái Bình Dương bị thất bại khi Ấn Độ rút khỏi RCEP.

Việc Mỹ rút khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã gây tổn thất tương tự đối với giá trị chiến lược của khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như là nguyên tắc cấu thành sự hợp tác liên khu vực. Nếu không có các liên kết thực sự như RCEP và TPP, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ vẫn là một khái niệm hoa mỹ. Không có Ấn Độ, tất cả những gì còn lại của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chỉ là Thái Bình Dương. Tương tự, không có Mỹ, tất cả những gì còn lại của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là "Ấn Độ Dương”. Việc Ấn Độ rút khỏi RCEP là hồi chuông báo tử đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nó cũng làm dấy lên những nghi ngờ về cam kết của Ấn Độ đối với khái niệm này.

Với Ấn Độ, "vấn đề" hiện nay đã rõ, con đường đã được mở ra cho RCEP-15 để hướng tới nhanh chóng hoàn tất hiệp định thương mại khu vực. RCEP-15 làm thay đổi tinh thần và hình thức của chủ nghĩa khu vực do ASEAN lãnh đạo và sự vắng mặt của Ấn Độ sẽ được nhớ tới và cảm nhận một cách sâu sắc. Sẽ là một sai lầm khi ASEAN coi việc Ấn Độ rút khỏi RCEP như một "sự chia ly ở ga cuối”. Thay vào đó, cả hai bên cần nỗ lực xây dựng những cầu nối chiến lược để đảm bảo rằng quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN-Ấn Độ không bị ảnh hưởng.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/an-do-rut-khoi-rcep-quyet-dinh-gay-ra-he-luy-lon-169534.html