Ấn Độ tố Mỹ hống hách

Khi tìm cách lôi kéo Ấn Độ khỏi Liên Xô, Mỹ có thái độ rất khác, nhưng giờ lại 'hống hách' yêu cầu Ấn Độ ngừng theo đuổi quan hệ với Nga.

Tình thân Nga-Ấn

Đại sứ Nga tại Ấn Độ Nikolay Kudashev mới đây tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không gây trở ngại cho những thỏa thuận quốc phòng giữa hai nước này, đồng thời tiết lộ New Delhi và Moscow sẽ sớm ký kết các hợp đồng về khinh hạm và súng trường Kalashnikov.

Phát biểu trước một nhóm phóng viên, ông Kudashev mô tả thỏa thuận về hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trị giá 5,4 tỷ USD mà hai nước ký kết gần đây là "hợp đồng lớn nhất" trong lịch sử quan hệ Ấn-Nga, đồng thời khẳng định đây là một trong những thỏa thuận nhanh nhất được ký kết giữa hai nước và quá trình đàm phán không bị kéo dài.

Đại sứ Nikolay Kudashev (phải) trong lần trình quốc thư trước Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind hồi tháng 10/2017

Ông cho biết thêm: "Trong những tháng tới, các bạn có thể chứng kiến thêm các thỏa thuận. Đàm phán đang diễn ra. Đây là quá trình bình thường. Chúng tôi hy vọng rằng trong vòng 2-3 tháng tới, chúng ta có thể sớm có thỏa thuận về các khinh hạm cũng như thỏa thuận về súng trường Kalashnikov".

Tuyên bố của vị đại sứ Nga được đưa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Ấn Độ sẽ sớm "biết" liệu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) có được áp dụng với thương vụ S-400 nêu trên hay không.

Về phía Ấn Độ, ngoài những phát biểu chính thức của giới lãnh đạo đất nước và quân đội về đường lối độc lập, trong đó có hợp tác với Nga, báo chí và giới phân tích Ấn Độ cũng khẳng định điều này.

Tờ Thời báo Ấn Độ hôm 13/10 cũng đề cập tới lời “đe dọa” của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan tới thương vụ S-400 khi coi đây là “điềm gở” trong quan hệ Ấn-Mỹ. Theo tờ báo này, dù Mỹ có trừng phạt Ấn Độ theo CAATSA hay không, có một điều khá rõ là quan hệ của Ấn Độ với Nga sẽ không phai nhạt trong một sớm một chiều.

Tên lửa S-400 của Nga

Tờ báo khẳng định, Nga, và Liên Xô trước đây, là điểm tựa vững chắc cho chính sách an ninh của Ấn Độ. Các đợt chuyển giao vũ khí của Moscow giúp New Delhi xây dựng một lực lượng quân sự hùng hậu và được trang bị đầy đủ với chi phí tương đối thấp. Bên cạnh đó, nhìn chung đường lối của Nga phù hợp với chính sách của Ấn Độ trong khu vực.

Gần đây, Ấn Độ đã tìm cách xích lại gần với Mỹ, một tiến trình có phần gấp gáp hơn khi cách biệt về sức mạnh quốc gia tổng hợp giữa Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng. Tuy nhiên, Mỹ đã cho thấy họ là những khách hàng khó tính hơn. Dựa vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình, mà một số người cho là ngạo mạn, Washington muốn những cường quốc khu vực gắn họ với các lợi ích của Mỹ.

Trái ngược với quan điểm của Nga ở Nam Á, người Mỹ khăng khăng đòi Ấn Độ phải “theo đuôi” và phớt lờ các lợi ích của New Delhi.

Sự hống hách của người Mỹ

Trong thập niên 1980, khi tìm cách lôi kéo Ấn Độ ra khỏi vòng tay Liên Xô, Mỹ thể hiện một giọng điệu khác. Khi đó, Washington đề xuất hợp tác với New Delhi để phát triển các công nghệ quân sự nhằm giúp Ấn Độ "tự cung tự cấp".

Hai bên đã ký một bản ghi nhớ vào năm 1984 về việc chuyển giao công nghệ.

Trong 3 thập kỷ sau đó, Mỹ bán nhiều vũ khí cho Ấn Độ, song New Delhi hầu như không đạt được nhiều tiến bộ về năng lực công nghệ quân sự dưới sự hỗ trợ của Mỹ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/an-do-to-my-hong-hach-3367306/