Ấn Độ thị uy trước Pakistan bằng tên lửa chống tăng Liên Xô cực mạnh

Trước tình hình Quân đội Pakistan đang điều động các xe tăng chiến đấu chủ lực T-80UD và MBT-2000 tới sát đường giới tuyến LoC, Ấn Độ đã ngay lập tức đưa ra hành động đáp trả.

Trước động thái đưa xe tăng tới sát biên giới của Pakistan, Quân đội Ấn Độ ngay lập tức tiến hành một cuộc diễn tập phòng thủ bằng tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM).

Mặc dù đã sở hữu những dòng tên lửa chống tăng nội địa và nhập khẩu cực kỳ hiện đại như Nag hay Spike thuộc thế hệ 3 có khả năng tự tìm mục tiêu nhưng trong cuộc tập trận lần này Ấn Độ lại sử dụng vũ khí cũ.

Loại tên lửa chống tăng được Quân đội Ấn Độ mang ra bắn đạn thật chính là 9M133 Konkurs-M, vũ khí này không có khả năng tự dẫn mà yêu cầu xạ thủ phải liên tục căn chỉnh đường ngắm tới khi trúng mục tiêu.

Có lẽ giới chức quốc phòng Ấn Độ tự tin cho rằng đối phó với các xe tăng chiến đấu chủ lực T-80UD và MBT-2000 của Quân đội Pakistan thì chưa cần huy động tới các dòng ATGM tối tân hơn.

9M113 Konkurs (Tên định danh NATO AT-5 Spandrel) là tổ hợp tên lửa chống tăng điều khiển bằng dây bán tự động (SACLOS) do Liên Xô sản xuất, 9M113 là tên gọi theo quy định của GRAU.

Được thử nghiệm năm 1962 và chính thức được đưa vào biên chế trang bị của Quân đội Liên Xô năm 1974 và cung cấp cho các đồng minh một thời gian sau đó.

Ban đầu các nhà thiết kế tính toán sẽ lắp đặt AT-5 trên các loại xe bọc thép như BMP-2 hay BRDM-2, tuy nhiên sau đó tên lửa cũng sử dụng những bệ phóng cải tiến kiểu 9P135M của AT-4 để có thể mang vác.

Thời điểm mới ra đời, AT-5 được coi là có tính năng tương đương với những loại tên lửa chống tăng khác của Pháp và Ý như HOT hoặc MILAN nhưng gọn nhẹ và đa năng hơn.

Sau này khi hệ thống phòng thủ thụ động của xe tăng được tăng cường với giáp phản ứng nổ (ERA) thì AT-5 có phiên bản cải tiến AT-5B Konkurs-M với đầu nổ tandem.

Một cải tiến khác của phiên bản AT-5B đó là nó không đòi hỏi phải dẫn hướng bằng dây nữa mà đã có cơ chế bám chùm tia laser được chiếu từ bệ phóng, tuy vậy nó chưa thể tự động tìm mục tiêu.

Thông số cơ bản của tên lửa chống tăng 9M113 Konkurs: chiều dài 1,15 m; đường kính 0,135 m; sải cánh 0,468 m; trọng lượng 14,6 kg; đầu đạn 2,7 kg; tầm bắn 0,07 - 4,0 km; sức xuyên 600 mm giáp đồng nhất.

Tên lửa chống tăng Konkurs-M được coi là giải pháp đơn giản và rẻ tiền hơn nhiều so với việc triển khai dòng Kornet hiện đại trong khi vẫn phát huy được đầy đủ tính năng trước các loại xe tăng không quá hiện đại của đối phương.

Sức xuyên 600 mm của Konkurs và lên tới khoảng 750 mm thép đồng nhất của phiên bản Konkurs-M là quá đủ để bắn hạ các loại xe tăng đang có trong biên chế Quân đội Pakistan.

Những loại tên lửa chống tăng dẫn đường tự động thế hệ 3 có lẽ chỉ được Ấn Độ tung vào trận nếu tình hình có diễn biến xấu hay chênh lệch lực lượng theo hướng bất lợi cho họ mà thôi.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-an-do-thi-uy-truoc-pakistan-bang-ten-lua-chong-tang-lien-xo-cuc-manh/801332.antd