Ấn Độ: Tranh cãi hệ thống giám sát thông tin

Hệ thống Giám sát Trung ương (CMS) - có nhiệm vụ giám sát các thông điệp văn bản điện tử, sự giao tiếp truyền thông – xã hội cũng như các cuộc gọi điện thoại và hơn một trăm triệu người dùng Internet hiện nay ở Ấn Độ.

Dự án CMS – do Trung tâm Phát triển công nghệ thông tin Ấn Độ (C-DOT) thực hiện – giúp các cơ quan thực thi pháp luật trong nước tiết kiệm được nhiều thời gian và làm việc hiệu quả hơn, theo báo cáo hàng năm của Bộ Viễn thông Ấn Độ. Những yêu cầu của CMS bao gồm nghe lén trong thời gian thực, ghi âm, lưu trữ, phân tích và nhận diện giọng nói.

Giám sát trong nước

Theo danh sách của Google, trong năm 2014, Ấn Độ chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ với 4.750 yêu cầu tiết lộ dữ liệu người dùng Internet (tăng 52% so với 2 năm trước đó) và những yêu cầu xóa bỏ dữ liệu tăng 90% so với năm 2012. Những yêu cầu đó thường được thông qua cảnh sát hay lệnh tòa án, song hệ thống CMS mới sẽ không đòi hỏi tiến trình pháp lý như thế nữa. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn chưa có luật chính thức bảo vệ đời tư công dân để có thể ngăn cấm những hoạt động giám sát tùy tiện.

Những người chỉ trích lên án hệ thống mới CMS không chỉ “xâm phạm đời tư và trao quyền hạn quá mức cho lực lượng an ninh” mà còn có tác dụng ngược về vấn đề an ninh quốc gia. Trong tiến trình thu thập dữ liệu để theo dõi hoạt động tội phạm, bản thân dữ liệu cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công của bọn khủng bố và tội phạm. Sunil Abraham – Giám đốc điều hành Trung tâm Internet và Xã hội Ấn Độ (CIS) - gọi đó là “hũ mật” ngon lành!

CMS giám sát được triển khai tại Ấn Độ.

An ninh quốc gia được tuyên bố là lý do cho sự tồn tại của CMS nhưng không ai có thể đánh giá được hệ thống này có giúp chính quyền Ấn Độ ngăn chặn hoạt động khủng bố hiệu quả hay không. Ấn Độ cũng có sự kiện ngày 11-9 như nước Mỹ - đó là những vụ tấn công khủng bố liên hoàn đẫm máu ở thành phố Mumbai năm 2008.

Nói về thảm họa này, chính quyền Ấn Độ được các cơ quan tình báo nước ngoài thông tin về âm mưu tấn công nhưng có vẻ như họ đã không có hành động gì để ngăn chặn điều đó xảy ra. Do đó nhiều người cho rằng thực tế chứng minh việc thu thập dữ liệu với số lượng khổng lồ không hẳn có thể bảo vệ người dân an toàn hơn.

CMS do C-DOT đảm nhận sẽ giám sát khoảng 900 triệu điện thoại di động cũng như điện thoại cố định và 160 triệu người dùng Internet trong thời gian thực. Điều đó có nghĩa là các cơ quan chính quyền Ấn Độ giám sát được bất cứ cuộc nói chuyện nào qua điện thoại di động hay cố định, tin nhắn SMS, fax, lịch sử truy cập Internet, các mạng xã hội, tìm kiếm trên Internet và e-mail.

Hiện nay, 2 cơ quan tình báo Ấn Độ là IB, RAW cùng 7 cơ quan chính quyền khác và Bộ Nội vụ được phép sử dụng hệ thống CMS. Ngoài ra, chính quyền Ấn Độ cũng yêu cầu các công ty viễn thông quốc tế đang hoạt động ở nước này tham gia CMS.

Gây sức ép

Vào cuối năm 2012, trong chương trình gọi là Nghiên cứu sự di động, công ty quản lý điện thoại di động BlackBerry cho phép chính quyền Ấn Độ giám sát các tin nhắn BlackBerry Messenger (BBM) và các e-mail thuộc dịch vụ mạng BlackBerry Internet Service. Nhưng hiện nay, chính quyền Delhi than phiền họ chỉ có thể gián điệp những giao tiếp của khoảng 1 triệu người dùng BlackBerry ở Ấn Độ - trong khi đó tình báo Ấn Độ muốn có danh sách của “toàn bộ” những chiếc điện thoại BlackBerry trên toàn cầu!

Mỗi chiếc BlackBerry được cấp một mã PIN duy nhất dùng để gửi tin nhắn miễn phí đến những người dùng BlackBerry khác. Dịch vụ này gây lo ngại cho cơ quan an ninh bởi vì những tin nhắn này – được gửi mã hóa qua các máy chủ đặc biệt – khó có thể đọc lén được và do đó mà bọn tội phạm thường sử dụng nó để tránh né sự theo dõi của nhà chức trách.

Tuy nhiên, mặc dù chính quyền Ấn Độ cho biết tình báo nước này được cung cấp danh sách toàn bộ các mã PIN của những người dùng BlackBerry trong nước – nghĩa là việc giám sát những giao tiếp của những người dùng này hiện khả thi – nhưng họ vẫn chưa có các mã PIN của người dùng bên ngoài biên giới Ấn Độ. Điều đó gây khó khăn cho tình báo Ấn Độtrong quá trình xác định và nghe lén thông tin được trao đổi giữa người Ấn Độ và người nước ngoài.

Theo Tạp chí Economic Times của Ấn Độ, “chính quyền Ấn Độ muốn được cung cấp các mã PIN của tất cả thiết bị di động này trên toàn cầu giúp các cơ quan tình báo nước này thu thập thông tin trao đổi giữa những thuê bao trong nước và những người sống ở nước ngoài”. Công ty BlackBerry ban đầu không muốn cung cấp dữ liệu này, song sau đó phải nhượng bộ chính quyền Ấn Độ vì bị đe dọa không được tiếp tục hoạt động ở nước này.

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất tìm cách thu thập dữ liệu như thế, mà những nỗ lực tương tự cũng diễn ra trên khắp thế giới đầy biến động hiện nay. Vào cuối năm 2012, Pakistan cũng cho lắp đặt những thiết bị nghe lén hiện đại nhằm “hạn chế những trang web bẩn và báng bổ” cũng như giám sát những cuộc giao tiếp qua điện thoại di động với mục đích chống khủng bố. Mỹ, Australia và Anh cũng đang có những nỗ lực nâng cấp các khả năng nghe lén của họ. Nhưng, chính quyền Ấn Độ có lẽ muốn công khai thương lượng với các công ty viễn thông.

Không chỉ có BlackBerry, mà chính quyền Ấn Độ còn muốn khai thác thông tin ở Skype và Gmail. C-DOT là trung tâm phát triển công nghệ viễn thông của chính quyền Ấn Độ, được thành lập tháng 8-1984, nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối Internet của người dân nước này. Trong những năm đầu mới thành lập, C-DOT đã làm một cuộc cách mạng viễn thông ở các vùng nông thông Ấn Độ, mở ra cơ hội cho người dân được kết nối toàn cầu. C-DOT đã xây dựng được cơ sở hạ tầng quy mô, trang thiết bị hiện đại bắt kịp xu hướng phát triển thông tin của thế giới.

Di An (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/an-do-tranh-cai-he-thong-giam-sat-thong-tin-512945/